Chuyện giải thoát cô Clotilde Reiss khỏi nhà tù Tehran ở Iran đang làm xôn xao dư luận nước Pháp hơn 1 tháng nay.
Cô giáo về ngôn ngữ Reiss, tròn 24 tuổi, học giỏi tiếng Ba-tư hè này sang Tehran, thủ đô Iran, đi du lịch và muốn tìm chỗ dạy tiếng Pháp bên đó.
Tehran đang sống những ngày sôi động về chính trị. Sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 12-6-2009, tổng thống trúng cử Mahmoud Ahmadinajad bị tố cáo gian lận, các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra.
Cuối tháng 6, cô Reiss gặp một cuộc tuần hành lớn, liền đi theo quan sát, tò mò chụp vài pô ảnh vào trong chiếc điện thoại di động và kể chuyện cho một cô bạn. Cô bị cảnh sát và mật vụ theo dõi.
Ngày 1-7 cô sắp lên máy bay để trở về Pháp thì bị giữ lại và bị giam chờ ngày ra toà về tội "do thám và khuyến khích hoạt động chống đối", có thể bị tù 5 năm.
Dư luận Pháp tìm hiểu tình hình, Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định cô vô tội, Tổng thống Pháp Sarkosy yêu cầu chính quyền Iran thả ngay không điều kiện cô giáo trẻ này.
Cùng bị bắt với cô còn có một số người Pháp, Anh làm việc tại Iran; Chính quyền Iran cố tạo nên chứng cớ là bất ổn chính trị là do các nước phương Tây gây nên, nhằm xoa dịu sự chống đối ở trong nước. Toà án Cách mạng (!) Iran mở phiên toà đầu tiên ngày 8-8 để xét xử hàng loạt người chống đối, người Iran và cả người nước ngoài.
Cách xử án theo kiểu độc đoán, không có luật sư, buộc tội một cách mơ hồ vũ đoán. Cô Reiss không nhận tội, chỉ nói: "Lẽ ra tôi không nên có mặt tại cuộc tuần hành ấy !". Cô còn chờ phiên xử tiếp và kết luận của toà án.
Thế rồi bỗng nhiên sự giải thoát cô giáo Reiss trở nên một khả năng hiện thực gần. Tổng thống Sarkosy từng có sáng kiến tham gia giải thoát 8 cô y tá Bungaria khỏi chính quyền Libya năm ngoái, gần đây còn giải thoát được bà Bétancourt khỏi nhà tù Colombia, 2 thành tích làm tăng đáng kể uy tín của ông cả trong và ngoài nước.
Nay ông cũng tìm ra sáng kiến mới là nhân có quan hệ khá tốt với tổng thống Syria Bachar el-Assad, một người rất thân thiết với chính quyền Iran, ông đã yêu cầu ông el-Assad làm người trung gian thương lượng, đồng thời chấp nhận sự mặc cả của Tehran là đóng một số tiền ký quỹ (caution) là 300.000 $US (bằng 210.000 Euro). Thế là tối 16-8 cô Reiss được chuyển từ trại giam đến đại sứ quán Pháp, chờ quyết định tiếp theo của nền tư pháp Iran, chưa được tự do về Pháp. Cô vui mừng được nói chuyện điện thoại với bố cô ở Pháp.
Dù sao đây cũng là tin mừng của nước Pháp, chính phủ Pháp, đặc biệt là của bố mẹ và người thân của cô Reiss và cũng là của tổng thống Sarkosy.
Sắp đến sẽ ra sao? Bao giờ cô Reiss được tự do về Pháp. Vấn đề này còn đang treo lơ lửng. Và có nhiều bàn tán khác nhau.
Ai là người quyết định việc này trong chính quyền Iran? Tổng thống mới uy tín thấp, còn chưa lập xong chính phủ. Người hiện nắm quyền quyết định là Lãnh đạo Tôn giáo tối cao Ali Khamenei. Ông này chưa thấy nói gì.
Cũng có thể Toà án Cách mạng(!) Tehran sẽ kêu án 45 ngày tù giam (vừa bằng những ngày đã giam giữ) rồi trục xuất. Có tin tuần sau, tổng thống Syria sang Iran thăm hữu nghị, ông có thể thúc đẩy việc trả tự do cho cô Reiss, để tăng thêm uy tín với châu Âu. Vì vừa qua 27 nước Liên Âu đều lên tiếng đòi Tehran phải trả ngay và không điều kiện cô Reiss, đặc biệt là Thuỵ Ðiển, hiện là chủ tịch của Liên Âu.
Tuần sau, vào ngày thứ sáu 28-8 sẽ bắt đầu đại lễ Hồi giáo tuần Chay Ramadan, có thể nhà nước Hồi giáo Iran sẽ có cử chỉ thích đáng mà mọi người chờ đợi. Nhiều người hy vọng.
Chúc cô giáo Reiss sớm được hoàn toàn tự do và đoàn tụ với người thân.
Có một sự trùng hợp lý thú. Ở Bắc Hàn, cựu tổng thống Bill Clinton đã đón được người Mỹ khỏi nhà tù của cộng sản Kim Jong Il. Ở Miến Ðiện, thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb đón được người Mỹ trở về gọn gàng, nhanh chóng khỏi nhà tù của bọn quân phiệt.
Còn ở nước ta, chẳng có ai tìm cách giải thoát hàng chục ngư dân nghèo khổ của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi...đang bị bọn Đại Hán giam cầm và tước đoạt hết mọi ngư cụ, còn bị đòi tiền phạt, tiền chuộc...!!!
Nhà cầm quyền mà vô trách nhiệm, vô lương tâm, còn lo "đớp", "mút" và "múc" cho thật lực cho riêng họ thì... chẳng còn gì để nói!