Các tổ chức nhân quyền đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc đình chỉ việc đầu tư vào một dự án dầu khí ở Miến Điện vì có những mối quan ngại về tình hình bất ổn và các vụ vi phạm nhân quyền. Theo tường trình của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, các tổ chức này đã trình một bức thư ngỏ cho chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong một cuộc thỉnh nguyện tại các sứ quán Trung Quốc ở châu Á, Australia và châu Âu.
Hơn 100 tổ chức dân sự và chính đảng ở khắp 20 quốc gia đã tham gia cuộc thỉnh nguyện hôm thứ Tư, yêu cầu Trung Quốc đình chỉ việc xây một đường ống dẫn khí dài 980 kilomet ở Miến Điện. Dự án đường ống dẫn khí Shwe chạy từ bang Arakan của Miến Điện qua tới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Các thư thỉnh nguyện do Phong trào Khí đốt Shwe viết ra đã được trình lên các sứ quán của Trung Quốc ở Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Philippines, Malaysia cũng như tại Australia và một số nước Âu châu.
Người phát ngôn của Phong trào Khí đốt Shwe Wong Aung cho biết: "Chúng tôi không bài Trung Quốc, hay Tây phương, nhưng cuộc thỉnh nguyện này là chính đáng bởi vì bất cứ công cuộc đầu tư nào vào Miến Điện đều không đem lại lợi ích cho người dân địa phương. Chúng tôi lo ngại về tình hình nhân quyền, cũng như vấn đề môi trường.”
Giếng dầu khí nằm ngoài khơi bang Arakan của Miến Điện. Tổng công ty quốc doanh Dầu khí Trung Quốc nắm đa số cổ phần trong dự án khai thác giếng dầu này. Công ty Daewoo International của Nam Triều Tiên cũng là một thành viên đầu tư trong dự án.
Đường ống dẫn khí sẽ chuyển dầu gửi từ Trung Đông và châu Phi cũng như khí đốt thiên nhiên từ các giếng dầu khí Shwe qua Trung Quốc. Các tổ chức nhân quyền dự kiến dự án sẽ cung cấp cho quân đội Miến Điện ít nhất 29 tỷ đôla trong vòng 30 năm.
Mạng lưới Thay thế Nhân quyền ASEAN cho hay các dự án năng lượng ở Miến Điện đã khiến nhiều ngàn người phải dời cư và làm gia tăng tình trạng quân đội hóa trong nước.
Người phát ngôn của mạng lưới này, bà Debbie Stodhart nêu nhận định.
Bà Stodhart nói: “Người ta thường bỏ qua các tổn thất về kinh tế do những vụ vi phạm nhân quyền gây ra. Trong trường hợp đường ống dẫn khí đôi Shwe, sẽ cắt ngang qua chiều dài Miến Điện, thì điều khá rõ ràng là những tổn thất về kinh tế dài hạn và trung hạn sẽ rất cao: không phải chi ở Miến Điện, mà đối với toàn bộ khu vực.”
Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chính phủ Miến Điện vì những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan. Nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Thái Lan vẫn tiếp tục đầu tư vào Miến Điện.
Tổ chức Shwe Global nói rằng những vụ vi phạm dường như đã bắt đầu trong vùng thực thi dự án, trong đó có những vụ tấn công vào ngư dân địa phương. Tổ chức này nói rằng nhà chức trách trưng dụng đất của tư nhân dọc theo đường ống dẫn khí ở Arakan và nhiều người lo sợ rằng có thể xảy ra những vụ bạo động giữa quân đội và các thành phần tranh đấu sắc tộc vào lúc đường ống dẫn kéo dài vào những khu vực biên giới.