Một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc dự báo sự tăng trưởng trở lại của các nền kinh tế và mậu dịch ở châu Á vào năm 2010. Nhưng theo tường trình từ Bangkok của thông tín viên VOA Ron Corben, các kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc đề nghị các chính phủ Á châu gia tăng mậu dịch trong nội bộ khu vực và bớt lệ thuộc hơn vào các thị trường như Hoa Kỳ và châu Âu.
Bản phúc trình của Ủy ban Kinh Xã châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc nói rằng cần phải định lại trọng tâm sách lược tăng trưởng để nhắm vào việc gia tăng mậu dịch trong nội bộ khu vực.
Bản phúc trình công bố hôm nay đề nghị giảm bớt sự lệ thuộc của châu Á vào các thị trường xuất khẩu trên toàn cầu. Xuất khẩu qua các nền kinh tế đã phát triển như châu Âu và Hoa Kỳ đã thúc đẩy tăng trưởng trong 5 thập niên vừa qua, nhưng các kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc nói rằng đã đến lúc cần gia tăng mậu dịch trong khu vực và tiêu thụ trong nước.
Bản phúc trình được đưa ra vào lúc châu Á đang chứng tỏ các dấu hiệu phục hồi sau tình trạng suy thoái mạnh về mậu dịch trong năm vừa qua do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra.
Ông Ravi Ratnayake, một kinh tế gia và là giám đốc Ủy ban Kinh xã châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, nói rằng triển vọng về châu Á trong năm tới rất lạc quan, với nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ dẫn đầu về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân.
Ông Ratnayake cho biết: “Chúng tôi nhìn vào năm 2010 một cách rất lạc quan, vì đa số các quốc gia trong khu vực sẽ cho thấy các dấu hiệu tích cực về tăng trưởng GDP cũng như tăng trưởng về xuất khẩu. Chúng tôi dự đoán toàn vùng sẽ đạt mức tăng trưởng, tăng trưởng xuất khẩu là 6,3%, trong khi một số nước như Trung Quốc sẽ đạt các mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn.”
Bản phúc trình cũng nêu bật vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong toàn vùng với sự đóng góp vào mậu dịch khu vực gần như tăng gấp đôi trong thập niên vừa qua.
Nhưng bản phúc trình cảnh báo rằng mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc tăng trưởng mạnh, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu còn lâu mới chấm dứt. Phúc trình cảnh báo rằng các thị trường tài chính vẫn còn trôi nổi và vẫn còn các khoản thâm hụt ngân sách lớn và lượng dự trữ ngoại hối quá mức tại nhiều nước.
Bản phúc trình cũng bầy tỏ sự quan ngại về sức mạnh tăng trưởng sau khi các chính phủ dẹp dần các chương trình kích hoạt kinh tế trong những tháng sắp tới.
Bản phúc trình nói rằng triển vọng đầu tư nước ngoài ở châu Á rất tốt đẹp, nhất là ở Thái Lan và Việt Nam. Nhưng phúc trình cảnh báo rằng trì trệ mậu dịch trong năm vừa qua đã đưa đến tình trạng thất nghiệp ồ ạt và đẩy thêm nhiều người xuống dưới mức nghèo khó.
Ông Ratnayake nói rằng các chính phủ cần phải duy trì nền mậu dịch cởi mở và giảm thuế để giúp đưa hàng triệu người ra khỏi tình trạng nghèo khó.
Ông Ratnayake nói: “Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều rào cản cao trong khu vực. Nếu giảm các rào cản thuế quan này một cách đáng kể trong khu vực bên trong công cuộc mậu dịch trong vùng, thì sự kiện đó sẽ đưa đến sự giảm thiểu tình trạng nghèo khó của 43 triệu người. Vì vậy, mậu dịch trong nội bộ khu vực, xuất phát từ việc cơ bản bãi bỏ các rào cản thuế quan có thể đưa nhiều triệu người ra khỏi tình trạng nghèo khó.”
Liên Hiệp Quốc cho rằng các chính phủ phải đóng một vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm tăng trưởng quân bình hơn.
Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng phát triển toàn bộ và bền vững chỉ có thể đạt được bằng cách duy trì các nền kinh tế quốc gia ở tư thế là “những bộ phận thiết yếu của các nền kinh tế khu vực và toàn cầu”.