Ấn Độ đã mua 200 tấn vàng của Quĩ Tiền tệ Quốc tế IMF để đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ nước họ. Từ New Delhi, thông tín viên Anjana Pasricha tường trình rằng thỏa thuận này có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Ấn Độ có lượng dự trữ vàng lớn thứ 10 trên thế giới.
Ít ai có thể dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ lại là ngân hàng đầu tiên mua vàng của Quĩ Tiền tệ Quốc tế - IMF.
Ấn Độ đã bất ngờ mua tới 200 tấn vàng, tức gần một nửa số kim khí quý mà IMF đang bán ra để tăng cường nguồn tài chính của họ và gia tăng các khoản vay cho các nước đang phát triển.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã trả 6,7 tỉ đô la cho số vàng này.
Với thêm 200 tấn vàng này, Ngân hàng Dự trữ của Ấn Độ hiện có 6% lượng dự trữ ngoại tệ bằng vàng, tăng 4% so với trước đây. Tổng lượng dự trữ ngoại tệ của nước này trong tháng 10 là 285 tỷ đô la.
Bộ trưởng Ấn Độ, ông Pranab Mukherjee, nói rằng khoản dự trữ ngoại tệ phong phú của nước ông đã giúp cho Ngân hàng Trung ương hay còn gọi tắt là RBI có thể đầu tư vào kim loại quí.
Ông Mukherjee nói: "Với tư cách là một bộ trưởng tài chính lời khuyên của tôi dành cho thống đốc RBI là nếu ông ấy ở vị thế quản lý nguồn ngoại tệ thì nên mua vàng, và theo quan điểm đó thì vàng đã được mua vào."
Các kinh tế gia cho hay Ấn Độ đã mua vàng để đa dạng hóa tài sản và dự trữ lượng tiền đôla ít hơn khi mà đồng tiền của Hoa Kỳ đang suy yếu so với các tiền tệ khác. Vàng, vốn đã tăng giá mạnh trong năm ngoái, được coi là một nguồn mua bán đối xung để đề phòng sự sụt giá của đồng đôla.
Ấn Độ, cũng như một số nước Châu Á khác, hiện tại có tỉ lệ dự trữ vàng khá thấp hơn so với lượng dự trữ ngoại tệ.
Hành động mua vàng của Ấn Độ từ IMF cũng nằm trong một nỗ lực nhằm khẳng định vai trò to lớn hơn của họ trong các thương vụ kinh tế thế giới. Ấn Độ, cùng với Trung Quốc, đã và đang vận động để có tiếng nói lớn hơn trong IMF, và họ đã hứa tăng nguồn tiền tín dụng cho các nước đang phát triển.
Hiện đang có đồn đoán rằng các Ngân hàng Trung ương khác, trong đó có ngân hàng của Trung Quốc, sẽ mua phần vàng còn lại mà IMF dự định bán ra.
Trên thực tế, việc mua vàng của Ấn Độ làm người ta nhớ tới một năm khác khi mà thứ kim loại màu vàng này chiếm lĩnh các bản tin hàng đầu ở nước này.
Năm 1991, sự sút giảm lượng dự trữ ngoại tệ đã buộc New Delhi phải sử dụng lượng vàng dự trữ để tăng một khoản vay nhằm trạ nợ quốc tế. Vụ khủng hoảng thanh toán này đánh đấu một giai đoạn mới cho nền kinh tế Ấn Độ, bởi nó đã khiến chính phủ nước này đảo ngược các chính sách kinh tế đóng cửa, theo kiểu xã hội chủ nghĩa, đã kéo dài trong nhiều thập niên.
Các kinh tế gia cho rằng thương vụ mua 200 tấn vàng cho thấy nước này đã đạt được nhiều tiến bộ trong 2 thập niên qua kể từ khi họ đứng bên bờ vực vỡ nợ quốc tế.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba của Châu Á, và nước này ít bị tác động hơn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu so với các nước phương Tây.