Tin về một ‘cuộc nổi loạn” giữa các thành viên trong toán thương thuyết về biến đổi khí hậu đã khiến chính phủ Ấn Độ phải lên tiếng bênh vực về lập trường chính trị. Từ thủ đô New Delhi, Thông tín viên Steve Herman đài VOA tường trình rằng tình trạng rối loạn diễn ra giữa các thành viên trong phái đoàn thương thuyết đã có mặt tại Đan Mạch tham dự cuộc họp thượng đỉnh quan trọng do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jairam Ramesh đã tuyên bố trước quốc hội rằng không có gì thay đổi trong lập trường của Ấn Độ tại các cuộc đàm phán về môi trường ở Copenhagen và rằng phái đoàn gồm 35 thành viên vẫn sẽ đại diện cho một lập trường thống nhất.
Tại Rajya Sabha, Thượng viện Ấn Độ, Bộ trưởng Jairam Ramesh đã phải phải đối đầu với các nhà lập pháp đối lập tố cáo ông đã nhượng bộ trước áp lực quốc tế gây thiệt hại cho quyền lợi quốc gia.
Ông Ramesh nói: “Chúng ta đến Copenhagen với mục tiêu là không chấp nhận bất cứ một thỏa thuận nào hạn chế việc mở rộng cung ứng điện năng tới các hộ gia đình ở nông thôn vì sự an toàn của sinh kế và vì tất cả các mục tiêu kinh tế khác.”
Giới truyền thông địa phương loan tin hai nhà thương thuyết Ấn Ðộ dọa rút khỏi phái đoàn vì bất bình trước những nhượng bộ không tương xứng có thể có tại hội nghị.
Các giới chức nói rằng hai thành viên vừa kể đã thảo luận những mối quan ngại của họ với Bộ trưởng Môi trường hôm chủ nhật và sẽ tham gia chung với các thương thuyết gia khác đã đến Đan Mạch rồi. Thủ tướng Manmohan Singh cũng sẽ tham dự hội nghị về môi trường này.
Tại Ấn Độ, nhiều người rất lấy làm quan ngại rằng sự tăng triển kinh tế của đất nước sẽ gặp phải trở ngại nghiêm trọng nếu đạt được thỏa hiệp dẹp bỏ sự phân biệt giữa các quốc gia đã phát triển và các nước đang phát triển về lãnh vực cắt giảm khí CO2.
Ấn Độ quyết liệt chống lại bất cứ một thỏa hiệp nào có tính cưỡng chế về kỳ hạn giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ấn Độ nêu lý do là tính theo đầu người thì lượng khí CO2 họ thải ra hiện nay là 1/20 so với Hoa Kỳ và vì thế Ấn Độ không nên bị trừng phạt một cách bất công về những vấn đề mà chủ yếu do nước giàu gây ra từ lúc mới khởi đầu kỷ nguyên công nghiệp.
Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ có tỉ lệ cao nhất về khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khi họ dồn năng lượng vào hai nền kinh tế bùng phát và tìm cách cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho những khối dân trên một tỉ của họ.
Theo dự kiến, cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phải dựa vào các phương tiện sản xuất năng lượng rẻ tiền trong tương lai gần đầy. Và mô thức phát triển đó có nghĩa là con số các nhà máy chạy bằng than đá ngày càng cao và số lượng xe hơi chạy bằng xăng thường tăng vọt trên các đường phố.