Lo ngại về nợ quốc gia của Việt Nam

Money

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 8 tháng 12 vừa qua, tập đoàn đầu tư Nomura đã đưa ra những nhận định u ám về triển vọng kinh tế ở Việt Nam. Bloomberg trích lại nguồn này cho biết “ Việt Nam đang có những đặc điểm kinh điển của khủng hoảng ở thị trường mới nổi và các nhà đầu tư phải mua bảo hiểm chống lại một cuộc vỡ nợ quốc gia.”

Nomura cũng nhận định Việt Nam đang đứng trước rủi ro bị hạ thấp hạng đối với các khoản nợ quốc gia. Hiện nay các khoản nợ quốc gia của Việt Nam được Moody xếp hạng Ba3 và Standard & Poor’s xếp hạng BB. Hồi giữa năm 2008 vừa qua, Standard & Poor’s đã hạ thấp mức xếp hạng chỉ số tín dụng quốc gia của Việt Nam từ “ổn định” (stable) xuống “tiêu cực” (negative).

Gần đây hơn, hồi cuối tháng 6 năm 2009, Fitch Ratings đã đánh tụt một bậc xếp hạng định mức tín nhiệm nợ dài hạn bằng đồng nội tệ của Việt Nam xuống mức BB-. Theo VNeconomy, với mức xếp hạng BB-, Việt Nam đang có chung định mức tín nhiệm nợ đồng nội tệ với Kenya và Serbia. Trong số 18 nền kinh tế châu Á mà Fitch theo dõi, Việt Nam có mức xếp hạng tín nhiệm nợ nội tệ đứng thứ 4 từ dưới lên, cao hơn so với Sri Lanka, Papua New Guinea và Mông Cổ.

Nomura cũng cho rằng chi phí bảo hiểm nợ quốc gia của Việt Nam khỏi vỡ nợ có thể sẽ tăng vọt lên mức 400 điểm cơ bản nếu vấn đề mất cân đối cán cân vãng lai tiếp tục xấu đi. Mức chi phí bảo hiểm này hiện nay là vào khoảng 231 điểm.

Quan ngại về khả năng vỡ nợ hàng loạt ở các nước đang phát triển được hâm nóng lên gần đây sau sự kiện tập đoàn Dubai World tìm cách hoãn nợ hồi cuối tháng trước.

Phản ứng trước báo cáo mới nhất này, ông Nguyễn Ngọc Anh của Bộ Tài chính đã phủ nhận đánh giá của Nomura và cho rằng báo cáo này đã cường điệu khi nói Việt Nam đang có cuộc khủng hoảng cán cân vãng lai. Ông Anh nhìn nhận Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn nhưng đó chỉ là nhất thời.

Sự thực Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với vấn đề thâm hụt mậu dịch lớn và dai dẳng, áp lực phá giá VND ở mức ghê gớm, cùng với các dấu hiệu kinh tế quá nóng như bùng nổ tăng trưởng tín dụng và lạm phát.

Gần đây, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) của Việt Nam đã đột ngột tuyên bố phá giá 5.3% giá trị đồng VND mặc cho trước đó không lâu các quan chức cấp cao vẫn một mực phủ nhận khả năng này.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã phá giá 5.3% thì áp lực phá giá tiếp tục đồng VND vẫn ở mức rất cao.

Chính quyền Việt Nam có vẻ như đang nỗ lực bằng mọi cách để dập tắt các mầm mống của một cuộc khủng hoảng mới. Các doanh nghiệp nhà nước hiện nay bị ép phải bán 50% số ngoại tệ mà họ giữ, bộ Công thương đang áp dụng các biện pháp hành chính nhằm giảm nhập khẩu, NHNN đang tấn công vào kinh doanh vàng và đe dọa những người kinh doanh tiền tệ ở chợ đen. Ngoài ra, NHNN cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất (sau đợt tăng lãi suất cơ bản hồi cuối tháng trước) và dự trữ bắt buộc vào năm tới để làm giảm đà tăng trưởng tín dụng và kiềm chế lạm phát.

Mặc cho các đánh giá bi quan trong ngắn hạn, các dự báo trung và dài hạn nói chung vẫn tương đối lạc quan. Ngay cả báo cáo trên của Nomura cũng nhận định Việt Nam có “tiềm năng hứa hẹn” trong trung và dài hạn.