Ðiều cần lưu ý là truyện cực ngắn và truyện thật ngắn, đặc biệt là truyện thật ngắn, không phải là những gì thật mới mẻ.
Cả hai thể truyện này đều dễ dàng được tìm thấy trong các truyện dân gian, từ truyền thuyết đến cổ tích, tiếu lâm hay ngụ ngôn. Trong văn học viết, hai thể truyện này cũng đã xuất hiện trong các ngụ ngôn của Aesop và tập Metamorphosis của Ovid thời cổ đại.
Bước sang thời hiện đại và hậu hiện đại, hai thể truyện này có vẻ như càng ngày càng được sử dụng rộng rãi dưới ngòi bút của nhiều tác giả tài hoa, từ Guy de Maupassant, Anton Chekhov, O. Henry và Franz Kafka đến Italo Calvino, Donald Barthelme, John Updike, Joyce Carol Oates, và đặc biệt Jorge Luis Borges.
Số lượng các tuyển tập truyện thật ngắn và cực ngắn ra đời càng ngày càng nhiều. Số trang nhện dành cho hai thể truyện này cũng nhiều vô kể. Từ khoảng gần một thập niên trở lại đây, môn “truyện thật ngắn” và “truyện cực ngắn” được đưa vào giảng dạy trong các chương trình Sáng Tác (Creative Writing) ở nhiều đại học Âu Mỹ.
Riêng bằng tiếng Việt, thể truyện thật ngắn đã được Võ Phiến đi tiên phong giới thiệu trong tập Truyện Thật Ngắn do Văn Nghệ xuất bản lần đầu tại Hoa Kỳ vào năm 1991. Ở trong nước, có thời người ta tổ chức cả một phong trào thi đua viết truyện thật ngắn rầm rộ, từ đó, làm nổi bật lên tên tuổi một người viết truyện thật ngắn thông minh và duyên dáng: Phan Thị Vàng Anh. Riêng truyện cực ngắn, xuất hiện muộn hơn và cũng hiếm hơn.
Trong số những người có tác phẩm xuất sắc, tôi đặc biệt chú ý đến Ðinh Linh, nhà văn và nhà thơ chuyên viết tiếng Anh và chỉ bắt đầu tự dịch sang tiếng Việt thời gian gần đây. Nhưng hình như Ðinh Linh cũng còn phân vân về chính những tác phẩm của mình: một số bài mà ông gọi là “truyện cực ngắn” đăng trên Tiền Vệ hay trên Hợp Lưu (số 70, tháng 4&5.2003) thật ra là những bài thơ ông đã gửi in trong tập 26 Nhà Thơ Việt Nam Ðương Ðại (Tân Thư, California, 2002).
Không phải chỉ Ðinh Linh mới phân vân như thế. Trong cuốn Matryona's House and Other Stories của Alexander Solzhenitsyn do Penguins xuất bản năm 1985, người ta cũng nhận thấy có sự phân vân tương tự: một số bài được chú là “thơ văn xuôi” (prose poems) nhưng lại được sắp chung trong cuốn sách ghi rõ là... “truyện”: Ngôi Nhà của Matryona và Những Truyện Khác.
Mà phân vân như thế cũng đúng.
Ranh giới giữa truyện cực ngắn và thơ thật mờ. Nói chung, ranh giới giữa thơ và truyện ngắn vốn lúc nào cũng mờ: nhiều người đã nghiệm thấy truyện ngắn gần với thơ hơn là với tiểu thuyết: yếu tố chủ đạo trong truyện ngắn, đặc biệt truyện thật ngắn, nằm trong không khí truyện hơn là bản thân câu chuyện. Truyện cực ngắn lại càng gần với thơ hơn nữa.
Trong truyện cực ngắn, do lượng chữ vô cùng ít ỏi, câu chuyện hay số phận và tính cách của nhân vật bị tụt xuống hàng thứ yếu. Chúng chỉ còn là cái nền để từ đó truyện cực ngắn còn được gọi là truyện. Thế thôi.
Thế nhưng, ở đây, nảy sinh một vấn đề khác: nếu tất cả những yếu tố vừa kể đều là thứ yếu thì yếu tố chủ đạo trong truyện cực ngắn là gì?
Theo tôi, đó là một kinh nghiệm mang tính thẩm mỹ; và sau kinh nghiệm mang tính thẩm mỹ ấy lại là một vấn đề có khả năng trở thành một ám ảnh đối với người đọc.
Là một kinh nghiệm, dù thiên về cảm xúc hay nhận thức, truyện cực ngắn cũng khác hẳn các luận đề mang tính lý thuyết. Là một kinh nghiệm mang tính thẩm mỹ, truyện cực ngắn cần phải...hay.
Dĩ nhiên, cái hay ấy phải gắn liền với cái ngắn vốn là yếu tố tạo thành bản chất của truyện cực ngắn.
Nói cách khác, nếu truyện cực ngắn ngắn một cách đặc biệt, ngắn một cách bất bình thường, và ngắn như một sự khiêu khích đối với cái gọi là “ngắn” trong truyện ngắn hay truyện thật ngắn thì sự lựa chọn ấy nhất định phải có lý do.
Lý do ấy, theo tôi, là: người ta tin bản thân sự ngắn gọn cũng có thể là một nghệ thuật.
Nói chung, từ xưa, người ta đã đề cao sự ngắn gọn trong văn học. Tuy vậy, văn học, dù ngắn gọn, vẫn chứa đựng đầy những yếu tố thừa. Người ta tin chính những cái thừa ấy mới tạo thành nghệ thuật: đi, không là nghệ thuật, múa mới là nghệ thuật; nói, không phải là nghệ thuật, hát mới là nghệ thuật. Nghệ thuật hình thành từ những uốn éo, những đẩy đưa, những luyến láy...rất xa những nhu cầu thực sự cần thiết của sự bày tỏ hay thông báo.
Riêng trong các truyện cực ngắn, các yếu tố thừa đều bị tước bỏ gần hết. Nếu ví với món ăn, nó là thức ăn chỉ có cái chứ không có nước. Nếu ví với võ thuật, nó là thứ võ ở đó người ta chỉ có đấm thật chứ không được đấm nhứ. Không có vờn lượn. Không có múa may. Ðiều kiện trận đấu thật ngặt nghèo: nếu trong vài cú đấm mà không hạ đo ván được đối thủ thì mình bị thua.
Bởi vậy, trong truyện cực ngắn, không phải chỉ có tốc độ nhanh mà còn cần mạnh nữa. Mạnh ở ấn tượng khi đọc và ở nỗi ám ảnh không nguôi sau khi đọc xong.
Có thể nói nhanh và mạnh là những đặc điểm cơ bản của thể truyện cực ngắn. Ở các thể truyện khác, người ta cũng cần các yếu tố nhanh và mạnh; tuy nhiên, chỉ ở thể truyện cực ngắn, các yếu tố ấy mới là các điều kiện sống còn: có chúng, có truyện cực ngắn; không có chúng, truyện cực ngắn biến mất.
Nhanh và mạnh, nhưng phải hàm súc.
Cái hay của truyện cực ngắn không nằm ở chỗ nó tả mà nằm ở chỗ nó gợi ra. Một truyện cực ngắn hay là truyện có sức ngân và vang thật xa và thật lâu. Ðọc, người ta bị cuốn hút liền. Ðọc xong, người ta cứ bị ám ảnh mãi. Qua sự ám ảnh ấy, câu chuyện tiếp tục toả sáng và phát nghĩa.
Có thể nói, giống như thơ, đặc biệt thơ tự do và thơ văn xuôi, truyện cực ngắn không chấp nhận loại người đọc thụ động. Người đọc không thể tiếp nhận truyện cực ngắn một cách thụ động được. Cũng giống như trong thơ, ở truyện cực ngắn, tác giả chỉ phác ra một số gợi ý để người đọc, chính người đọc mới là những kẻ hoàn tất tác phẩm. Ðộ sâu của tác phẩm tuỳ thuộc vào tính tích cực, sự nhạy cảm và sâu sắc của người đọc.
Ðể tăng cường tính chất nhanh, mạnh và hàm súc, truyện thật ngắn thường sử dụng các yếu tố liên văn bản. Các yếu tố liên văn bản này góp phần mở rộng tầm ý nghĩa của câu chuyện và tạo sự đồng cảm trong người đọc bằng cách khuấy động vào ký ức tập thể mà mọi người cùng chia sẻ. Khuấy động ký ức tập thể trong một hai nét tả thật nhanh và thật mạnh, truyện cực ngắn may ra chỉ có thể gợi lên một chút hoài nghi, nếu không muốn nói là một chút châm biếm.
Trong ý nghĩa như thế, tôi cho thể truyện cực ngắn thường thuộc về những người muốn tra vấn và muốn tìm kiếm hơn là những kẻ muốn duy trì và bảo vệ những truyền thống có sẵn.
Cũng trong ý nghĩa như thế, tôi tin truyện cực ngắn là thể truyện của tương lai: nó gắn liền với internet, nơi càng ngày người ta càng ưa tốc độ và càng ngày càng tin tốc độ là biểu hiện của tính đương đại; hơn nữa, đó cũng là nơi dễ làm tiêu hao mọi sự cuồng tín và mê tín: không gian điện tử không phải là nơi người ta có thể tin vào một cái gì cố định và bất biến được.
Những sự tiên đoán này, dù sao, cũng còn quá sớm. Sự lớn mạnh của một thể loại đôi khi chỉ tuỳ thuộc vào một hai cá nhân thật tài hoa chứ không phải những yếu tố ngoại tại. Với sự xuất hiện của một hai tài năng thật xuất chúng, mọi khả tính đều biến thành hiện thực; không có những tài năng như thế, mọi ước mơ đều viển vông.
Có điều, tôi vẫn tin là truyện cực ngắn nằm đâu đó trong cái xu thế vận động chung của cả nền văn học. Không có lý do gì để không tin là nó sẽ không trở thành một thể truyện được viết và đọc rộng rãi trong tương lai.
Dĩ nhiên, xin đừng hiểu lầm: tôi không cho là sự thịnh phát của thể truyện cực ngắn phải được trả giá bằng cái chết của các thể loại khác. Không. Tôi không nghĩ thể truyện cực ngắn sẽ thay thế cho một thể loại nào cả: nó chỉ thêm vào, và làm giàu thêm, cái loại hình tự sự vốn có của chúng ta mà thôi.
Bạn có đồng ý vậy không?