Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bắt đầu gởi thêm 30.000 quân sang Afghanistan trong một nỗ lực nhằm chống lại cuộc nổi dậy ngày càng leo thang của phe Taliban. Mức độ tàn bạo của các cuộc tấn công do quân Taliban thực hiện trong năm 2009 đã buộc Liên Hiệp Quốc phải thuyên chuyển hơn một nửa số nhân viên quốc tế của tổ chức này. Mục đích tối hậu của Hoa Kỳ và các đồng minh là chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các lực lượng Afghanistan. Tuy nhiên trước khi có thể thực hiện mục tiêu đó, chính phủ Afghanistan phải xử lý hiệu quả vấn nạn tham nhũng đang lan tràn trong hàng ngũ chính phủ nước này. Thông Tín Viên Sean Maroney của Đài VOA tường trình từ Islamabad.
Vào đầu năm 2009, quân nổi dậy Taliban kiểm soát hầu hết khu vực phía nam Afghanistan, kể cả các hoạt động buôn bán ma túy béo bở của nước này.
Lực lượng đồng minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tăng cường các cuộc không kích tấn công các vị trí bị tình nghi là của phe chủ chiến.
Tuy nhiên theo như nhận xét của ông Pierre Krahenbulh, giám đốc đặc trách các chương trình của Ủy hội Chữ thập đỏ Quốc tế thì chiến lược này đã gây nhiều chết chóc.
Ông Krahenbulh nói: “Những cuộc xung đột ngày càng dữ dội hơn, lan rộng ra nhiều khu vực lớn hơn ở Afghanistan, số thương vong nơi thường dân tăng đáng kể, so với cách đây một năm về trước.”
Các vụ oanh kích gây phản ứng bất lợi trong công chúng sau khi tin cho biết là số thương vong nơi thường dân gia tăng.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cũng mạnh mẽ chống đối, nói rằng thiệt hại nhân mạng thường dân là nguyên nhân chính gây ra bất ổn trong nước.
Để đáp lại, NATO đã thắt chặt các quy định giao chiến để hạn chế số thương vong nơi thường dân.
Chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Washington, đô đốc Mike Mullen nói với Đài VOA rằng thận trọng hơn khi phát động các chiến dịch tấn công các phần tử chủ chiến sẽ có lợi hơn cho liên minh về lâu về dài.
Ðô đốc Mullen nói: “Mỗi lần một thường dân Afghanistan bị sát hại, dù người đó là đàn ông, đàn bà hay trẻ em thì về phương diện chiến lược, chúng ta đã thất bại. Chúng ta có thể đếm những thành công về chiến thuật, nhưng đồng thời cũng chồng chất thêm những thất bại chiến lược vì như thế sứ mạng của chúng ta coi như đã thất bại.”
Vào cuối tháng 3 năm nay, Tổng thống Obama loan báo một chính sách mới tập trung vào Afghanistan.
Tổng thống Obama nói: “Trong 3 năm qua, các cấp chỉ huy quân sự của chúng ta đã vạch rõ những nguồn lực mà họ cần đến cho công tác huấn luyện. Yêu cầu của họ đã bị bác bỏ vì cuộc chiến ở Iraq. Giờ đây thì tình hình sẽ thay đổi.”
Tổng thống Obama đã hạ lệnh điều động thêm hàng ngàn binh sĩ đến Afghanistan.
Sau đó ông thay thế cấp chỉ huy cao cấp nhất tại Afghanistan bằng tướng Stanley McChrystal với một mệnh lệnh rõ rệt, đó là giảm thiểu thiệt hại nhân mạng nơi thường dân.
Tình hình an ninh tại Afghanistan tồi tệ hơn đã ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị tại Afghanistan.
Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Karzai dự trù chấm dứt vào tháng 5, thế nhưng chính phủ Afghanistan phải hoãn ngày bầu cử cho đến cuối tháng 8, với hy vọng tình hình an ninh sẽ được cải thiện.
Phe Taliban tăng cường các hoạt động nổi dậy, nói rằng họ sẽ phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống.
Tuy nhiên vào ngày 20 tháng 8 năm nay, hàng triệu người Afghanistan đã đi đầu phiếu bất chấp những vụ bạo động.
Trong những tháng kế tiếp, giới quan sát quốc tế nhận định các hành vi gian lận rộng khắp đã phương hại đến cuộc bầu cử, phần lớn theo hướng có lợi cho đương kim Tổng thống Hamid Karzai.
Các giới chức Afghanistan kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vòng nhì giữa Tổng thống Karzai và đối thủ chủ yếu của ông là cựu ngoại trưởng Abdullah Abdullah.
Tuy nhiên, ông Abdullah rút lui chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử vòng nhì, ông nói ông không tin cuộc bầu cử sẽ công bằng.
Vào đầu tháng 11, các giới chức bầu cử Afghanistan tuyên bố Tổng thống Karzai đương nhiên thắng cử vì không có đối thủ.
Đối với các lực lượng đa quốc tại Afghanistan, năm 2009 là một năm nhiều chết chóc nhất, kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ 8 năm về trước.
Tổng thống Karzai nói ông hy vọng là vào cuối nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì của ông, các lực lượng Afghanistan sẽ đảm nhận nhiệm vụ dẫn đầu tất cả các chiến dịch an ninh trong nước.
Sau lời tuyên bố của Tổng thống Karzai, Tổng thống Barack Obama loan báo sẽ gởi thêm 30.000 quân đến Afghanistan và yêu cầu các nước thành viên NATO tăng quân tại Afghanistan.
Tổng thống Obama nói: “Số quân tăng viện của Hoa Kỳ cùng với lực lượng đa quốc sẽ cho phép chúng ta xúc tiến nhanh hơn tiến trình chuyển giao trách nhiệm cho các lực lượng Afghanistan, và cho phép chúng ta bắt đầu điều động các lực lượng của chúng ta ra khỏi Afghanistan vào tháng 7 năm 2011.”
Ông Akmal Dawi, một nhà phân tách chính trị tại Kabul nhận định là nạn tham nhũng trong chính phủ Afghanistan và tình trạng thiếu tài nguyên, cũng như các lực lượng không được huấn luyện đầy đủ sẽ buộc các lực lượng đồng minh ở lại Afghanistan lâu hơn.
Ông Dawi nói: “Muốn có một cái nhìn thực tế về những thách đố mà Afghanistan phải đối phó, thì 10 đến 15 năm mới là một khung thời gian thực tế để Afghanistan có thể tự vệ mà không cần sự hỗ trợ của quốc tế.”
Tổng thống Karzai cũng đồng ý rằng nước ông không thể tự mình đứng vững ít nhất là cho đến 15 năm hay 20 năm nữa.
Tổng thống Ka zai nói: “Chúng tôi hy vọng là cộng đồng quốc tế, đặc biệt Hoa Kỳ, là đồng minh hàng đầu của chúng tôi, sẽ tiếp tay giúp Afghanistan phát triển khả năng kinh tế cũng như duy trì một lực lượng khả dĩ có thể bảo vệ Afghanistan với một quân số đúng mức, và được trang bị đầy đủ.”
Tổng thống Karzai bày tỏ quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng trong những năm tới và đã bắt đầu xúc tiến các cuộc điều tra một số viên chức chính phủ.
Tuy nhiên trong khi Afghanistan chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, một vài nhà quan sát lo ngại là cuộc bầu cử này có thể sẽ còn tốn kém hơn và phức tạp hơn là cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.
Một lo ngại khác là người dân Afghanistan sẽ không đi bầu vì sợ phe Taliban trả thù, hoặc chỉ vì sự thờ ơ chung.
Tuy nhiên trong lúc số tử vong nơi thường dân và binh sĩ tiếp tục gia tăng, giới quan sát cho rằng cộng đồng quốc tế và Afghanistan không thể nào tỏ thái độ thờ ơ trước tình hình Afghanistan.
<!-- IMAGE -->