<!-- IMAGE -->
Thưa quý vị, trong một loạt bài tường trình đặc biệt, các biên tập viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ sẽ đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong cuộc tranh luận về tương lai của chương trình cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ. Vấn đề này đang là đề tài tranh cãi gay gắt trong công chúng và tại diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ. Loạt bài này sẽ được lần lượt phát đi trong mục Khoa Học và Đời sống của chúng tôi. Trong bài đầu tiên, biên tập viên Melinda Smith đi tìm một số nguyên nhân đã đưa hệ thống y tế Mỹ vào tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ được coi là một trong các hệ thống y tế tốt nhất thế giới, nhưng ở một khía cạnh nào đó, cũng bị chê là hệ thống chăm sóc sức khỏe tệ hại nhất. Điều mà không ai tranh cãi là so với mọi nước khác, hệ thống y tế tại Hoa Kỳ là hệ thống tốn kém nhất, với chi phí tổng cộng lên tới 2,5 ngàn tỉ đôla một năm, bình quân tốn kém từ 7000 đến 8000 đôla mỗi đầu người. Đa số người Mỹ đều trả chi phí chăm sóc sức khỏe qua trung gian một công ty bảo hiểm y tế tư nhân, thường thì bảo phí được chủ nhân tài trợ một phần. Đến tuổi về hưu, người cao niên được chăm sóc qua một hệ thống được chính phủ tài trợ thông qua một quỹ tín thác. Quỹ này có nguy cơ bị phá sản trong tương lai.
Một đề tài gây nhiều tranh luận liên quan đến số người Mỹ không được bảo hiểm y tế ước lượng lên tới 30 triệu người, một số được liệt vào "thành phần nghèo có việc làm."
Trong tư cách một quốc gia, dường như Hoa Kỳ muốn được hưởng tất cả mọi thứ quyền lợi. Bệnh nhân đòi được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất. Nhưng nhiều người bị chấn động mạnh khi nhận được thư đòi trả tiền chăm sóc sức khỏe. Điển hình là bà Jarene Williams, mẹ của một đứa con mang dị tật bẩm sinh.
Bà cho biết: "Các hóa đơn đòi tiền đến thật bất ngờ. Phản ứng của tôi là 'chúng tôi có bảo hiểm kia mà!'"
<!-- IMAGE -->
Ông David Ellington, bác sĩ gia đình của bà Williams, nói các bác sĩ Mỹ cung cấp các dịch vụ chăm sóc hiện đại nhất, nhưng thù lao nhận được từ các hãng bảo hiểm y tế không đủ để có thể trang trải chi phí, hoặc giúp bác sĩ tiếp tục làm việc để phục vụ công chúng.
Ông nói phải có một sự giàn xếp nào đó về cách thức trả tiền cho các bác sĩ.
Giới tiểu thương, chủ nhân các doanh nghiệp nhỏ, nói họ muốn cung cấp bảo hiểm y tế cho nhân viên, thế nhưng đang xoay sở khó khăn để duy trì phần đóng góp của họ vào y phí chăm sóc sức khỏe cho nhân viên.
Bà Amy Milstead Ellzey là Chủ tịch công ty Milstead Automotive Ltd. Bà nói bà đang chật vật xoay sở để cung cấp một kế hoạch chăm sóc y tế không quá tốn kém cho công nhân viên.
Bà nói: "Thật là tệ hại! Chúng tôi không có đủ sức trả mức tăng 44% trong chi phí bảo hiểm y tế, và vì thế phải xoay sang các hãng bảo hiểm khác, buộc lòng chúng tôi đành phải cắt giảm một số chương trình bảo hiểm."
Các cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy đa số người Mỹ đều muốn cải thiện hệ thống chăm sóc y tế trong nước. Mới đây Tổng thống Barack Obama tuyên bố trước Quốc hội rằng phải chấm dứt tình trạng chi phí chăm sóc sức khỏe tăng liên tục trong suốt nhiều thập niên qua.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: "Chi phí chăm sóc sức khỏe đã đè nặng lên nền kinh tế của chúng ta và trên lương tri đất nước chúng ta trong một thời gian đủ lâu rồi. Xin đừng ai nghi ngờ về điều này: không thể chờ đợi lâu hơn nữa việc cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ, chúng ta không thể dời lại mãi chương trình cải cách, dù là thêm một năm nữa."
Ông Jonathan Weiner là một giáo sư về chính sách y tế công đang giảng dạy tại trường Đại học John Hopkins ở thành phố Baltimore, bang Maryland.
Ông nói thách thức lớn nhất trong vấn đề cải cách hệ thống chăm sóc y tế là đảm bảo tất cả mọi người đều được chăm sóc tử tế. Theo ông thì không nên gạt sang một bên bất cứ một công dân Mỹ nào, chỉ vì họ đã mang bệnh từ trước, hoặc vì thu nhập của họ thấp
Ông nói: "Khoảng 40 đến 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Đối với họ, vấn đề ưu tiên số một là làm thế nào được giúp để có bảo hiểm. Không có thẻ bảo hiểm y tế không có nghĩa là chúng ta không lo lắng chăm sóc cho họ, tuy nhiên các dịch vụ chăm sóc thường bất cập và không đến nơi đến chốn. Những người không có bảo hiểm chỉ được hưởng phân nửa các dịch vụ chăm sóc y tế mà mọi người khác được hưởng."
Giáo sư Weiner tin rằng đạo luật chăm sóc sức khỏe mới sẽ giúp thành phần có việc làm nhưng vẫn nghèo túng. Thành phần này lâm vào tình cảnh khó khăn vì thu nhập của họ được coi là quá cao để hội đủ điều kiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ y tế do chính phủ tài trợ, chẳng hạn như Medicaid. Theo giáo sư Weiner, thành phần này nên được đăng ký để tham gia một chương trình bảo hiểm y tế công, hoặc một kế hoạch bảo hiểm y tế tư.
Giáo sư Weiner nói một trong những thay đổi tích cực trong việc cải cách hệ thống chăm sóc y tế mà ông tin là mọi công dân Mỹ đều mong thấy xảy ra, là các hãng bảo hiểm y tế phải nhận bất cứ khách hàng nào, bất chấp bệnh tình của họ.
Ông nói trong thời gian quá lâu, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ đã trả chi phí y tế dựa trên tính trầm trọng của căn bệnh, mà chi ra quá ít vào công tác phòng chống các bệnh kinh niên.
Giáo sư Weiner cho biết: "Ngay trong lúc này, các bác sĩ được trả nhiều hơn để kê toa cho các cuộc xét nghiệm. Bệnh nhân càng bệnh nặng thì bác sĩ lại càng được trả nhiều hơn. Chúng ta phải chuyển sang một hệ thống chăm sóc y tế trong đó các bác sĩ được tưởng thưởng vì hiệu năng của mình trong việc giúp đỡ những người được họ chăm sóc trở nên khỏe mạnh hơn."
Tổng thống Obama nói các biện pháp cải cách y tế do ông đề nghị sẽ tốn kém khoảng 900 tỉ đôla trong 12 năm tới. Chi phí này được tài trợ một phần với ngân khoản đã được dành riêng cho hệ thống y tế hiện nay.
Giới chỉ trích nói có quá nhiều phí phạm trong hệ thống hiện hành, họ cho rằng hệ thống chăm sóc y tế hiện nay thiếu hiệu năng, không được quản lý tốt và quá nặng nề về mặt thủ tục hành chính. Bệnh nhân và các công ty bảo hiểm y tế phải trả y phí quá cao, đôi khi không tương ứng với bệnh trạng, và cùng lúc phải gánh vác luôn chi phí chăm sóc sức khỏe cho những người không có bảo hiểm.
Trong một bài diễn văn đọc trước Lưỡng viện Quốc hội hồi tháng 9, Tổng thống Obama nói gần 100 năm đã trôi qua kể từ khi một Tổng thống Mỹ khác, Tổng thống Theodore Roosevelt, lần đầu tiên kêu gọi cải cách hệ thống y tế trong nước.
Tổng thống nói: "Tôi hiểu cuộc tranh luận về vấn đề chăm sóc sức khỏe hiện nay nó phức tạp và khó khăn đến mức nào. Tôi biết là có rất nhiều người Mỹ tỏ thái độ vô cùng hoài nghi, họ không tin là chính phủ muốn chăm lo cho họ."
Phải mất ít nhất nhiều tháng nữa trước khi đạt được một giải pháp tương nhượng về vấn đề cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ. Có người còn hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận trong cuộc tranh luận này.
(Ngày phát sóng: 8/10/2009)