Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2021 xuống chỉ còn 3,8%, thấp hơn rất nhiều so với con số 6,7% hồi đầu năm. Đây là lần thứ ba ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng lên trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu nhờ lưu lượng thương mại gia tăng. Tuy nhiên, tình trạng bùng phát của đại dịch COVID-19 bắt đầu vào cuối tháng 4 đã gây thiếu hụt nguồn cung lao động vì giãn cách xã hội, làm giảm sản lượng công nghiệp và phá vỡ chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam, ngân hàng cho biết trong một báo cáo phát hành hôm 22/9.
Theo đó, GDP quý III được ADB dự báo tăng trưởng 4,2%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng hơn 6%, khu vực dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng 2,9-3,1%, dẫn đến mức tăng trưởng dự báo của năm 2021 là 3,8%.
Theo ADB, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn cũng có nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là dịch Covid-19 kéo dài, trong khi tỷ lệ người lao động được tiêm đầy đủ hai liều vaccine vẫn còn thấp. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội phục hồi nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm nay và đến quý II năm 2022 có 70% dân số được tiêm chủng.
Báo cáo của ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đưa ra sau 3 tuần Việt Nam công bố kết quả kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, trong đó mức tăng trưởng kinh tế được công bố là 5,6%.
Trước đó vào tháng 7, khi công bố cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống mức 5,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 4. Nguyên nhân mà ADB đưa ra là do việc triển khai tiêm chủng chậm, tình trạng áp dụng giãn cách xã hội kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến lưu thông thương mại và hạn chế các hoạt động kinh tế.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 là khoảng 6%. Năm ngoái, GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,91%, mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận trong thập niên qua.