Hội nghị Bonn thảo luận về công cuộc chuyển tiếp tại Afghanistan

  • Suzanne Presto

Các nhà ngoại giao và đại biểu đến từ các nước chụp hình lưu niệm tại Hội nghị Bonn ở Ðức, ngày 5/12/2011

Cách đây 1 thập niên, các nhà ngoại giao đã tề tựu ở Bonn, Đức, để bổ nhiệm một chính phủ chuyển tiếp tại Afghanistan. Nay, với các lực lượng tác chiến quốc tế sắp ra đi vào năm 2014, hơn 100 phái đoàn lại đến Bonn dự một hội nghị bàn về tương lai của Afghanistan. Từ thành phố này của Đức, thông tín viên VOA Suzanne Presto ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trọng tâm của hội nghị Bonn là chuyển từ một nước Afghanistan trong thời kỳ chuyển tiếp qua nước Afghanistan trong thời kỳ chuyển biến.

Các phái đoàn đang thảo luận 3 lãnh vực chủ chốt, bao gồm việc chuyển gia trách nhiệm an ninh từ các lực lượng quốc tế qua lực lượng Afghanistan, hòa giải chính trị và giao tiếp dài hạn với quốc tế, gồm viện trợ và huấn luyện.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle suy ngẫm về thập niên kể từ hội nghị lần đầu năm 2001.

Ngoại trưởng Đức cho rằng đã có những khuyết điểm. Không phải mọi mục tiêu và kỳ vọng đều thực tiễn. Tuy nhiên theo ông rất nhiều thành quả đã đạt được. Nhiều người Afghanistan hơn được hưởng thêm tự do và an ninh so với bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua.

Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan nêu bật rằng phụ nữ Afghanistan chiếm 20% khu vực dịch vụ dân sự, hơn 1/4 quốc hội và gần 40% số học sinh ở các trường học. Nói chung, số học sinh đăng ký đến trường tăng từ chưa đầy 1 triệu vào năm 2002 lên tới hơn 8 triệu bây giờ. Tổng thống Karzai nói thêm rằng đã số những con đường được xây trong 10 năm cao hơn hết trong lịch sử đất nước.

Ông Karzai nói ông biết ơn cộng đồng quốc tế về sự hỗ trợ của họ, nhưng ông nêu ra sự mong manh của các tiến bộ.

Ông Karzai cho rằng vẫn còn những thách thức đáng kể và có tiềm năng gây chệch hướng tiến bộ và đảo ngược các thành tích của Afghanistan. Nghèo khó và kém phát triển vẫn còn là những khó khăn hàng đầu. Nền dân chủ non trẻ vẫn còn mong manh, và dân chúng Afghanistan chưa thấy được các nguyện vọng của mình được thực hiện qua các cơ chế quốc gia vững mạnh, hữu hiệu và đáng tin cậy.

Ông Karzai nói tiến trình chính trị vẫn mở ngỏ cho phe Taleban và các phần tử chủ chiến khác từ bỏ bạo lực và chấp nhận hiến pháp Afghanistan.

Ông nói thêm rằng quốc gia của ông sẽ cần đến sự hỗ trợ tài chính liên tục trong suốt thập niên sắp tới. Một văn bản về sách lược chuyển tiếp của Afghanistan luân lưu tại hội nghị nói rằng công trình trong 10 năm qua có thể sẽ bị vô hiệu hóa trừ phi giải quyết được hố cách biệt tài chính đáng kể của Afghanistan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng góp cho Quỹ Tín dụng Tái thiết Afghanistan. Quỹ này đã bị đình chỉ hồi đầu năm nay vì những bất đồng với Ngân hàng Kabul sau đó đã được giải quyết.

Bà Clinton nói: “Hoa Kỳ sẵn sàng đứng về phía nhân dân Afghanistan đến phút chót để hỗ trợ cho cuộc chuyển tiếp qua ổn định bền vững và phát triển, và chúng tôi thừa nhận rằng chính người dân Afghanistan, như tổng thống Afghanistan đã nói, có các cam kết mà họ phải thực thi, tiến hành các quyết định khó khăn để cải tổ, lãnh đạo công cuộc phòng vệ của chính mình, và củng cố một nền dân chủ gồm mọi thành phần đặt cơ sở trên pháp trị.”

Bà Clinton ca ngợi sự cam kết của tổng thống Afghanistan sẽ xúc tiến các cuộc bầu cử với sự tham dự của mọi thành phần vào năm 2014.

Bà cũng nói rằng Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế phải tiếp tục cam kết huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Afghanistan.

Nước láng giềng của Afghanistan là Pakistan đã vắng mặt một cách đáng chú ý tại hội nghị, và từ chối không tham dự để phản đối các vụ không kích của NATO hồi tháng trước làm 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng gần biên giới giáp với Afghanistan.

Ngoại trưởng Clinton nói toàn khu vực đều can dự trong tương lai của Afghanistan và sự góp phần của Pakistan tại hội nghị lẽ ra đem lại lợi ích.

http://www.youtube.com/embed/kS14OMGZWKk