Nhân vật “được kỳ vọng” Nguyễn Tấn Dũng? Hay người có hơi hướng trở về đường lối “dân tộc - dân chủ 1946” Trương Tấn Sang? Hoặc Nguyễn Phú Trọng - người đã “kết luận” để nhà nước Việt Nam chấp nhận Công đoàn độc lập? Và cả “ẩn số” Trần Đại Quang?...
Độ trễ 5 năm?
Hai sự kiện chấn động “Bình thường hóa Mỹ - Cuba” cuối 2014 và “Cách mạng dân chủ Myanmar” cuối 2015 có lẽ là khá đủ để giới lãnh đạo Việt Nam không còn mấy tơ tưởng về chuyện trở thành “tiền đồn canh giữ hòa bình thế giới”.
Hoặc mơ mộng độc đảng trừng trị dân chủ như bao năm trước.
Bây giờ là lúc phải tính đến một thay đổi nào đó. Phải thay đổi gấp rút để đánh đổi lấy sự tồn tại không biết được bao lâu.
Mùa thu năm 2015, một tháng trước khi diễn ra trận động đất đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của Aung San Suu Kyi chiến thắng gần như tuyệt đối ở Myanmar, từ “chủ nghĩa xã hội” đã biến mất trong các diễn văn khai mạc và thông báo bế mạc Hội nghị trung ương 12 đảng Cộng sản Việt Nam. Trừ vài tờ báo đảng, đại đa số báo chí nhà nước cho tới nay hầu như không nhắc đến từ ngữ một thời rất phổ biến này.
Nhìn sang thể chế, nếu phải sang năm 2016 Việt Nam mới chịu ban hành hai đạo luật để thực thi quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình như Hiến pháp từ năm 1992 đã quy định, thì Việt Nam sẽ khai mở dân chủ chậm hơn khoảng 5 năm so với Myanmar.
Năm 2011, Thein Sein nhậm chức tổng thống Myanmar và bắt đầu thay đổi. Không chỉ bắt đầu bằng việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có người lãnh án đến hơn 100 năm, ông Thein Sein còn thể chế hóa khung luật pháp về quyền tự do lập hội, tự do biểu tình và tự do báo chí.
Nhưng cả ba thứ luật được coi là “tự do” ấy vẫn còn nguyên vẹn trong mớ bùng nhùng ở Việt Nam. Sau một thời gian đằng đẵng được hứa hẹn quá nhiều, chỉ đến giữa năm 2015 Quốc hội Việt Nam mới ban hành dự thảo Luật về hội như một cử chỉ xoa dịu lòng dân và trí thức, nhưng nội hàm lại đầy rẫy từ ngữ “xin - cho” và “bảo đảm an ninh quốc gia”. Trong khi đó, Luật biểu tình vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, còn Luật báo chí vừa siết báo nhà nước nhưng cũng muốn làm lợi cho quyền lực của các nhóm thân hữu chính trị và lợi ích kinh tế.
Nhưng dù sao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã có bước khởi động mang hơi hướng “dân chủ” nhanh hơn một chút so với thông điệp “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ đầu năm 2014. Cũng bởi thế, cuộc đua đến chức vụ tổng bí thư đảng vào đại hội 12 vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ ông Hùng, cho dù độ tuổi của ông sẽ không thể được chấp nhận nếu không có một “quy chế đặc biệt” nào đó.
Trong “tứ trụ” hiện thời, ông Nguyễn Sinh Hùng bất chợt trở thành nhân vật có nhiều phát ngôn ấn tượng nhất về “không phải muốn bắt ai thì bắt”, “nói hay thế mà một đồng tăng lương cũng không có là sao!”, hay gần đây nhất là ủy quyền cho chánh văn phòng Quốc hội lần đầu tiên thông báo công khai về từ ngữ quá đỗi nhạy cảm: “Xã hội dân sự”…
Có thể ông Nguyễn Sinh Hùng đang vận động theo hướng thay đổi - một kiểu cách dân chủ theo thuyết “hội tụ” - nằm giữa phương Tây và ý thức hệ bảo thủ của giai cấp tư sản đỏ Việt Nam.
Thế còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì sao?
Gorbachev của Myanmar
Thực tế trần trụi cần được thừa nhận là dù đưa ra vài phát ngôn có vẻ tiến bộ hay chỉ đơn giản là “nói khác đi một chút”, song ông Dũng chưa làm được gì cho dân chủ Việt Nam, nếu không muốn nói là ngược lại.
Tháng 11/2015, sau khi phần lớn Quốc hội Myanmar thuộc về phong trào dân chủ ở quốc gia này, một số người đã nhắc lại “thành tích” lời khuyên dân chủ cho Myanmar của Thủ tướng Dũng trong cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein vài năm trước.
Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Từ năm 2012, giới quan sát bắt đầu dùng cụm từ “thành tâm chính trị” để đề cập về Thein Sein chứ không phải cho giới lãnh đạo đầu môi chót lưỡi của Việt Nam.
Trong kịch bản Myanmar, “thành tâm chính trị” lại là một tố chất căn bản cho mọi sự thay đổi về thể chế, chưa kể đến lợi ích có được tiếp theo về an toàn gia sản lẫn sinh mạng chính trị.
Thein Sein được ai đó xem là “vĩ đại” cũng có thể có lý. Ở vào thế thượng phong năm 2011 khi chẳng nhất thiết phải giải chế cho Aung San Suu Kyi, ông vẫn có thể giữ nguyên chế độ quân phiệt nhiều năm nữa theo cung cách của Trung Quốc và Việt Nam muốn bám chặt cơ chế độc đảng.
Song ở đây lại nổi lên điều được coi là “tư cách chính trị gia” - theo đúng nghĩa của cụm từ này. Thein Sein đã làm những gì có thể, kể cả chấm dứt dự án đập thủy điện Myitsone gây ô nhiễm môi trường có giá trị tới 3,7 tỷ USD với Trung Quốc. Để kết quả ngày nay dư luận đang tôn vinh ông: Thein Sein xứng đáng là Gorbachev của Myanmar.
Còn Myanmar đã được các nước Đức, Pháp, Na Uy, Nhật Bản và Câu lạc bộ Paris xóa số nợ lên đến 6 tỷ USD. Sau 50 năm cắt bang giao, tổng thống Mỹ đã đặt chân lên đất nước này hai lần năm 2012 và 2014.
Đến giờ phút này, công cuộc chuyển hóa dân chủ ở Myanmar đã khá trọn vẹn: êm thắm, ôn hòa, không đổ máu; còn giới quan chức và quân đội vẫn giữ nguyên được tài sản và sinh mạng.
Đó cũng là những gì mà giới lãnh đạo Việt Nam, dù chẳng ai nói ra, nhưng tất thảy đều ao ước.
Vậy ai sẽ muốn làm Thein Sein ở Việt Nam?
Thein Sein nào cho Việt Nam?
Những ngày cuối năm 2015, bất chấp không khí tranh đấu quyền lực vẫn được ưu tiên đến mức tối đa trước Hội nghị trung ương 13 và chắc chắn tới tận Đại hội đảng 12, có thể một luồng khí khác sẽ dần xâm chiếm đại hội này. Không chỉ quyết định sự thắng thế hay giằng co của các phe phái chính trị, Đại hội 12 còn có thể mở ra một bước ngoặt thay đổi về hệ tư tưởng chính trị, tiếp sau khởi động của thay đổi “xoay trục sang phương Tây” từ giữa năm 2014 đến nay.
Một điều có vẻ khá nghịch lý đang diễn ra: nhân vật từng và vẫn còn bị giới trí thức cải cách lên án là bảo thủ nhất - Nguyễn Phú Trọng - trong thực tế và cho tới nay lại trở thành người tạo ra được nhiều thay đổi nhất về đối ngoại và vài thứ quyền làm người, và do đó có nhiều khả năng nhất đi theo đường hướng dân chủ hóa ở Việt Nam. Một nhà quan sát dè dặt “Nếu ông Trọng tiếp tục tái nhiệm tổng bí thư nửa nhiệm kỳ tới thì cũng không phải là kịch bản quá xấu”.
Trong đảng cũng đang nhen nhóm một hy vọng nhỏ nhoi rằng Nguyễn Phú Trọng muốn và có thể trở thành “Thein Sein Việt Nam”, cho dù sự so sánh này có vẻ khá khập khiễng.
Dù sao và xét cho cùng, nếu người bị xem là cố thủ tư tưởng nhất như Nguyễn Phú Trọng mà còn bắt đầu thay đổi, các ủy viên khác trong Bộ Chính trị đều có thể đổi thay.
Câu hỏi đặt ra là trong tình thế tam mã hoặc tứ mã tranh hùng chức vụ tổng bí thư tại Đại hội 12, hai thế lực đối đầu khác là Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm gì để cứu vớt hình ảnh dân chủ, dù chỉ trên bề mặt, cho cá nhân mình? Hay chỉ quá thần tượng Putin nước Nga và cách thức làm sao để trở thành “Sa hoàng Việt Nam”?
Cùng lúc, một số dư luận lại đang bàn tán về Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, không chỉ là ẩn số về nhân sự cấp cao cho Đại hội 12 mà cả về hướng đi đối nội lẫn đối ngoại của ông Quang, nếu nhân vật này giành thắng lợi trong cuộc đua sắp tới.
Tất nhiên việc Bộ Chính trị thỏa hiệp cho một tướng lĩnh công an giữ chức vụ cao trong “tứ trụ” không phải là điều hay ho gì cho bộ mặt nhân quyền đối ngoại. Song trong thực tế diễn biến nội bộ, tướng Quang dường như đang có lợi thế, và lịch sử các đại hội đảng ở Việt Nam vẫn thường bị chao đảo bởi tính thỏa hiệp cho một nhân vật “trung lập” giữ chức vụ cao khi không bên nào giành thắng ưu thế vượt trội.
Cũng cần nhắc lại, trước khi trở thành người ghi công dân chủ cho Myanmar, Thein Sein từng là một đại tướng quân đội.
Chỉ có điều, “thành tâm chính trị” của Thein Sein xứng đáng được mọi chính trị gia thiếu “thành tâm” hơn nhiều của Việt Nam “học mà nhớ lấy”.
Học mà nhớ lấy
Khá giống với tình hình Myanmar năm 2010, thể chế Việt Nam hiện thời đang phải đối mặt với bi kịch kinh tế và bế tắc dân chủ. Nhưng còn bi đát hơn Myanmar, nội bộ Việt Nam đang “xa mặt cách lòng” chưa từng có. Thực trạng Bộ Chính trị chỉ còn là một ốc đảo giữa biển khơi cuồn cuộn sóng ngầm đã khiến những người còn sót lại phải cố nhảy lên con thuyền nan hòng “tiến ra biển lớn”.
Tiến ra biển lớn. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.
Có thể còn khá lâu mới xuất hiện một Aung San Suu Kyi cho Việt Nam. Nhưng sau sự kiện dân chủ Myanmar cuối 2015, có lẽ toàn bộ giới lãnh đạo Việt Nam đều thừa khôn ngoan để nhận ra rằng chỉ có con đường trở thành Thein Sein, hoặc trở nên một phần của Thein Sein, mới có thể lấy lại phần nào lòng dân và do đó mới là sinh lộ cho họ, gia đình họ lẫn các tập đoàn lợi ích lấy thuyết vụ lợi làm trung tâm phát triển.
Nếu không, rất có thể đến một lúc nào đấy họ sẽ mất trắng…
* Blog của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.