Theo Hiến pháp Việt Nam, trong trường hợp khuyết chủ tịch nước thì phó chủ tịch nước giữ quyền chủ tịch đến khi Quốc hội bầu ra chủ tịch nước mới. Các nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với VOA rằng người thay thế chức vụ chủ tịch nước của ông Trần Đại Quang vừa qua đời vẫn còn là ẩn số, nhưng không loại trừ khả năng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đảm nhận cả chức chủ tịch nước sau Hội nghị Trung ương 8.
Từ Hà Nội, Blogger Vũ Quốc Ngữ nhận định:
“Theo luật pháp Việt Nam thì bà Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ lên thay ông Quang cho đến khi Quốc hội họp phiên sớm nhất vào khoảng tháng 10, 11 sắp tới đây, theo đó sẽ quyết định xem bà đó có tiếp tục hay bầu người mới. Tôi nghĩ bà Đặng Thị Ngọc Thịnh lên giữ chức chủ tịch nước là đương nhiên, nhưng thời gian bà giữ chức này bao lâu mới là vấn đề.”
Tôi nghĩ bà Đặng Thị Ngọc Thịnh lên giữ chức chủ tịch nước là đương nhiên, nhưng thời gian bà giữ chức này bao lâu mới là vấn đề.Ông Vũ Quốc Ngữ
Điều 93 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.”
Phó chủ tịch nước hiện nay là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, người được bầu vào chức vụ này từ tháng 4/2016, nhưng bà chưa là ủy viên Bộ Chính trị, mà chỉ là một trong số 178 Uỷ viên Trung ương.
Sinh năm 1959, quê ở tỉnh Quảng Nam, ngoài chức Phó Chủ tịch nước, bà Thịnh hiện kiêm nhiệm đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long và là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương.
“Người ngay lập tức được nắm quyền chủ tịch nước là Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, một gương mặt không thực sự quen thuộc với công chúng,” Luật sư Trịnh Hữu Long viết trên tạp chí Luật khoa.
Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 8 của Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo dự kiến, kỳ họp gần nhất của Quốc hội sắp tới là kỳ họp thứ 6, khai mạc vào 22/10/2018. Tuy nhiên, Quốc hội có thể sẽ họp bất thường theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bầu ra chủ tịch nước.
Theo nhận định của Luật sư Trịnh Hữu Long, mặc dù về lý thuyết, bất kỳ đại biểu Quốc hội nào cũng có cơ hội trở thành chủ tịch nước, nhưng xưa nay, vị trí này luôn do một uỷ viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ.
Từ Nha Trang, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo chia sẻ các nhận từ cộng đồng mạng xã hội:
“Tin ông Trần Đại Quang chết được công bố một cách rất là đột ngột sáng nay làm cho cộng đồng mạng của Việt Nam có đồn đoán ai là người thay thế ông. Một số người cũng bàn tới khả năng của ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư hoặc là ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Đó là theo thông lệ họ đoán là các thành viên trong tứ trụ gồm tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội đều là các thành viên của Bộ Chính trị.”
Một số người cũng bàn tới khả năng của ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư hoặc là ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.Ông Võ Văn Tạo
Tuy nhiên, cũng theo nhà báo Võ Văn Tạo, có một luồng ý khác là chức chủ tịch nước không nhất thiết phải là ủy viên Bộ Chính Trị:
“Những ai đã quan sát lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên thì có những lúc không nhất thiết chủ tịch nước là ủy viên Bộ Chính trị vì chức vụ chủ tịch nước chỉ có tính chất tượng trưng thôi. Khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời thì Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên thay. Khi ông Thọ là quyền Chủ tịch nước thì ông ấy cũng không là ủy viên Trung ương Đảng. Tôi cho rằng ông nào lên thì cũng thế thôi vì lề lối làm việc lâu nay của Đảng Cộng sản là theo chế độ làm việc tập thể, sau khi có nghị quyết của đa số rồi thì cứ thế mà chấp hành.”
Ông Nguyễn Lân Thắng, một người theo dõi tình hình chính trường ở Hà Nội, nói với VOA:
“Chiếc ghế chủ tịch nước hiện nay đang là một ẩn số rất là lớn, nhưng tôi nghĩ một khả năng cao là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tranh thủ cơ hội này để ông ấy có thể vừa nắm chức tổng Bí thư vừa nắm chức chủ tịch nước như bên Trung Quốc. Đây là một khả năng rất có thể xảy ra.”
Một khả năng cao là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tranh thủ cơ hội này để ông ấy có thể vừa nắm chức tổng Bí thư vừa nắm chức chủ tịch nước như bên Trung Quốc.Ông Nguyễn Lân Thắng.
Ông Vũ Quốc Ngữ cũng có cùng nhận định trên với ông Thắng. Ông Ngữ nói thêm:
“Cũng có khả năng như thế vì hiện giờ, Việt nam từ xưa và mãi cho đến gần đây cũng áp dụng mô hình quản lý của Trung Quốc. Rất có khả năng trong thời gian tới họ sẽ nhất thể hóa vị trí tổng Bí thư và vị trí chủ tịch nước, giống như cơ cấu của nhà nước Trung Quốc.”
Hồi năm ngoái, sự vắng mặt ‘bí ẩn’ của ông Quang trong một tháng - từ tháng 7 năm 2017- dẫn đến những tin đồn về một cuộc đấu đá nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, gây sự chú ý của báo chí quốc tế.
Trước Hội nghị Trung ương 7 vào tháng 5/2018, tác giả David Hutt dẫn một bài viết của ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof Ishak ở Singapore, cho biết ông Nguyễn Thiện Nhân, người đang giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sau cú rớt đài của ông Đinh La Thăng, được cho là sẽ được cất nhắc lên làm chủ tịch nước.
Theo ông David, kiểu người ba phải như ông Nhân lại “chính là tuýp người mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thích.” Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, đã “thay đổi theo chiều hướng bảo thủ hơn”. Quyết sách của Đảng đã trở nên ‘tập trung hơn’ mặc dù vẫn đi theo sự “đồng thuận” dựa trên nguyên tắc “dân chủ tập trung.”
Cố nhà báo Bùi Tín lý giải với VOA vì sao dưới con mắt ông Nguyễn Phú Trọng, ông Thiện Nhân là ứng viên sáng giá cho chức vụ này:
“Ông Nguyễn Phú Trọng chọn ông Nguyễn Thiện Nhân là vì ông Nhân nổi tiếng là con người rất là ‘hiền lành, có thể nói là mềm yếu, người ít có ý kiến độc lập, chuyên môn nghe theo lãnh đạo.”
Blogger Phó Đức Hồng từng nhận định trên trang web của VOA: “Ông Nhân là mẫu người thích hợp với vai trò chủ tịch nước-vai trò vốn mang tính biểu tượng.”
Một ứng viên khác được nhắc đến như những ứng viên có tiềm năng là ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - hiện là Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Trước Hội nghị Tung ương 7, nhiều bài báo trên các trang mạng xã hội thậm chí nói rằng sự nghiệp chính trị của Chủ tịch Trần Đại Quang coi như đã được định đoạt, và việc ông sang Nhật chữa bệnh chỉ là một sự ‘dàn xếp’ trước những thay đổi nhân sự sẽ được công bố tại Hội nghị này. Tuy nhiên, dù sắc diện có thay đổi, ông Quang vẫn ngồi bên cạnh ông Trọng để chủ trì Hội nghị.
Ngày 18 và 19/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về các đề án chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 8, khóa XII.
Blogger Nguyễn Hưng Quốc từ Úc viết trên Facebook hôm 21/9 sau khi Hà Nội loan tin ông Quang chết vì ‘virus độc lạ’: “Cái chết của ông, một trong “tứ trụ triều đình", liệu có dẫn đến sự thay đổi gì trong tình hình chính trị Việt Nam hay không? Câu trả lời hầu như chắc chắn: Không. Vấn đề ở Việt Nam nằm trong bộ máy chứ không phải ở từng cá nhân. Cá nhân này chết thì có cá nhân khác thay thế. Nhưng bộ máy thì vẫn tiếp tục chạy. Không có gì đổi khác cả.”