Amazon, công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ, đang kêu gọi các công ty ở Việt Nam chuyển dữ liệu vào kho lưu trữ đám mây với các máy chủ được đặt ở nước ngoài trong khi chính phủ Hà Nội yêu cầu họ phải lưu trữ trong nước, theo Nikkei Asia.
Tạp chí tiếng Anh chuyên về châu Á của Nhật cho biết rằng Amazon Web Services (AWS) là công ty đi đầu trong việc tìm kiếm khách hành sử dụng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty điện toán đám mây lớn nhất thế giới đang mở rộng thị trường ở Việt Nam trong khi Hà Nội thắt chặt các quy định về lưu giữ dữ liệu tại địa phương.
Amazon hồi tháng 3 vừa qua công bố sẽ xây 10 trung tâm dữ liệu cho dịch vụ AWS tại 6 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. AWS là trung tâm dữ liệu địa phương có quy mô nhỏ hơn so với các trung tâm dữ liệu “chuẩn” – được gọi là Mega Center – của Amazon, theo VNBiz News.
Vẫn theo tờ báo này, Hà Nội là một trong các địa điểm mà Amazon công bố sẽ xây trung tâm dữ liệu địa phương và Việt Nam là một thị trường hứa hẹn rất tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Trong khi AWS có máy chủ đám mây được đặt bên ngoài Việt Nam, chính phủ Hà Nội lại muốn các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu chặn nội dung người dùng bị coi là “bất hợp pháp”, một điều mà các nhà cung cấp gọi là “không khả thi về mặt kỹ thuật”, theo Nikkei.
Các điều khoản sửa đổi bổ sung của Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam mới được soạn thảo cấm các hành vi lợi dụng việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet cũng như thông tin trên mạng nhằm mục đích “chống phá nhà nước”, “tiết lộ bí mật nhà nước” hay “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.”
Việt Nam trước đây đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Facebook và Google phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Việt Nam theo Luật An ninh mạng vốn gây nhiều tranh cãi.
Giám đốc giáo dục đào tạo của AWS ở khu vực ASEAN, Emmanuel Pillai, nói với Nikkei rằng “bảo mật là ưu tiên hàng đầu” của công ty này và rằng Amazon muốn tuân thủ các quy tắc và quy định của chính phủ bất cứ nơi nào công ty hoạt động nhưng cũng muốn đảm bảo dữ liệu của khách hàng được bảo vệ.
Dự thảo sửa đổi bổ xung của Nghị định 72 cũng cấm các công ty thực hiện việc truyền dữ liệu xuyên biên giới mà không được phép. Theo Nikkei, Liên minh Phần mềm, một nhóm vận động hành lang gồm AWS, SAP và Cisco, nói rằng chính sách mới được đề xuất này sẽ mâu thuẫn với các cam kết thương mại của Việt Nam.
Ngành công nghiệp điện toán đám mây ở Việt Nam cũng đang gặp vấn đề với dự thảo sửa đổi bổ sung của Nghị định 72, trong đó yêu cầu chặn nội dung của khách hàng bị chính phủ cho là “bất hợp pháp.”
Một nhà quản lý chính sách tại Liên minh Phần mềm, Tham Shen Hong, cho biết trong một bức thư gửi Bộ TTTT rằng điều này “về mặt kỹ thuật và thực tế là không khả thi,” theo Nikkei.
Bức thư được Nikkei trích dẫn nói rằng trung tâm dữ liệu và “các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ hợp đồng và đặc biệt là bị hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu của khách hàng doanh nghiệp của họ.”
Bộ TTTT cho biết thị trường dữ liệu và điện toán đám mây của Việt Nam đạt giá trị 196 triệu USD vào năm 2020 và sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2026. Theo Nikkei, Amazon khi tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ cạnh tranh với các công ty trong nước như Viettel, FPT và VNG.
Các công ty Việt Nam chiếm 19,7% thị trường điện toán đám mây trong nước với mục tiêu nâng con số này lên 70%, theo một bản tin đăng ngày 23/11/2021 trên trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông.