“Ông Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ năm liên tiếp đến thăm Việt Nam. Không có nhiều quốc gia khác cũng được thăm viếng giống như vậy và điều này củng cố cam kết của Hoa Kỳ về một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, kiên cường và độc lập”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) ở Hà Nội nói với VOA ít ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Như VOA đã đưa tin, cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng này đã loan báo ông Biden sẽ đến Hà Nội trong hai ngày 10 và 11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Các nguồn tin ngoại giao không muốn nêu danh tính nói với VOA rằng nhân dịp chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo hàng đầu của hai quốc gia sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp cao nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước. Hai nước chưa chính thức xác nhận thông tin đó. Hiện tại, Việt Nam chỉ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.
“Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, chúng tôi mong đợi có những tuyên bố và sự tiến triển của một số dự án và giao dịch kinh doanh hiện đang chờ quyết định”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành AmCham Hà Nội nói với VOA qua email hôm 7/9.
AmCham hiện đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp và 2.500 doanh nhân trên khắp Việt Nam, với hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài, hàng chục nghìn nhân viên trực tiếp, hàng trăm nghìn nhân viên gián tiếp và chiếm một phần đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu và thuế của Việt Nam.
Vị giám đốc điều hành của văn phòng AmCham ở Hà Nội đưa ra nhận xét rằng ngày nay Hoa Kỳ và Việt Nam là “những người bạn thân thiết - điều từng được cho là không thể tưởng tượng nổi”.
Thương mại là nền tảng
Nói về thương mại mà ông Sitkoff xem là nền tảng của mối quan hệ song phương Mỹ-Việt, ông nhấn mạnh về những thay đổi lớn đã diễn ra trong vài thập kỷ qua, có thể được tóm tắt lại qua hai con số, đó là vào năm 1995, thương mại song phương chỉ đạt 451 triệu đô la, song kim ngạch năm ngoái đã vượt 123 tỷ đô la, thể hiện mức tăng gấp 272 lần.
“Các công ty Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, với các công ty Mỹ đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp và công nghiệp chất lượng cao. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ”, vị giám đốc điều hành của AmCham Hà Nội nói khái quát.
Theo đánh giá của ông Sitkoff, các công ty cũng như các nhà đầu tư Mỹ hiện đang hoạt động trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, mang những sản phẩm chất lượng cao, công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến đến Việt Nam, giúp đưa đất nước này hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm có chất lượng, cũng như làm cho đất nước có năng suất cao hơn, an toàn hơn và sạch hơn.
Mặt khác, Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn như một điểm đến đầu tư của Mỹ khi nhiều công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, ông Sitkoff nói thêm.
Liên kết văn hóa, giáo dục quan trọng không kém
Quan trọng không kém gì thương mại là các liên kết văn hóa, ông Sitkoff nhận định. “Hoa Kỳ có số lượng người Việt Nam ở ngoài Việt Nam lớn nhất và người Mỹ gốc Việt đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Các khoản đầu tư cũng như tài năng và tinh thần kinh doanh của họ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam”, ông khẳng định.
Nhân vật đại diện cho cộng đồng các hãng và các doanh nhân Mỹ ở Việt Nam điểm lại rằng khi hai nước mới khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 1995, chỉ có 60.000 người Mỹ đến thăm Việt Nam, nhưng con số đó đã tăng lên gần 700.000 du khách Mỹ mỗi năm trước đại dịch COVID-19 vào các năm 2020, 2021. Theo ông Sitkoff, đường bay thẳng của Vietnam Airlines tới San Francisco hiện đang giúp thu hút nhiều du khách hơn nữa.
Ông cũng nhắc đến thực tế là hiện có khoảng 30.000 thanh niên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, nơi họ được tiếp thu những kỹ năng và kiến thức rất cần thiết.
“Chúng ta ghi nhận công sức của người dân ở cả hai quốc gia khi chúng ta đều đã có thể vượt qua những bi kịch trong quá khứ chung để xây dựng một mối quan hệ sôi động bền chặt dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”, giám đốc điều hành của AmCham Hà Nội bình luận.
Cần có môi trường pháp lý rõ ràng, ổn định
Khi được hỏi ông có lời khuyên gì để Việt Nam cải thiện các điều kiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế, vị giám đốc điều hành của AmCham Hà Nội nói với VOA: “Tôi tin rằng yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, có thể lường trước được và tinh giản, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển những khoản đầu tư hiện có ở đây”.
Ông Sitkoff nói tiếp: “Có một điều chắc chắn, đó là việc các nhà đầu tư hiện tại mở rộng hoạt động chính là cách quảng cáo tốt nhất để thu hút đầu tư mới”.
Trong quan điểm của mình, AmCham tin rằng đối thoại nhiệt tình giữa chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp mang lại kết quả là chính sách công tối ưu, ông nói.
Tuy đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, song ông cũng chỉ ra rằng một số quy định của nước này “tiếp tục đưa ra các thủ tục hành chính mới như cấp phép, phê duyệt và yêu cầu phải có nhiều báo cáo khá phiền hà”.
“Ví dụ, các yêu cầu về xin giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn thiếu rõ ràng và còn thay đổi. Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam xác định rõ những yếu tố của pháp luật Việt Nam cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài, cũng như cần phải xem xét cẩn thận về việc có thêm những gánh nặng hành chính trong dự thảo các luật và quy định, và nếu có thể được, hãy tránh phải có thêm những gánh nặng đó”, ông Sitkoff kiến nghị.
Một lời khuyên nữa của ông Sitkoff cho Việt Nam là ưu tiên năng lượng xanh. “Điều quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ khi lựa chọn Việt Nam là có thể tiếp cận ngay với nguồn năng lượng tái tạo. Bất kỳ kế hoạch nào về mở rộng cơ sở hiện tại hoặc thay đổi nơi cung ứng cũng đều phải bao gồm các giải pháp năng lượng xanh”, ông nói.
“Để đạt được mục tiêu có mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng vừa có giá phải chăng vừa bền vững về mặt xã hội”, ông nói thêm.
Quá trình này sẽ cần phải có trợ giúp tài chính và kỹ thuật từ các nguồn bên ngoài, và để thu hút các nguồn lực đó, một lần nữa ông Sitkoff lưu ý đến việc chính phủ phải đơn giản hóa thử tục và có các quy định rõ ràng, ổn định: “Việt Nam cần phải xóa bỏ tình trạng các quy định vẫn hay thay đổi hiện nay để mở khóa cho nguồn vốn quốc tế lớn đáng kể vẫn đang chờ điều kiện phù hợp”.
Một khuyến nghị khác của AmCham, ông Sitkoff cho biết, đó là chính phủ hãy áp dụng cách tiếp cận toàn diện và tầm nhìn toàn cầu trong việc phát triển khung pháp lý kỹ thuật số.
Nói về tổng quan, vị đại diện của cộng đồng các doanh nghiệp và doanh nhân Mỹ bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Việt Nam không ngừng cải thiện trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, cải cách giáo dục, chính sách y tế và sức khỏe, chính sách thuế và pháp lý ổn định và rõ ràng, cũng như nâng cao tính minh bạch ở Việt Nam”.
AmCham mong hợp tác với chính phủ Việt Nam để giải quyết những thách thức nêu trên và cải thiện điều kiện kinh doanh nhằm làm mạnh thêm khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội bền vững cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng ở đất nước này, ông Sitkoff nói.
Tiến bộ trong những lĩnh vực đó sẽ không chỉ giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài mà còn giúp Việt Nam đạt được khát vọng vươn lên thứ bậc cao hơn trong cạnh tranh kinh tế, vị giám đốc điều hành của AmCham Hà Nội nhận định.