Ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố chống tham nhũng là ‘ta đánh vào ta’. Ông lo ‘rút dây sợ động cả gỗ quý’, nên muốn sao ‘đánh chuột không để vỡ bình’? (1). Năm 2023 khép lại, cuộc ‘rút dây’ và ‘đánh chuột’ của ông Trọng dường như chưa đi tới đích. Các ‘trùm cuối’ của ‘Kit test Việt Á’, của ‘Chuyến bay giải cứu’ và nhiều vụ án khác vẫn bình an vô sự.
Ngàn năm bia miệng… Trùm cuối là ai?
Đau xót muôn đời muôn kiếp trong đại án ‘Chuyến bay giải cứu’ là hàng trăm ngàn con người vốn đang khoẻ mạnh, bỗng dưng phải mang tiền đi hối lộ để được ‘giải cứu’. Đáng ghi vào sử Đảng là màn ‘vạch áo cho người xem lưng’ trong các cáo buộc sinh tử giữa Hưng, Tuấn, Hằng và cuối cùng là vụ ‘quay xe’ ngoạn mục của Hoàng Văn Hưng.
Những rường cột của các lực lượng tư pháp lại chính là những con ‘mối chúa có thành tích chạy án ‘dày’, đục ruỗng nền pháp lý XHCN bao lâu nay. Tổ chức trên 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ về Việt Nam. Tận dụng những chuyến bay này, các quan chức đã nhận hối lộ số tiền hàng trăm tỷ đồng từ người dân. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Hưng thừa nhận hành vi bị Tòa cấp sơ thẩm quy kết về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 800.000 USD (hơn 18,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, số tiền 1,8 triệu USD bị can Hằng nói là đã đưa cho cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội để ‘chạy án’, hiện nằm ở đâu vẫn là một điều bí ẩn (2).
Giật gân hơn ở vụ ‘Kit test Việt Á’ không phải là phán quyết của Tòa. Những kẻ liên can đến đại án này lãnh án tổng cộng 75 năm tù. Chuyện này đối với giới quan sát, chẳng có gì ngạc nhiên. Hành động đút lót, đưa hối lộ của Phan Quốc Việt và đồng bọn là rõ như ban ngày. Nhưng nếu không có những quan tham như Chu Ngọc Anh (Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế) thì những ‘trò tung hứng’ của Việt cũng chẳng đi đến đâu (3). Nhưng kể cả Thanh Long lẫn Ngọc Anh cũng chưa đủ tầm cỡ khuynh loát và lũng đoạn được cả hệ thống đảng lẫn chính quyền, để Nguyễn Phú Trọng gấp gáp tặng Huân chương Lao động cho Việt và sau đó, báo chí ‘bốc’ Việt lên mây xanh… Trong khi ‘Trùm cuối’ vẫn đâu đó và mãi mãi có thể vẫn là ‘bí mật công khai’, chừng nào bộ trưởng Công an Tô Lâm còn chưa công bố kẻ nắm giữ 80% cổ phần Công ty Việt Á là ai, hay thân nhân của ai, trong ‘Cung đình nhà Sản’.
Những bí mật công khai nói trên đã không được Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đề cập suốt trong 3 ngày xét xử sơ thẩm 7 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và Học viện Quân y. Trong khi đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng vừa ra quyết định ngày 3/1/2024 tới đây sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm hai cựu Bộ trưởng và 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày. Còn Hội đồng xét xử Tòa Quân sự thì đã kết luận, nghiệm thu kết quả đã thông qua quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit của Việt Á cung cấp. Vậy là vụ án này bổ sung thêm một khái niệm về ‘tham nhũng trong khoa học’, khi nhân danh quyền lực, người ta sẵn sàng ‘cướp’ tài sản nghiên cứu, bất chấp tính liêm chính (4).
Đằng sau các vụ đại án dường như thấp thoáng một tổng đạo diễn “vô hình” chỉ huy các “dây chuyền tham nhũng” ở Việt Nam xảy ra giữa dịch giã Covid-19. Đấy là những kịch bản giống nhau đến kỳ lạ giữa ‘Chuyến bay giải cứu’ và ‘Kit test Việt Á’! Theo đó, cả 2 công ty Bluesky và Việt Á làm nên 2 đại án kéo theo hàng trăm cán bộ trung cao cấp của Đảng xuống bùn đen đều là những doanh nghiệp nhỏ, hầu như vô danh, nhưng lại được chọn để thực thi ‘chủ trương lớn’ của BCT! Nếu theo dõi quá trình hình thành ‘giai cấp mới’ – tức là tầng lớp quan liêu, được hưởng đặc quyền đặc lợi của Đảng Cộng sản, theo định nghĩa ‘chỉ mặt đặt tên’ của Milovan Dijlas – thì chúng ta mới thấu hiểu được những gì đang diễn ra rất gần với mình, ngay trên chính mảnh đất nơi chúng ta đang hàng ngày sinh sống (5).
Đảng xức ‘dầu gió’ cho con bệnh ung thư
Tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngày 22/11/2023, Tổng Bí thư Trọng đã chủ trì phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (BCĐ). Theo báo cáo của BCĐ, các vụ đại án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như Việt Á, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… được yêu cầu phải tập trung điều tra và ‘xử lý nghiêm’. Ông Trọng cũng lưu ý về việc chậm chạp đưa các vụ án ra tòa. Ông nói công tác phòng chống tham nhũng cần phải làm triệt để hơn, chứ không phải làm lấy ví dụ, làm để cho có, đồng thời ông yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải tăng cường ‘hợp đồng tác chiến’ hiệu quả hơn, chứ ‘đừng cua cậy càng, cá cậy vây’ hay ‘sư nói sư phải, vãi nói vãi hay’ (6). Mấy lời ‘tự bạch’ của ông Tổng cho thấy các mối liên hệ chằng chịt giữa các nhóm lợi ích trong đảng và nhà nước, đặc biệt là mối quan hệ giữa các tập đoàn, các công ty là ‘sân sau’ của các quan chức trong bộ máy với nhau.
Trưng lên một đoàn lãnh đạo đảng, chính phủ, quốc hội đi viếng Lăng ông Hồ Chí Minh, một Blogger ẩn danh từ Sài Gòn chú thích bên dưới bức ảnh: Các ông ‘Củi’… Thoạt đầu nghe, khái niệm hơi lạ tai. Các ông ‘Củi’ là ai? Đọc tiếp bài bình
luận sắc sảo ấy mới hiểu được ý niệm khái quát của người viết: ‘Lò chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhen lên được hơn ba năm, và liên tục ba năm cháy ngùn ngụt, cháy không ngưng nghỉ, cháy không hề ngớt và tình trạng củi cũ cháy chưa xong đã thấy củi mới tuồn vào lò, đến độ có người lo vỡ lò. Và, đến lúc này, người ta ‘lạc quan’ rằng, cái lò của ông Trọng có thể đốt cả trăm năm sẽ vẫn không hết củi, bởi củi chưa bao giờ thiếu và rừng toàn củi nên chẳng có lý do nào để lo lò ngưng cháy hay nguội lạnh’ (7).
Không phải chờ đến bây giờ cả xã hội mới nhận thức được, nhiều đại án, trung án và tiểu án liên quan, thực chất là tập hợp các trò ‘ăn của dân không chừa thứ gì’, dưới chiêu bài đưa người Việt Nam đang khốn đốn trong đại dịch ở những nơi xa trở về (Bay giải cứu), hay thực hiện triệt để các nghị định của chính phủ, ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà… (Kis test Việt Á), lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân để kiếm tiền trên nỗi khổ của họ. Theo PGS-TS. Đinh Phương Duy (nguyên Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM), diễn biến tại các phiên tòa nhiều lúc mang tính chất khôi hài. Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa mà cứ như thể vẫn đang là quan chức. Những cách phát ngôn kiểu ‘miệng nhà quan có gang có thép’ là một minh chứng. Qua hình thức tự bào chữa, những lời lẽ hùng hồn thể hiện cái quyền lực bấy lâu nay làm nên tên tuổi họ. Người dân thấy buồn cười khi họ đã là kẻ đang bị xét xử mà vẫn lên giọng dạy đời, nói đạo đức, lẩy Kiều, vẫn nhận rằng mình là người tử tế… (8)
Thanh minh là thú tội! Đại án chồng đại án như trên mà cho đến nay, ĐCSVN vẫn duy trì một phương thức tuyên truyền cũ rích. Đảng yêu cầu các cơ quan báo chí phải phản bác các luận điệu xuyên tạc: đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là ‘đấu đá nội bộ, phe cánh’ (9). Nhìn vào bản chất và rà soát lại diễn biến của vụ việc, TS. Nguyễn Đức Thành thấy toàn bộ ‘dây chuyền tham nhũng’ đã được chuẩn bị rất công phu, có mục tiêu định hướng được thiết kế rõ ràng, và được thực hiện qua các công đoạn đầy đủ theo quy trình pháp lý, cũng như việc xây dựng tính chính danh qua hệ thống truyền thông chính thống. Với tính chất quy mô và bài bản như vậy, có thể nói đây là một bằng chứng cho thấy tham nhũng của Việt Nam đã tiến từ giai đoạn tham nhũng hành chính và tham nhũng chính sách sang một giai đoạn mới, có tính chất hoàn toàn khác, là lũng đoạn nhà nước (state capture) (10). Với một con bệnh ung thư như thế, mà Đảng chỉ ‘xức dầu gió’ thì kể cũng lạ!
Tham khảo:
(1) https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-chong-tham-nhung-kho-vi-ta-tu-danh-ta-334382.html
(4) https://vietnamthoibao.org/vntb-phan-quoc-viet-co-ly-trong-bai-tu-bao-chua-truoc-toa-quan-su/
(5) /a/chuyen-bay-giai-cuu-va-tham-nhung-co-tinh-dang-/7204626.html
(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/corrupt-leaders-12252023075235.html
(8) https://nguoidothi.net.vn/tu-vu-an-viet-a-va-chuyen-bay-giai-cuu-su-my-mieu-cua-toi-ac-40752.html