Quyết định của Ấn Ðộ bãi bỏ các cuộc đàm phán với Pakistan gây trở ngại cho việc cải thiện bang giao đã bắt đầu cách đây 3 tháng khi một chính phủ mới theo chủ trương dân tộc Ấn giáo lên nắm quyền ở New Delhi. Từ thủ đô Ấn Ðộ, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật.
Ấn Ðộ bãi bỏ các cuộc đàm phán giữa các vị ngoại trưởng của hai nước sau khi Cao Ủy Pakistan ở New Delhi, ông Abdul Basit hội kiến một thủ lãnh ly khai Kashmir hồi hôm qua trước những lời cảnh báo gay gắt của các giới chức Ấn Ðộ rằng sự kiện này sẽ gây phương hại đến cuộc đối thoại.
Cao Ủy Pakistan họp với các lãnh tụ ly khai khác ở Kashmir hôm nay, làm tăng thêm phần phẫn nộ ở New Delhi. Trong khi cuộc họp diễn ra, những người hoạt động đã tổ chức các cuộc biểu tình ầm ĩ bên ngoài Phủ Cao Ủy Pakistan.
Các chính phủ Ấn Ðộ trước đây cũng đã phản đối các cuộc giao tiếp giữa các nhà ngoại giao Pakistan và các phần tử ly khai Kashmir, nhưng vẫn dung túng các cuộc hội kiến đó.
Tuy nhiên, ông Neelam Deo, một nhà cựu ngoại giao và giám đốc của tổ chức nghiên cứu Gateway House ở Mumbai, nói rằng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã chuyển đi một thông điệp rõ ràng rằng Pakistan phải chọn lựa giữa việc đàm phán với chính phủ Ấn Ðộ hay với các phần tử ly khai.
Ông Deo nói: “Ðó là một điều rất thiếu thân thiện mà Pakistan đã luôn luôn làm và đó là một phần lý do vì sao mối bang giao không thể tiến tới. New Delhi đã bày tỏ lập trường rõ ràng cho phía Pakistan. Phía Pakistan chọn đường lối khiêu khích sau khi đã được New Delhi khuyến cáo họ sẽ làm gì trong các tình huống ấy. Vậy thì nội dung và giọng điệu của các cuộc đàm phán lẽ ra sẽ ra sao?”
Pakistan tỏ ý ngạc nhiên trước sự phản đối gay gắt của Ấn Ðộ trước các cuộc hội ý với phe ly khai Kashmir, và nói rằng đây vẫn từng là tập tục thông thường trước khi diễn ra bất cứ cuộc đối thoại nào giữa New Delhi và Islamabad.
Cú đánh vào các triển vọng hòa bình diễn ra 3 tháng sau khi Thủ tướng Nawaz Sharif tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Modi, nâng cao hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước kình địch ở Nam Á.
Các cuộc đàm phán vào tuần tới lẽ ra nhằm thảo luận hướng đi sắp tới giữa hai nước, mà cuộc đối thoại hòa bình đã bị khựng lại vì những vụ tấn công khủng bố năm 2008 ở Mumbai.
Chuyên gia về Nam Á, ông S.D. Muni, thuộc Viện Nghiên Cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi, cho rằng nối lại các cuộc đàm phán sẽ tùy thuộc vào việc Pakistan không đưa vấn đề nhạy cảm về Kashmir ra trước tiền trường. Nhưng ông nói sự kiện này có thể khó khăn vào một thời điểm mà Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đang chịu áp lực nặng từ phía các đối thủ trong nước.
Ông Muni cho biết: “Tôi vẫn coi đó là một chổ mấp mô, chứ không phải là một nguy cơ nghiêm trọng, nhưng phần lớn chỗ mấp mô đó sẽ tùy thuộc vào việc liệu Pakistan có sẽ tiếp tục vượt qua những lằn ranh đỏ rất nhạy cảm và chính phủ bị chế ngự bởi phe Ấn giáo này sẽ không có khả năng chịu đựng trong nội bộ.”
Các nhà phân tích như ông Neelam Deo tỏ ý lạc quan rằng hai đối thủ sẽ để ngỏ cho các kênh thông tin liên lạc khác.
Ông Deo nói: “Tôi nghĩ rằng sẽ có một hình thức tiếp nối tiến bộ trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về các vấn đề thương mại, hy vọng là về việc Ấn Ðộ cung cấp điện lực cho Pakistan. Nếu những việc ấy tiếp tục xúc tiến, thì điều đó sẽ quan trọng hơn so với sự ầm ĩ của mối bang giao.”
Quyết định bãi bỏ đối thoại được đưa ra vào một thời điểm khi Ấn Ðộ tố cáo Pakistan về một loạt những vụ vi phạm ngưng bắn ở Kashmir trong những ngày vừa qua. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Ðộ Arun Jaitley đã gọi những vụ vi phạm đó là “cố ý.”
Kashmir bị chia cắt giữa hai nước và đã từng là ngòi châm cho 2 trong 3 cuộc chiến tranh giữa hai bên.