Tước Nguyễn
Trước tiên xin chia sẻ với các bạn (nhất là các bạn Phật tử) chưa có may mắn được ghé thăm nơi rất linh thiêng của Phật giáo.
Theo sử Phật giáo, núi Linh Thứu - Gijjhakuta - là nơi Đức Phật lưu trú bảy năm và giảng những bài kinh quan trọng cho người và chư thiên. Cũng tại nơi đây, theo truyền thuyết, trong một buổi giảng pháp, Đức Phật cầm một đóa hoa, nhìn đại chúng mà không nói gì; chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Chuyện này đời sau gọi là “Niêm Hoa Vi Tiếu”, và được diễn giải là: “Khi Đức Phật đưa cành hoa lên (niêm hoa) và ngài Ca Diếp mỉm cười (vi tiếu) là biểu thị cho pháp môn lấy tâm truyền tâm, một pháp môn siêu ngôn ngữ, siêu văn tự. Trong pháp môn này chỉ có sự giao cảm, sự rung động giữa hai tâm thức Thầy và Trò, và hai tâm thức này đã đồng nhất. Đó là cái tâm vi diệu Niết bàn.”
Ca Diếp về sau trở thành truyền nhân của Đức Phật, được xem là Tổ thứ nhất của Thiền Tông.
Trên đường lên đỉnh Linh Thứu, có những hang động được cho là nơi tu của các đệ tử Phật như A Nan, Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phật… Bây giờ thì chúng ta mới thấy chứ cách đây 800 năm sư Pháp Hiển đã ghé và 200 năm sau đến lượt sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) cũng đã ghé khi ngài trên đường đến đại học Nalanda.
Cũng nơi đỉnh núi này, treo truyền thuyết, Đức Phật giảng pháp cho hàng ngàn người. Thực tế ngày nay chỉ là một sân gạch vuông chứa được tối đa 30 người (nói nôm na là khoảng một cái patio sau nhà). Nhưng chính nơi đây, nơi cái sân gạch tí xíu này, đã phát sinh một luồng tư tưởng vĩ đại còn tồn tại đến ngày hôm nay, hơn 2,600 năm. Hay nói cách khác, ngày nào còn con người thì luồng tư tưởng này sẽ còn tồn tại vì nó xoay chung quanh vấn đề “Con Người và Nổi Khổ”.
Đối với khách thập phương muốn đến thăm di tích này, nên nhớ là lên hay xuống núi, nếu cần, thì có người khiêng.