Ấn Độ du ký: Xứ sở của sắc màu

Hình: Tước Nguyễn

Tước Nguyễn


Ấn Độ là một xứ lớn, lớn đến nỗi nó còn có tên gọi là “tiểu lục địa.” Là một nước lớn, nhưng còn nghèo, Ấn Độ còn đầy rẫy những nghịch lý. Rõ nhất là có nơi sạch đẹp, có nơi dơ xấu. Hai bang mà tôi ghé thăm là Bihar và Utta Pradesh là hai bang nghèo nhất xứ Ấn nên chuyện dơ xấu là… đương nhiên.

Di chuyển nơi đây không có freeway, toàn đường quốc lộ đầy ổ gà, xe chạy trung bình 40-50 km/giờ. Bụi mịt mù, đường phố thì khá nhiều rác. Được một chuyện là tài xế Ấn không bia rượu (lý do tôn giáo) nên khá yên tâm. Không nghe còi xe ầm ỉ như ở Việt Nam. Cũng có tai nạn xe cộ, nhưng phần lớn gây ra bởi mấy … chú bò. (Tôi sẽ đề cập đến hình ảnh Bò trong văn hóa xứ Ấn ở cuối bài này).

Hình: Tước Nguyễn

Vệ sinh là vấn đề cần quan tâm nhất tại xứ này, nhất là nước uống. Bà con được khuyến cáo không nên đánh răng bằng nước trong vòi, trừ khi ở khách sạn 4, 5 sao. Đi đường ban đêm nên có đèn pin để khỏi… đạp phân súc vật. Với tất cả những bất tiện ấy, không hiểu sao, Ấn Độ là xứ duy nhất mà tôi – trong vai trò một du khách – vẫn muốn trở lại.

Hình: Tước Nguyễn

Bia bọt và cà phê là “chuyện nhỏ” ở những xứ như Mỹ, Việt Nam, nhưng lại là “chuyện khó” bên xứ Ấn. Bên Việt Nam, cứ bước chân ra ngõ là thấy quán nhậu hay hàng cà phê. Mấy hàng này bên Ấn tìm không ra (trừ khu du lịch / hotel sang trọng tại những thành phố lớn). Khách muốn mua bia phải lùng trong mấy tiệm tạp hóa (mà cũng “5 ăn 5 thua”). Người Ấn thường uống trà sữa trong mấy quán cóc mà thôi. Còn về thuốc lá thì đàn ông Ấn ít hút (có thể do giá khá mắc so với thu nhập của họ, nhưng nếu tặng họ một điếu thì họ rất quí). Ngược lại, họ thường nhai trầu bõm bẽm như đàn ông Miến Điện.

Hình: Tước Nguyễn

Bước sang chuyện ăn uống. Trong thời gian bên Ấn, tôi chỉ (được) ăn thịt gà và rau củ nấu cà ri. Nhiều người không ăn được vì cho rằng cà ri quá nặng mùi. Nhưng với tôi thì… ok. Rau củ ngoài chợ rất tươi tốt, chắc chắn không xài hóa chất của Trung Quốc nhưng bà con nên rửa thật kỹ trước khi ăn. Lý do: Nông dân Ấn vì không có nhà vệ sinh nên... ị đồng (sáng sớm thấy ai xách trên tay một thùng nước ngoài đồng là … chính hắn). Đây cũng là vấn đề nhức đầu cho người dân và chính phủ. Thống kê cho biết hơn 600 triệu dân Ấn... ngồi đồng làm thơ vào buổi sáng.

Hình: Tước Nguyễn

Về chuyện buôn bán, nếu để ý thì chúng ta thấy hơn 90% người bán hàng ngoài chợ là… đàn ông. Nhiều cô chú Việt Nam lớn tuổi lần đầu đặt chân vào chợ tỏ ra ái ngại vì không khí mùi vị màu sắc chung quanh, nhưng thật ra đây là thiên đường cho những ai thích chụp hình (nhất là thể loại street photography). Về trái cây thì chỉ thấy lựu, chuối, táo và xoài (tương truyền, xoài đã có từ thời Đức Phật).

Hình: Tước Nguyễn

Đi chơi xứ Ấn không sợ bị … giật đồ như ở Việt Nam. Nhưng xứ này có nhiều người ăn xin. Người Việt chúng ta có tâm lý chung là hay mủi lòng trước người nghèo khổ, nhất là đang khi đi hành hương, nên thường hào phóng với người xin ăn. Tôi xin can, đừng bao giờ để “lòng chợt Từ Bi bất ngờ,” vì khi bạn cho một người, 30 giây sau bạn sẽ bị bao vây bởi vài chục người ăn xin khác. Cứ tưởng tượng bạn bị vây chung quanh bởi nhóm người rách rưới dưới trời nóng gắt và trước mặt sau lưng bạn là “hàng ngàn cánh tay vươn lên.” Nếu bạn muốn cho, hãy chọn đối tượng, xẹt ngang thật nhanh và dúi quà/tiền vào tay họ rồi … dzọt thật nhanh.

Hình: Tước Nguyễn

Nếu chuyện xếp hàng nơi công cộng được mang ra để xét về mặt lịch sự và ứng xử của con người, thì có thể nói, người Ấn không lịch sự. Ví dụ, khi vào phi trường, chỉ có một cửa vô mà hành khách lại đổ vào từ 4 phương 8 hướng, lúc này thì “ông chen tui cũng đẩy, ông nhích tui cũng lắc,” và cuối cùng ông và tui đều lọt qua cửa. Nên nhớ: Chớ bao giờ theo phép lịch cười nhỏ nhẹ nhường cho người khác (dù đó là Hoa hậu Thế giới) vì làm vậy là bạn hại nhóm người sau lưng bạn và dĩ nhiên họ sẽ chửi bạn “tắt bếp.”

Hình: Tước Nguyễn

Điều tôi thích nhất ở xứ Ấn là chụp hình! Ấn Độ là 1 xứ sở của màu sắc, nên khi có dịp ghé thăm bạn nên chụp thật nhiều hình. Hãy chụp như thể ngày mai bạn sẽ… chết. Chụp khi ngồi trên xe, chụp khi đi ngoài đường. Thường thì khi chụp thể loại Street Photography, tôi thường set “P” (program mode, ISO: 400…) vì không quen với nguồn sáng. Đừng loay hoay với “Manual mode” vì bạn sẽ mất cái gọi là “Golden Moment”. Nói vậy vì có bạn nói với tôi là chụp M mode mới “Pro”. Tôi thì để máy lo (vì tôi tin mình không nhạy bằng máy), cá nhân tôi thì lo phần bố cục và góc cạnh. Đừng quan tâm nhiều đến Noise, Sharpness. Lo có hình trước, mọi chuyện tính sau.

Hình: Tước Nguyễn

Lưu ý: Đi Ấn vào tháng 9/10 (tùy năm) thì có lễ hội DIWALI (lễ hội Ánh Sáng) rất lớn và đẹp.

Để kết thúc bài này, tôi xin trở lại với đề tài đã nói ở trên: Hình ảnh con bò trong văn hóa, tôn giáo Ấn Độ.

Thật khó có thể trả lời gọn ơ “Yes or No” trước câu hỏi, ở Ấn Độ, Bò là một vị thần hay chỉ là một … con bò.

Hãy thử xem xét con bò dưới (ít nhất) 3 khía cạnh: Tôn giáo, chính trị, và kinh tế.

Hình: Tước Nguyễn

Tôn Giáo: hơn 80% dân Ấn theo Ấn giáo. Ấn giáo thờ 3 vị thần tối cao, là thần Shiva (thần Hủy Diệt), thần Brahma (thần Sáng Tạo) và thần Vishnu (thần Bảo Hộ). Thần Shiva dùng con Bò đực (nandi – bull) là vật cởi. Có lẽ nhờ là “tài xế riêng” của vị thần cao cấp này và có lý lịch tốt nên Bò nhảy phóc từ con vật lên vị trí được thờ phụng gọi là Thần Bò. Ngoài việc thờ Bò, tín đồ Ấn giáo thờ nhiều con vật khác, như chuột, voi, khỉ… Vậy, về mặt tôn giáo, Bò được xem là 1 vị Thần.

Hình: Tước Nguyễn

Về phương diện chính Trị, vì đa số dân Ấn theo Ấn giáo thờ Bò nên các chính trị gia phải làm họ vui lòng hầu… kiếm phiếu. Mới đây, thủ tướng Narendra Modi đưa ra dự luật “cấm giết bò”, đóng của nhà sát sanh cho dù ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm của hàng triệu người. Về mặt chính trị, Bò được xem là “Vật thiêng liêng”

Hình: Tước Nguyễn

Kinh Tế: Bò đem lại nguồn lợi căn bản cho dân Ấn: Da bò, sữa bò, nước tiểu bò và phân bò. Vì vậy bò được xem như một “saving account” – trương mục tiết kiệm. Bò cái được chuộng hơn bò đực vì cho sữa và sanh bê con; bò đực thì chỉ kéo cày hay kéo xe. Nhưng khi bò đực hết xí quách mà nuôi thì tốn tiền, chịu không thấu nên người ta cho bò đực đi rong tự kiếm ăn ngoài đường ở mấy đống rác. Có thể nói, về mặt kinh tế, Bò được xem là… “Con Bò”.

Hình: Tước Nguyễn

Trong bài sau, cũng là bài cuối của loạt Ấn Độ Du Ký này, tôi sẽ nói về các sinh hoạt xung quanh sông Hằng, con sông quan trọng nhất trong đời sống văn hóa, tâm linh và tinh thần của người Ấn Độ.

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn