Ấn Độ, TQ thảo luận tăng cường thương mại, tranh chấp biên giới

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt tay với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj tại cuộc họp ở New Delhi, ngày 8/6/2014.

Hai vị ngoại trưởng của Ấn Độ và Trung Quốc đã thảo luận về việc giảm thiểu căng thẳng ở biên giới và tăng cường hợp tác kinh tế trong cuộc họp ở New Dehli. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Parischa của đài VOA tại thủ đô Ấn Độ, đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai cường quốc Á châu kể từ khi Ấn Độ có chính phủ mới.

Sau cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp phía Ấn Độ Sushma Swaraj, các giới chức Ấn Độ cho biết hai nước đồng ý với nhau là quan hệ kinh tế song phương có những tiềm năng vô cùng to lớn chưa được khai thác.

Ông Gautam Bambawale của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Ông Bambawale nói: “Hai vị ngoại trưởng đã thảo luận về những cách thức để thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ thông qua việc thành lập các khu công nghiệp. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nói rằng chính phủ Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ cho công cuộc phát triển kinh tế của Ấn Độ.”

Các giới chức Ấn Độ nói rằng sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc sẽ góp phần thu hẹp mức chênh lệch rất lớn trong hoạt động thương mại song phương. Ấn Độ nói rằng nhập siêu của họ với Trung Quốc đã từ 1 tỉ đô la của mười năm trước tăng lên tới mức hơn 30 tỉ đô la.

New Dehli muốn Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào các khu vực cơ sở hạ tầng và chế tạo, là hai khu vực mà Trung Quốc phát triển mạnh trong lúc Ấn Độ còn thiếu thốn.

Thủ tướng Ấn Ðộ muốn tăng cường giao thương với Trung Quốc trong lúc ông tìm cách thực hiện lời cam kết khi vận động tranh cử là chấn hưng kinh tế đất nước


Các nhà quan sát chính sách đối ngoại ở Ấn Độ dự kiến Thủ tướng Narendra Modi sẽ tăng cường giao thương với Trung Quốc trong lúc ông tìm cách thực hiện lời cam kết khi vận động tranh cử là chấn hưng kinh tế đất nước.

Trước khi tới Ấn Độ, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bày tỏ sự tin tưởng đối với tương lai của Ấn Độ trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Hindu và nói rằng chuyến viếng thăm của ông sẽ chú trọng vào việc củng cố mối quan hệ hữu nghị hiện có và tìm kiếm cơ hội cho sự hợp tác trong tương lai.

Nhưng vấn đề làm cho quan hệ giữa hai cường quốc Á châu bị căng thẳng cũng nằm cao trong nghị trình thảo luận – (đó là) vụ tranh chấp lâu năm về vấn đề biên giới ở Hy Mã Lạp Sơn. Vụ tranh chấp này vẫn chưa được giải quyết mặc dù đôi bên đã thương thuyết với nhau trong nhiều năm qua. Trong năm 2013 căng thẳng đã gia tăng vì những vụ xâm nhập của binh sĩ Trung Quốc vào phần đất mà Ấn Độ cho là lãnh thổ của mình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin, cho biết một số cuộc viếng thăm cấp cao sẽ diễn ra trong năm nay, trong đó có chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc tới Ấn Độ.

Ông Akbaruddin nói: “Như người Trung Quốc vẫn thường nói ‘Chuyến đi ngàn dặm bắt đầu bằng một bước,’ và bước đó đã được thực hiện ngày hôm nay bởi chính phủ mới của Ấn Độ và chính phủ Trung Quốc.”

Trong lúc nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ ở New Dehli, những nhân vật tranh đấu người Tây Tạng đã tổ chức các cuộc biểu tình tại một khu vực ở New Dehli có nhiều người Tây Tạng tị nạn.

Người dân Tây Tạng biểu tình phản đối chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở New Delhi, Ấn Độ.


Những người biểu tình, như ông Tenzing Chodar của Nghị hội Thanh niên Tây Tạng, cho biết họ muốn Ấn Độ nắm giữ một vai trò lớn hơn trong cuộc tranh đấu của họ.

Ông Chodar cho biết: "Chúng tôi tới đây để nâng cao nhận thức về Tây Tạng và để thúc giục Thủ tướng Modi nói tới vấn đề Tây Tạng, nêu lên vấn đề Tây Tạng khi ông gặp ngoại trưởng của Trung Quốc."

Những người Tây Tạng tị nạn thường tổ chức những cuộc biểu tình phản kháng như vậy khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đến thăm Ấn Độ, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong và là nơi đặt trụ sở chính của chính phủ Tây Tạng lưu vong.

Các nhà lãnh đạo Tây Tạng ở Ấn Độ mới đây đã phát động một chiến dịch mới để đòi cho quê hương của họ ở Trung Quốc được tự trị nhiều hơn và họ hy vọng nhận được thêm sự hỗ trợ của tân Thủ tướng Modi.