Ăn trộm chữ nghĩa

Bà Claudine Gay, chủ tịch Đại học Harvard, nay đã từ chức.

Thế nào là phạm lỗi đạo văn? Trên tạp chí Nature, ngày 11 tháng 1 năm 2024, Jeff Tollefson nêu một định nghĩa của chính phủ Mỹ: “plagiarism” là “lấy ý kiến, lời lẽ, quá trình (nghiên cứu), hay kết quả (nghiên cứu) của người làm như của mình, mà không ghi rõ nguồn xuất xứ.”

Người mình thường dùng chữ “đạo văn,” tạm dịch là “ăn trộm chữ nghĩa,” khi ai chép văn, thơ người khác và nhận là của mình.

Chuyện đạo văn mới gây sôi nổi trên báo chí, diễn đàn quốc hội, và các đại học ở Mỹ, vì dính líu đến các Đại học Harvard và M.I.T., thuộc hàng uy tín cao nhất. Bà Claudine Gay, chủ tịch Đại học Harvard đã từ chức sau những cáo buộc “đạo văn” (plagiarize) (mặc dầu có nhiều tranh cãi từ nhiều phía về việc này. Dưới đây sẽ nói rõ hơn.) và có đại biểu đòi quốc hội mở cuộc điều tra. Tỷ phú Bill Ackman là người cực lực chỉ trích, kết tội và yêu cầu bà từ chức. Sau đó, có tờ báo tiết lộ Neri Oxman, một giáo sư M.I.T. cũng“đạo văn.” Bà Oxman, là vợ của ông Ackman, đã công nhận mình có phạm lỗi.

Thế nào là phạm lỗi đạo văn? Trên tạp chí Nature, ngày 11 tháng 1 năm 2024, Jeff Tollefson nêu một định nghĩa của chính phủ Mỹ: “plagiarism” là “lấy ý kiến, lời lẽ, quá trình (nghiên cứu), hay kết quả (nghiên cứu) của người làm như của mình, mà không ghi rõ nguồn xuất xứ.”

Theo lối định nghĩa như thế thì Nguyễn Du cũng có thể bị kết tội “đạo văn” nhiều lần. Nhà thơ Phan Mạnh Danh, tác giả cuốn Bút Hoa do Trí Đức Thư Xã Hà Nội xuất bản năm 1942 đã bỏ công tìm ra rất nhiều câu trong Truyện Kiều phảng phất giống các câu thơ cổ.

Thí dụ hai câu đầu: “Trăm năm trong cõi người ta – Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.” Cụ Phan Mạnh Danh (1866-1942) đã dẫn hai câu thơ cổ, ghi rõ xuất xứ, với ý tương tự: “Nhân sự bách niên kham thế lệ (Thi lâm); Toán lai tăng mạnh vị tài đa (Nhi nữ tình). Một thí dụ khác, những câu “Tiếc thay một đóa trà mi - Con ong đã tỏ đường đi lối về,” giống hệt hai câu thơ cổ, “Nhất niên xuân sự đáo trà mi (Đường thi) - Dĩ bị du phong thám đắc tri ( Thi lâm).”

Từ thế kỷ 19, chưa thấy ai kết tội Nguyễn Du đạo văn! Có lẽ vì trong văn hóa phương Đông người ta thấy “ở đời muôn sự của chung;” không coi trọng “quyền sở hữu tri thức.” Tình cờ viết những câu giống đời trước, là chuyện bình thường, những ý tưởng đó trước sau sẽ có người nghĩ tới và viết ra.

Ở Mỹ, Viện Khoa Học Quốc Gia (US National Science Foundation) nói khi kết tội “plagiarism” thì phải có bằng chứng người phạm lỗi “cố ý ăn trộm, biết mình ăn trộm nhưng bất chấp.”

Theo tiêu chuẩn của NSF thì không thể kết án Nguyễn Du đạo văn khi cụ mô tả cảnh Kim Trọng trở lại Vườn Thúy, “Trước sau nào thấy bóng người – Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” mặc dù hai câu đó dịch nguyên văn thơ Thôi Hộ, đời Đường, “Nhân diện bất tri hà xứ khứ - Đào hoa y cựu tiếu đông phong.” Nguyễn Du không “cố ý ăn trộm,” bởi vì bài thơ của Thôi Hộ quá nổi tiếng, ai cũng biết, cũng thuộc lòng, làm sao giấu diếm được? Mọi người hiểu tác giả chỉ ghép hai câu thơ cổ vào cho đẹp, chứ không tính ăn trộm. Các nhà thơ Trung Hoa, Việt Nam, cả Nhật Bản và Đại Hàn vẫn tự do dùng “điển cố.” Họ nhắc lại các chuyện cũ (điển) hoặc sử dụng lại các văn ảnh cũ (cố) mà không thắc mắc phải nói đến nguồn gốc.

Trước năm 1975, các huynh trưởng Hướng Đạo Việt Nam muốn được trao huy hiệu “Bằng Rừng” ngành Tráng đều phải nộp một “bài lý thuyết,” bình luận câu “Trên trái đất vốn không có đường, vì có người đi mà có đường.” Ngành Tráng trong Hướng Đạo còn được gọi là Ngành Đường. Trưởng Cung Giũ Nguyên đưa ra đề tài này, ghi đó là văn Lỗ Tấn. Gần đây, một Giáo sư Đại học Harvard là bà Shoshana Zuboff, trong cuốn The Surveillance Capitalism, lại dẫn thi sĩ Tây Ban Nha, Antonio Machado ở trang 34, với câu thơ: “Hỡi kẻ du hành, không có đường, đường là do bạn đi mà thành.”

Lỗ Tấn (1881 – 1936) khi kết thúc truyện ngắn “Cố Hương” bằng câu trên mà không chú thích tác giả là Trang Tử (369-288 trước Công Nguyên): “Đạo hành chi, nhi thành.” Có phải Lỗ Tấn cũng đạo văn không? Không. Vì những người “biết chữ” ở Á Đông đều biết Trang Tử khởi ý tưởng đó, Lỗ Tấn không cần nhắc lại. Và Antonio Machado (1875-1939), cùng thời với Lỗ Tấn, càng vô tội, vì chắc ông không đọc Trang Tử.

Câu chuyện ồn ào về tội đạo văn ở Mỹ bùng lên vì lý do chính trị. Sau khi Israel tấn công quân Hamas trong giải Gaza, các viện trưởng Claudine Gay, Harvard; Elizabeth Magill, Đại học Pennsylvania và Sally Kornbluth, Massachusetts Institute of Technology (MIT) được mời ra quốc hội để hỏi về các cuộc biểu tình chống Israel trong trường. Họ đều nói đến quyền tự do phát biểu của sinh viên, biểu tình là một cách phát biểu ý kiến. Nhưng sau khi trả lời câu hỏi chính, họ không nói thêm, không lên án nạn “kỳ thị Do Thái” được phát động hoặc ẩn tàng trong các vụ biểu tình trên.

Nhiều dân biểu lên án, coi như ba người dung dưỡng tinh thần “kỳ thị Do Thái!” Thế là có người nhảy vào. Tỷ phú Bill Ackman tố cáo bà Gay thêm tội “đạo văn” trong luận án tiến sĩ của bà. Ông còn dọa sẽ đưa bằng cớ cho thấy Sally Kornbluth, viện trưởng MIT và các giáo sư trường này cũng đạo văn!

Đại học Havard nhờ một ủy ban gồm những người bên ngoài duyệt lại luận án Ph.D. của bà Gay, họ đã xác nhận bà không phạm lỗi đạo văn. Trong luận án tốt nghiệp, bà đã viết lại hai câu của Stephen Voss, một giáo sư Đại học Kentucky mà không nói xuất xứ. Ông Voss đã từng làm việc chung với bà Gay tại Harvard và cố vấn cho bà về các phương pháp thống kê học, nói rằng bà Gay dùng các ý tưởng của ông là điều tự nhiên, bà chỉ ghi lại các điều đã được khám phá trong ngành nghiên cứu, và chỉ quên không nhắc đến tên tác giả, một lỗi rất nhẹ.

Bà Claudine Gay từ chức, dư luận hướng vào bà Neri Oxman, vợ ông Ackman và cựu giáo sư MIT. Có người nêu ra rằng luận án Ph.D. của bà viết hàng “trăm chữ” lấy từ sách Physics World năm 2000, lấy cả nhiều câu trong Wikipedia, mà không ghi nhận. Bà Oxman phân trần, “Trong khi viết một luận án 330 trang, tôi đã quên không ghi mấy chú thích và không đặt trong dấu ngoặc kép chứng tỏ là trích dẫn. Nếu hồi đó, năm 2009, có phần mềm Trí khôn Nhân tạo (A.I.) thì tôi đã (nhờ A.I. kiểm soát và) không phạm lỗi đó.”

Những người chống đối bà Gay và bà Oxman chỉ nêu ra những lỗi nhỏ, những sơ xuất như không nêu xuất xứ, nhưng không ai nói rằng các bà đã “ăn trộm” các ý kiến chính trình bày trong luận văn của họ.

Trong hai chục năm qua trí khôn Nhân tạo (A.I.) với kho dữ liệu rộng lớn (database), có thể giúp tìm ra những câu văn trùng hơp, một dấu hiệu “đạo văn,” trong tất cả các tạp chí nghiên cứu khoa học cũng như các từ điển chuyên môn. Retraction Watch, và Center for Open Science and Data Colada là hai mạng chuyên môn làm công việc này với những kho dữ liệu chứa vô vàn các bài nghiên cứu khoa học thuộc đủ mọi ngành. Nhờ dùng Trí khôn Nhân tạo (A.I.) nên đã tìm thấy nhiều bài nghiên cứu cần phải sửa, rút lại các đoạn vay mượn ý kiến mà không ghi xuất xứ. Theo tạp chí Nature, năm 2010 khi Retraction Watch bắt đầu hoạt động, chỉ có 400 bài nghiên cứu bị rút lại; đến năm 2023 đã lên tới 10,000 bài.

Nhưng Trí khôn Nhân tạo không phân biệt được những đoạn văn trùng hợp không đáng chú ý với những đoạn chứa đựng các ý kiến chính yếu đặc biệt. Cũng có thể sử dụng để “đạo văn” mà không bị bắt, vì A.I.có khả năng viết lại dễ dàng, nhanh chóng, các ý chính trong một đoạn văn dưới hình thức khác.

Như hầu hết các phát minh, sáng kiến, việc dùng A.I. đưa đến kết quả nào còn tùy thuộc người sử dụng.