Thái Lan đang kêu gọi các giới chức Myanmar ngăn chặn những cuộc biểu tình phản đối bản án tử hình mà một tòa án Thái Lan tuyên cho hai công nhân di trú người Miến Điện hồi tuần trước. Từ Bangkok, thông tín viên Steve Herman của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai hôm 28/12 cho báo chí biết rằng các giới chức Bangkok đã tiếp xúc với các nhân vật tương nhiệm phía Myanmar trong lúc các cuộc biểu tình lan ra khỏi thủ đô.
Thứ Năm vừa qua, một tòa án Thái Lan ra phán quyết cho rằng hai công nhân di trú người Miến Điện can tội giết chết một cặp vợ chồng trẻ người Anh tại một hòn đảo du lịch. Vụ án này gặp phải sự chỉ trích của các chuyên gia pháp lý và các tổ chức nhân quyền trong lúc có tố cáo cho rằng bằng chứng nối kết hai bị cáo với vụ giết người là không đầy đủ hoặc bị hoen ố.
Kể từ thứ 7, những vụ biểu tình của những người Miến Điện đã làm cho giới hữu trách Thái Lan đóng cửa một số cửa khẩu biên giới.
Một nhà sư tại Tu viện Rakhine gần Cửa khẩu Ba Chùa, ông Oakkan Tha, hôm 28/12 nói với đài VOA: “Chúng tôi sẽ tới đây và biểu tình mỗi ngày cho tới khi họ có được công lý và được trả tự do”.
Thái Lan cũng ngưng cung cấp các dịch vụ lãnh sự tại sứ quán ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar.
Anh Khine Wai Linn, một sinh viên Miến Điện biểu tình trước sứ quán Thái Lan hôm Chủ nhật, nói: “Chúng tôi không thể chấp nhận việc hai thanh niên Miến Điện bị tuyên án tử hình mặc dù họ không pham tội sát nhân. Cách đối xử của Thái Lan với những công nhân di trú người Miến Điện hoàn toàn không công bằng”.
Những người biểu tình hôm 27/12 cũng tới tư thất bên hồ của bà Aung San Suu Kyi ở Yangon để yêu cầu bà can thiệp với nhà chức trách Thái Lan.
Một giới chức cấp cao của Liên minh Dân chủ toàn quốc, ông Win Htein, nói vị nữ chủ tịch này sẽ giúp cho các bị cáo có được công lý.
Nhật báo Ánh sáng Mới của Miến Điện do chính phủ làm chủ cho biết Tư lệnh Quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlain, đã yêu cầu Thái Lan xem xét lại những bằng chứng trong vụ án.
Tập đoàn quân nhân Thái Lan bênh vực quyết định của tòa án
Những vụ phản kháng rõ ràng là đã gây tức tối cho người đứng đầu tập đoàn quân nhân cầm quyền ở Thái Lan. Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha nói rằng bản án phải được tôn trọng. Hôm 28/12, ông nói với các nhà báo: “Chẳng lẽ chúng tôi phải thả tất cả mọi người khi gặp phải áp lực hay sao?”.
Ông Prayuth cũng cho biết hai bị cáo này có quyền kháng cáo.
Hội đồng Luật sư Thái Lan đã đại diện cho hai bị cáo Zai Lin và Wai Phyo, cả hai đều ở lứa tuổi 22, theo thỉnh cầu của sứ quán Myanmar. Họ kêu gọi những người ủng hộ bình tĩnh và tin vào tiến trình kháng cáo của hệ thống tư pháp Thái Lan.
Các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập giữa lúc có nhiều sự nghi ngờ về những bằng chứng mà giới hữu trách Thái Lan dùng để kết tội hai bị cáo.
Hai công nhân này làm việc tại một quán bar trên đảo Koh Tao. Họ đã rút lại lời thú tội là đã giết chết cặp vợ chồng người Anh vào tháng 9 năm 2014.
Ông Andy Hall, một nhà tranh đấu nhân quyền người Anh làm việc tại Thái Lan, hôm 28/12 đã vào nhà giam để thăm hai bị cáo này. Ông cho biết hai thanh niên này nói: “Chúng tôi vô tội và chúng tôi không hề dính líu tới tội ác ghê rợn này. Chúng tôi không giết người. Chúng tôi muốn được tự do”.
Hai bị cáo này nói rằng họ bị tra tấn nên phải thú tội, và bị các nhân viên điều tra dọa giết sau khi họ bị bắt hai tuần sau khi xảy ra vụ án mạng.
Cảnh sát nói họ không hề có hành vi cưỡng ép và bênh vực cho kết quả điều tra dựa trên bằng chứng DNA tìm thấy tại hiện trường.
Thiếu tướng cảnh sát Pyiaphan Pingmuang hôm 27/12 nói với báo chí ở Bangkok “bằng chứng DNA không thể nói láo”.
Ông cũng cho rằng những nhóm mà ông không nêu tên đã khích động biểu tình để tìm cách chính trị hóa vụ án.