Tổ chức Ân xá Quốc tế nói cảnh sát và các lực lượng an ninh Nigeria thường xuyên tra tấn những người trong trại giam, nhiều người trong số đó bị bắt mà không có chứng cứ trong suốt các cuộc càn quét quy mô lớn.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói tra tấn đã trở thành thói quen làm việc của cảnh sát và các lực lượng an ninh Nigeria.
Giám đốc Vận động và Nghiên cứu châu Phi của Ân xá Quốc tế, ông Netsanet Belay nói:
“Mức độ, quy mô của bạo hành mà chúng tôi đang thấy là khá cao… Không thể hiểu được là cấp chỉ huy không nhận thức được điều này. Vấn đề rất hiển nhiên, rõ ràng, không thể làm ngơ, do đó chúng tôi cho là hệ thống đã thất bại và các giới chức cấp cao nhất đã không giải quyết được vấn đề”.
Ông cho biết Ân xá Quốc tế đã ghi nhận 12 loại tra tấn phổ biến:
“Đánh đập bằng roi da và báng sung, dao phay, dùi cui, gậy. Nhưng chúng tôi cũng thấy có một tỷ lệ thịnh hành về các phương pháp bạo hành hơn như trói tay, chân người bị bắt giữ vào một thanh sắc và treo họ lên một cái xiên, rút móng tay và bắn vào chân, đặc biệt là bởi quân đội”.
Ân xá Quốc tế cho biết phụ nữ bị giam giữ còn bị tấn công tình dục. Những người bị “biệt giam”, không được tiếp xúc với luật sư hay người thân trong gia đình.
Ân xá Quốc tế nói ở vùng Đông Bắc, các lực lượng an ninh Nigeria đã bắt giam đến 10.000 người, bao gồm trẻ em nhỏ 12 tuổi, kể từ năm 2009.
Ông Belay cho biết các cuộc điều tra rất chậm chạp và đôi khi không tồn tại. Những người bị giam giữ ở trong những điều kiện cực kỳ thiếu thốn ở các cơ sở quân sự.
“Những người bị bắt giữ tùy tiện và bị giam mà không có chứng cớ phải chờ một thời gian rất dài để được xóa tội. Trong quá trình đó, hầu hết trong số họ chết hoặc phải chịu các hình thức tra tấn khác nhau, kể cả giết không qua thủ tục pháp lý”.
Ông Belay cho biết tình trạng này tệ hại hơn kể từ khi có tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 5 năm 2013 cho quân đội quyền bắt giữ các thường dân như là một phần của việc săn lùng Boko Haram.
Đây không phải là những cáo buộc mới. Vào tháng 8, Ân xá Quốc tế và đài VOA đã công bố một đoạn phim được quay độc lập và được thực hiện bằng nhiều phương tiện khác nhau về các lực lượng an ninh và các binh sĩ đồng minh ở vùng Đông Bắc tra tấn những người bị giam giữ.
Phát ngôn viên của chính quyền Nigeria Labaran Maku nói phúc trình của Ân xá Quốc tế công bố hôm thứ Năm là một phần của chiến dịch bôi nhọ:
“Ân xá Quốc tế liên tục, trong quá trình của cuộc nổi dậy này, tìm cách làm hoen ố hình ảnh của Nigeria, hoen ố hình ảnh của các lực lượng vũ trang của chúng tôi. Tổ chức này luôn luôn đưa ra những phúc trình đã được soạn sẵn”.
Ông nói rằng có những biện pháp hiệu quả được đưa ra cho chỉ huy cấp cao của quân đội để giải quyết bạo hành.
Ân xá Quốc tế nói tra tấn mà được miễn trừ tội là một thực tế trên khắp cả nước, chứ không chỉ giới hạn ở vùng Đông Bắc.
Tổ chức này cho biết đã phỏng vấn hàng trăm người bị bắt giữ trong suốt thập niên vừa qua và đã đến các trạm cảnh sát và nhà tù trên khắp cả nước. Các nhà nghiên cứu nói cảnh sát thiếu khả năng điều tra các tội phạm như cướp bóc và thay vào đó thường sử dụng tra tấn như là một “lối tắt” để khép lại các vụ án hay để nhận hối lộ.
Ông Belay nói những người vô tội đang thi hành án ở trong tù:
“Vì việc sử dụng tra tấn để lấy lời thú tội khá phổ biến, là một phuơng pháp quen thuộc đặc biệt là với cảnh sát, trong rất nhiều trường hợp, những lời thú tội lấy được từ tra tấn được sử dụng làm một phần của việc truy tố các nghi phạm”.
Bộ Công An phủ nhận điều này và nói rằng họ điều tra bất kỳ trường hợp nào mà họ gọi là “vô nguyên tắc”.
Nigeria đã ký 7 công ước quốc tế chống tra tấn. Hiến pháp nước này cấm điều này, nhưng tra tấn không phải là tội phạm hình sự ở Nigeria.
Ân xá Quốc tế đang kêu gọi các nhà lập pháp Nigeria hình sự hóa tội tra tấn và chính quyền nên tăng cường các biện pháp giám sát như thanh tra thường xuyên các nhà tù để diệt tận gốc bạo hành và bắt các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.