Ân xá Quốc tế công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam 2023

Ân xá Quốc tế(Amnesty International) hôm 23/4/2024 công bố báo cáo nhân quyền ở 155 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hôm 23/4, tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2023, nhận định rằng “giới bất đồng chính kiến tiếp tục bị đàn áp, các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, quyền tự do biểu đạt của họ bị xâm phạm”.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại London, Anh, cũng ghi nhận việc chính quyền Việt Nam ngày càng mở rộng mạng lưới giám sát của mình, với việc sử dụng phần mềm gián điệp để nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính quyền, hoặc bất cứ ai thảo luận các vấn đề được coi là nhạy cảm với lợi ích của chính phủ.

Báo cáo viết rằng kể từ khi Việt Nam tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 2/2021 và sau đó đắc cử cho đến nay, hàng chục nhà báo độc lập, lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ, người bảo vệ nhân quyền và nhiều người khác “đã bị bắt giam một cách tùy tiện”.

Thậm chí việc ông Võ Văn Thưởng lên thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước vào tháng 3/2023 cũng không khiến tình hình nhân quyền của Việt Nam được cải thiện, báo cáo nhận định.

Báo cáo điểm lại các vụ bắt giữ và truy tố trong thời gian qua gồm nhà báo Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng, nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, YouTuber Đường Văn Thái... như là các vụ vi phạm điển hình về quyền tự do biểu đạt.

Liên quan đến án tử hình tại Việt Nam, Ân xá Quốc tế nhận định rằng số liệu về các vụ tử hình và án tử hình vẫn được coi là bí mật quốc gia nhằm ngăn cản sự giám sát độc lập. Tuy nhiên, có ít nhất hai trường hợp gia đình nhận được thông báo về việc người thân bị tử hình hoặc sắp bị tử hình như vụ ông Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh.

Một nghiên cứu của Ân xá Quốc tế phát hiện rằng từ tháng 2 đến tháng 6/2023, một chiến dịch gắn với phần mềm gián điệp Predator của hãng Intellexa đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 50 tài khoản mạng xã hội của 27 cá nhân và 23 tổ chức, một vài trong số đó là người Việt Nam. Predator là một thành phần trong một cơ cấu tấn công trên mạng.

Ngoài ra, Ân xá Quốc tế cũng phát hiện các công cụ của Intellexa đã được bán cho những công ty Việt Nam có liên kết kinh doanh với Bộ Công an. Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy các đặc vụ của chính phủ Việt Nam có thể đứng đằng sau chiến dịch sử dụng phần mềm gián điệp này.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo mới này của Ân xá Quốc tế, nhưng chưa được phản hồi.

Trước đây, các trang báo của nhà nước Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các báo cáo của Ân xá Quốc tế, cho rằng tổ chức này “xuyên tạc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Trong một bài xã luận gần đây, trang Công an Nhân dân của Bộ Công an viết: “Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia, trong đó có nghĩa vụ nội luật hóa, xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với các quy định của công ước; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền con người”.