Theo sau tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam điều tra cáo buộc về việc nhà hoạt động Trịnh Bá Tư, hiện đang thụ án tù, bị đánh đập và cùm chân trong trại giam, trong khi hàng chục luật sư kiến nghị bãi bỏ biện pháp giam giữ hà khắc này.
Tổ chức Ân xá Quốc tế, có trụ sở ở Anh, lên tiếng sau khi gia đình nhà hoạt động cho quyền đất đai gửi thư kêu cứu đến các lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước Việt Nam cùng Bộ Công an để yêu cầu điều tra và giải thích về việc ông Tư bị kỷ luật, phải chịu đánh đập và cùm chân 10 ngày.
“Bị đánh đập, biệt giam và bị cùm từ ngày này qua ngày khác là tra tấn hoặc ngược đãi,” Ming Yu Hah, phó giám đốc khu vực phụ trách chiến dịch của Ân xá Quốc tế, nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/9 về tình trạng của ông Tư. “Các nhà chức trách Việt Nam phải ngay lập tức điều tra những cáo buộc này và bất kỳ thủ phạm nào cũng phải chịu trách nhiệm”.
Trước đó vào hôm 22/9, ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của HRW – tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ – cũng kêu gọi Việt Nam điều tra khẩn cấp một cách “minh bạch và công bằng về những cáo buộc nghiêm trọng của Trịnh Bá Tư về việc quản giáo đã cùm chân và đánh ông”.
Ông Robertson cho rằng “quấy rối, trả thù và hành hạ là một phần thường xuyên của Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến bị giam giữ”.
Ông Tư, nhà hoạt động vì quyền đất đai và tự do ngôn luận, bị chính quyền Việt Nam kết án 8 năm tù hồi năm ngoái về tội tuyên truyền chống nhà nước, một tội danh trong Bộ luật Hình sự thường được dùng để dập tắt những tiếng nói bất đồng đối với Đảng Cộng sản. Mẹ và em của ông Tư, bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Phương – cũng là những nhà hoạt động cho quyền đất đai và còn được biết là “các dân oan làng Dương Nội”, cũng đang thụ án tù nhiều năm vì tội danh tương tự.
Bà Đỗ Thị Thu, chị dâu của ông Tư, cho VOA biết hôm 22/9 rằng nhà hoạt động 33 tuổi này nói là ông bị trừng phạt vì đã báo cáo về các điều kiện trong trại giam số 6 ở Nghệ An.
Còn theo các thông tin mà Ân xá Quốc tế thu thập được, ông Tư bị đưa vào một phòng giam trong 4 đến 6 tiếng đồng hồ, tại đó ông bị một nhân viên của trại giam đánh đập. Vẫn theo tổ chức chuyên về bảo vệ nhân quyền, ông Tư sau đó bị biệt giam trong 10 ngày và bị cùm chân.
Bà Thu cho VOA biết em chồng bà đã “phản đối việc bị tra tấn đánh đập bằng cách tuyệt thực 14 ngày”.
“Không ai phải bị tra tấn hoặc đối xử hay bị trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”, bà Ming Yu Hah nói và nêu quan ngại về tình trạng sức khỏe của ông Tư. “Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi các cơ quan chức năng tại Việt Nam ngay lập tức hủy bỏ cáo buộc đối với ông Tư và trả tự do cho ông và các thành viên trong gia đình ông”.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước lời kêu gọi của hai tổ chức quốc tế về điều tra các cáo buộc cho rằng ông Tư bị đánh đập và cùm chân trong trại giam.
Hàng chục luật sư trong nước cũng vừa kiến nghị lên các lãnh đạo nhà nước Việt Nam để yêu cầu thay đổi hoặc bãi bỏ các biện pháp giam giữ hà khắc, trong đó có cùm chân, đối với các bị cáo hoặc phạm nhân mang án tử hình.
Đơn kiến nghị do luật sư Ngô Ngọc Trai khởi xướng và có hơn 30 luật sư đồng ký tên, đã được gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 22/9.
Trong đơn, các luật sư tham gia kiến nghị cho rằng “thực tế hoàn cảnh giam giữ vẫn còn khắc nghiệt” trong các trại giam và nhà tù ở Việt Nam. Các luật sư đặc biệt kiến nghị bãi bỏ hình thức cùm chân trong giam giữ.
Theo các luật sư viết trong đơn kiến nghị, cùm chân là “biện pháp đang áp dụng bấy lâu nay cho các tử tù, hoặc trong nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng dù chưa xét xử nhưng để phòng ngừa thì cơ quan giam giữ cũng áp dụng cùm chân”. Các luật sư nhận định rằng biện pháp giam giữ này “đã lạc hậu” và “không còn phù hợp với tinh thần nhân đạo của hệ thống pháp luật hiện nay”.
Trích dẫn các bộ luật tố tụng, luật thi hành tạm giữ, tạm giam và luật thi hành ánh hình sự, các luật sư cho rằng những điều luật này có các quy định về việc bảo vệ quyền con người và về những hành vi nghiêm cấm các hình thức đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án.
“Bởi vậy kính đề nghị các lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo bãi bỏ biện pháp cùm chân trong hoạt động giam giữ”, các luật sư viết trong đơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về kiến nghị của các luật sư gửi tới các lãnh đạo nhà nước Việt Nam.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hồi tháng 4 năm nay phản đối Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó nói đến “tình trạng tra tấn và đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục bởi các nhân viên Chính phủ”. Bà Hằng khẳng định rằng “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân”.