Chuyến đi Anh quốc trong tuần này để ký các thỏa thuận nhiều tỷ đôla của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật điều mà các nhà tranh đấu cho nhân quyền nói là một chiều hướng đáng lo ngại của giới hữu trách Anh, đó là giữ im lặng về vấn đề nhân quyền và mối quan ngại rằng tình hình có thể trở nên xấu hơn nữa ở Trung Quốc.
Tuy nói với các phóng viên ở Anh Quốc rằng Bắc Kinh cần phải cải thiện thành tích nhân quyền, ông Tập Cận Bình không đề cập gì đến một vụ trấn át đang tiếp diễn nhắm vào các luật sư nhân quyền, giới hoạt động và con cái họ ở Trung Quốc.
Trong một cập nhật mới hôm thứ Sáu về vụ trấn át nhân quyền ở Trung Quốc, nhóm quan tâm về nhân quyền ở Trung Quốc có cơ sở ở Hồng Kông cho hay khoảng 300 người, trong đó có các luật sư, các nhân viên công ty luật, những người ủng hộ nhân quyền và gia đình những người đã bị thu gom vào tấm lưới ngày càng mở rộng.
Vi phạm luật
Đa số các luật sư đã được trả tự do, nhưng hơn 30 người vẫn còn bị giam giữ dưới một hình thức nào đó và chưa biết tung tích của họ. Theo nhóm mạng lưới luật sư, đa số đang bị giam giữ và theo dõi tại một địa điểm được chỉ định. Chỉ có một người bị nhắm làm mục tiêu đã được gặp luật sư, trong khi đa số các gia đình chưa nhận được thông báo chính thức về lý do vì sao người thân của mình bị giam giữ.
Trung Quốc nói các vụ việc đang được xử lý theo đúng luật pháp. Tuy nhiên, các luật sư và các nhà hoạt động nhận thấy rằng việc không chịu thông báo cho gia đình về các cáo trạng, nơi họ bị giam giữ hay để cho họ được tiếp xúc với luật sư, cũng như việc sách nhiễu những người thân – kể cả trẻ em – đều vi phạm chính các luật lệ của Trung Quốc.
Bà Kit Chan, người phát ngôn của một tổ chức mạng lưới nhân quyền, nói:
“Chúng ta thấy tình hình tệ hại hơn từ một khía cạnh khác. Không phải là vấn đề thống kê, mà đúng hơn là hình thức trả thù mà chính phủ dành cho những người thân”.
Bà Chan nói trong khi nhiều nhóm lên tiếng về tình hình, thật là đáng tiếc “khi nhìn thấy chính phủ Anh quốc thực sự có một lập trường rất hòa dịu, đánh đổi sự quan tâm về nhân quyền lấy quan tâm về kinh doanh”.
Ngoài việc bị giam giữ, nhóm này đã ghi nhận vụ việc của ít nhất 24 luật sư, các nhà hoạt động và những người thân đã bị càn quét trong vụ đàn áp và bị cấm rời khỏi nước, và được báo là việc ra đi của họ sẽ “gây nguy cơ cho an ninh quốc gia.
Trẻ em trở thành mục tiêu
Em Bao Trác Hiên, 16 tuổi, con trai của luật sư Vương Vũ đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi cha mẹ đều là luật sư bị bắt hồi đầu tháng 7.
Em Bao không những bị cấm rời khỏi nước, mà còn bị theo dõi chặt chẽ và nay đang bị quản thúc tại gia.
Mẹ của em bà Vương Vũ đã đại diện cho các thành viên của Pháp Luân Công, các nạn nhân bị tấn công tình dục và nhiều vụ về nhân quyền nổi bật khác như ông Ihlam Tohti, học giả người Uighur.
Nhà chức trách đã cáo buộc bà là kích động lật đổ chính quyền.
Bao và cha của em, ông Bao Long Quân đã bị chặn lại khi tìm cách rời khỏi nước hồi đầu tháng 7- cùng ngày bà Vương Vũ bị bắt.
Em Bao đang sắp đi du học ở Australia, nhưng chính quyền đã buộc em phải ở lại Trung Quốc và bị theo dõi chặt chẽ ở Thiên Tân. Sau đó em bỏ trốn và tìm cách rời khỏi nước, chính quyền đã truy lùng theo em tới Myanmar và đưa em trở lại Trung Quốc.
Nay em bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia ở Nội Mông, dưới sự chăm sóc của ông bà.
Ông Chu Phong Tỏa, từng là một lãnh tụ sinh viên tham gia cuộc biểu tình Thiên An Môn và là một nhà tranh đấu cho nhân quyền ở hải ngoại. Ông nằm trong số những người tìm cách đưa con trai của bà Vương Vũ ra nước ngoài. Ông cho biết Bao đã tìm cách lẻn ra nước ngoài để khỏi bị bắt vì chính quyền tịch thu sổ thông hành của em
Theo ông Chu, điều mà Trung Quốc đang làm thực đáng hổ thẹn.
“Họ dùng con trai của Vương Vũ và Bao Long Quân như một con tin để ép buộc cha mẹ em. Dứt khoát không có cơ sở pháp lý nào để chính quyền bắt giữ trẻ em vô tội”.
Bao là con duy nhất của một nhà hoạt động hay một luật sư bị tác động của cuộc trấn át. Nhóm luật sư có trụ sở ở Hồng Kông đã ghi nhận trường hợp của ít nhất 4 trẻ em khác đã bị cấm không được ra khỏi nước.
Ông Chu nói thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên chính quyền áp dụng chiến thuật như vậy.
“Hãy lấy ví dụ bà Cao Du. Bà buộc phải nhận tội trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc bởi vì vào lúc đó, người con trai trên dưới 40 của bà đã bị bắt. Sau đó bà được quyền tự do phát biểu, bà nói với luật sư của bà rằng lời thú tội trước đó của bà là do bị ép buộc”.
Nhưng trong lúc các tổ chức làm áp lực nhân quyền quốc tế, giới bất đồng Trung Quốc và các nhà hoạt động nhân quyền Tây Tạng biểu tình bên lề chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, thì các giới chức Anh quốc đã không trực tiếp nêu vấn đề một cách công khai trong thời gian chuyến thăm.
Việc đó không diễn ra cho đến khi một ký giả hỏi nhà lãnh đạo Trung Quốc về “thái độ hết sức đáng lo ngại về nhân quyền” tại một cuộc họp báo chung.
Đường lối hai mặt
Đáp lại câu hỏi, Chủ tịch Tập Cận Bình nói cũng như các nước khác trên thế giới, Trung Quốc cần phải cải thiện, nhưng ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang đi theo một con đường thích hợp với các điều kiện của chính dân tộc mình.
Hội Ân xá Quốc tế nói lời tuyên bố đó là tích cực, nhưng hàm nhiều ý khác, trong bối cảnh những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Điều cần thiết là hành động và điều đó có thể khởi đầu bằng việc phóng thích các luật sư như Vương Vũ và những người khác, theo ông Allan Hogarth, người đứng đầu các chương trình ủng hộ của Hội Ân xá Quốc tể ở Anh Quốc.
“Ta không nên quên rằng Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cơ quan nhân quyền hàng đầu trên thế giới. Nếu họ thành thực về nhân quyền, họ phải tham gia đối thoại và phải có hành động để giảm bớt những vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc”.
Ông Cát Vĩnh Hy, một luật sư nhân quyền bị bắt giữ hồi tháng 7 và sau đó đã được phóng thích, nói rằng nhiều người ở Trung Quốc thất vọng trước việc Anh Quốc không làm nhiều hơn để nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm này.
Ông Cát nói nếu không có hành động để đạt được tiến bộ, các nhận định của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ là lời nói xuông. Ông cũng nói các nhà lãnh đạo quốc tế cần phải biết về đường lối 2 mặt của chủ tịch Trung Quốc.
Ông Cát nói: “Mục đích của ông Tập là tranh thủ sự thừa nhận ở nước ngoài trong khi vẫn nắm quyền cai trị độc tài trong nước”.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã biến việc quảng bá “pháp trị” thành một nền tảng chính của chính quyền ông. Nhưng thay vì giúp cải thiện hệ thống pháp lý, giới hoạt động lập luận rằng chính quyền đang dùng các luật lệ mới và duyệt lại những luật lệ khác nhằm đem lại cho mỉnh một vị thế pháp lý tốt hơn để đàn áp, chứ không phải bảo vệ nhân quyền.