Anh Quốc đang rối tung tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý quyết định rút khỏi Liên hiệp Âu Châu, trong khi bộ trưởng thứ nhất của Scotland tuyên bố quốc hội Scotland có thể phủ quyết việc rút khỏi EU.
Trong ngày có những diễn biến quá nhanh đã đẩy những chia rẽ ngày càng tăng ở Anh thành một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ Hai, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói các chính trị gia Anh cần có thêm thời gian để xem xét lại những hậu quả của quyết định rút khỏi EU.
Phát biểu mang tinh thần hòa giải đó của bà Merkel được đưa ra vào lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến thăm Châu Âu, với chặng dừng đầu tiên ở Rome trước khi tham dự những cuộc họp khẩn tại London và Brussels trong tuần này.
Các giới chức Mỹ nói ông Kerry sẽ tìm cách giữ một vai trò trung gian và Washington đã khuyên các nhà lãnh đạo EU không nên tăng áp lực đòi chính phủ Anh phải thực thi Điều 50, theo đó sẽ tự động đặt Anh Quốc vào con đường rút khỏi EU hoàn toàn sau năm.
Một giới chức cấp cao của Mỹ nói với đài VOA: “Chúng tôi đang theo dõi và tham gia vào các nước EU và đang tìm cách giúp cho các cuộc đối thoại đó.”
Trong phát biểu hôm Chủ nhật, thông qua chánh văn phòng, bà Merkel nói rằng Anh Quốc “phải nên có cơ hội để xem xét lại những hậu quả của quyết định rút khỏi EU.”
Ông Peter Altmaier, trợ lý của bà Merkel, nói thêm rằng điều đó không có nghĩa là Anh phải “xem xét lại quyết định rút khỏi EU.”
Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Đức cũng lên tiếng khuyên giải các nhà lãnh đạo EU nên phản ứng thận trọng về kết quả cuộc trưng cầu dân ý rút khỏi EU của Anh trước phản ứng của các ngoại trưởng cá nước EU kêu gọi cắt đứt nhanh chóng. Các ngoại trưởng tranh luận rằng tình trạng bất định sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu trên trường tài chánh và hối đoái.
Ngoại trưởng Kerry tìm cách trấn an Anh Quốc và Liên hiệp Âu Châu bằng sự tiếp tục ủng hộ của Mỹ trong cuộc họp báo hôm Chủ nhật tại Rome.
Ông Kerry nói mặc dù Mỹ lấy làm tiếc về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, “những thay đổi hiện nay phải được suy nghĩ trên tinh thần của những lợi ích và giá trị kết nối chúng ta với nhau.”
Đệ nhất Bộ trưởng Scotland Nicola Sturgeon, chính trị gia năng động nhất ở cả hai bên ranh giới giữa bắc và nam, hôm Chủ nhật nói rằng Quốc hội Scotland có thể phủ quyết quyết định rút khỏi EU.
Scotland bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo muốn ở lại EU. Bà Sturgeon cảnh báo rằng bà sẽ khai thác mọi khả năng để giữ Scotland ở lại với EU, kể cả việc có thể tìm cách biểu quyết tách ra độc lập với Anh Quốc một lần nữa.