Thông tấn xã AP mở văn phòng tin tức tại Bắc Triều Tiên

Ông Tom Curley, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của AP (Trái) và Chủ tịch Cơ quan tin tức trung ương Triều Tiên (KCNA) Kim Pyong Ho trong buổi lễ khai trương văn phòng của AP tại Bình Nhưỡng

Thông tấn xã Associated Press đã làm một việc chưa từng có trước đây là mở một phòng tin đầy đủ tại Bắc Triều Tiên. Nhưng có những nghi vấn về chuyện liệu một cơ quan thông tấn Tây phương với các tiêu chuẩn gắt gao về báo chí, có thể hoạt động hữu hiệu tại một trong những xã hội khép kín và áp bức nhất thế giới hay không. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường trình chi tiết sau đây.

Phải mất ngót một năm hãng thông tấn Assicated Press và bắc Triều Tiên mới chung quyết được thỏa thuận mở một văn phòng tin tức đầy đủ tại thủ đô Bình Nhưỡng của nước này.

Hôm nay, một buổi lễ khai trương đã được tổ chức tại cơ quan thông tin nhà nước Bắc Triều Tiên, nơi văn phòng của AP tọa lạc.

AP cho biết nhân viên của phòng tin sẽ gồm một phóng viên và một nhiếp ảnh viên, cả hai đều là người Bắc Triều Tiên, dưới sự quản lý của hai người Mỹ sẽ thường xuyên đi lại Bình Nhưỡng.

Người đứng đầu thông tấn xã trung ương Triều Tiên Kim Pyong Ho, được trích thuật, đã tuyên bố tại lễ khai mạc rằng AP cam kết sẽ tường thuật các thông tin về Bắc Triều Tiên một cách công bằng, cân đối và chính xác.

Ông Kim cũng nêu ra điểm AP đã được phép mở rộng hoạt động tại Bắc Triều Tiên mặc dù không có quan hệ ngoại giao giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ, là nơi công ty tin tức đã hoạt động 165 năm này đặt trụ sở chính.

Lên tiếng tại Bình Nhưỡng, tổng biên tập Kathleen Carroll , nói rằng AP tại Bắc Triều Tiên sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn và hoạt động giốâng như tất cả các văn phòng AP trên thế giới.

Bà Carroll nói: “Không có chính phủ nào mà chúng tôi tường thuật lại không thỉnh thoảng đọc một bài bài báo, hay xem một bức hình hoặc một đoạn băng video và có ý kiến về những gì họ thấy, và có thể họ không thích. Chúng tôi luôn gặp những trường hợp như vậy và tôi không trông đợi mọi sự sẽ khác ở Bắc Triều Tiên khi xảy ra cơ sự.”

Nhưng theo Giáo sư B.J. Lee tại Trường Dịch vụ Quốc tế thuộc Nữ đại học Sookmyung ở Seoul thì những mối bất đồng giữa AP và chính phủ khép kín của Bình Nhưỡng có thể sẽ rất khó khăn.

Giáo sư Lee nói: “AP tiêu biểu cho nền báo chí khách quan Tây phương. Họ muốn thu thập bất kỳ thông tin nào có thể có được từ chính phủ Bắc Triều Tiên. Nhưng lẽ đương nhiên chính phủ Bình Nhưỡng có rất nhiều vấn đề phải giấu giếm vào thời điểm đặc biệt hiện này. Sẽ có những mâu thuẫn như thế giữa AP và giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nhất là về công cuộc chuyển giao quyền lực từ Kim Jong Il qua cho Kim Jong Un.”

Lễ khai trương chính thức của Văn phòng tin tức của AP diễn ra một tháng sau cái chết của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il. Người con thứ ba của ông này, gần 30 tuổi, đã được chọn làm người thừa kế, trong cố gắng chuyển giao quyền lực ở Bình Nhưỡng cho thế hệ thứ ba của gia đình.

Ông Lee, một phóng viên lâu năm cho tạp chí Newsweek, nói rằng giới truyền thông Nam Triều Tiên và chính phủ nước này sẽ theo dõi sát các bài tường thuật của AP từ Bình Nhưỡng, nơi thông tin bị đặt dưới sự kiểm soát gắt gao của chính phủ.

Ông Lee nói tiếp: “Truyền thông Nam Triều Tiên cũng đã cố gắng thiết lập một loại hoạt động nào đó tại Bắc Triều Tiên từ rất nhiều năm nay. Họ rất khó thu thập được điều gì từ miền Bắc. Vì thế họ sẽ rất nóng lòng muốn thấy thông tin nào AP có thể đưa ra khỏi Bắc Triều Tiên. Chính phủ Nam Triều Tiên cũng sẽ rất quan tâm đến vấn đề này.”

Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao và trên nguyên tắc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ khi cuộc chiến kết thúc mà không đi đến đâu vào đầu thập niên 1950.

Bộ Thống nhất Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên từ chối không bình luận về phòng tin của AP tại Bình Nhưỡng. AP có một văn phòng video nhỏ ở đó, với nhân viên người Bắc Triều Tiên, từ năm 2006. Cơ quan thông tấn này đã có văn phòng ở Nam Triều Tiên từ nhiều thập niên.