Tổng giám đốc Công ty Apple đã bác bỏ lệnh của một thẩm phán Mỹ yêu cầu giúp Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI được tiếp cận một iPhone do một trong hai tay nổ súng đã bắn chết 14 người tại California hồi năm ngoái sử dụng. Quyết định này đã gây nên một cuộc chiến về pháp lý giữa ngành công nghệ và chính phủ Mỹ.
FBI muốn Apple giúp tiếp cận với một iPhone mã hóa đã được Syed Farook sử dụng. Farook đã cùng với vợ là Tashfeen Malik thực hiện một vụ nổ súng làm nhiều người thiệt mạng tại San Bernardino hồi tháng 12 năm ngoái.
Nhân viên điều tra nói họ không biết có gì quan trọng trên điện thoại nhưng họ không thể tiếp cận với những thông tin vì không biết được mật mã. FBI muốn Apple tạo ra một phần mềm có thể vượt qua một chương trình tự hủy bỏ tất cả những dữ liệu trong điện thoại sau nhiều cố gắng tìm ra mật mã để vào điện thoại mà không thành. Các nhà điều tra muốn có thể nỗ lực truy tìm những mã số khác nhau theo một qui trình nhanh chóng cho đến khi tìm được đúng mật mã.
Tại sao Apple chống lại?
Tổng giám đốc Apple Tim Cook ngày hôm qua cho biết là công ty đã được yêu cầu thi hành “một bước chưa từng có từ trước đến nay” có thể đe dọa đến an ninh của khách hàng Apple.
Ông Cook nói việc sáng chế một phần mềm có thể đánh bại những biện pháp an ninh của chính Apple là “quá nguy hiểm để sáng chế.” Ông viện dẫn nhu cầu bảo vệ an ninh từ những tin tặc và những tội phạm.
Ông Cook nói thêm là công ty không có cảm tình gì với những tên khủng bố và đã cung cấp cho FBI những dữ liệu công ty có được và đưa ra những ý kiến về những giải pháp những nhà điều tra có thể sử dụng được. Ông Cook cho biết “Trong khi chúng tôi tin là FBI có ý định tốt, nhưng sẽ là điều sai lầm nếu chính phủ bắt buộc chúng tôi tạo ra một cửa sau đối với những sản phẩm của chúng tôi. Và cuối cùng, chúng tôi lo ngại là yêu cầu này sẽ làm tổn hại đến những quyền tự do mà chính phủ có nhiệm vụ phải bảo vệ.”
Đối đầu sẽ có hậu quả như thế nào?
Apple lo ngại nhiều nhất là nếu tuân theo những yêu cầu của FBI, thì sẽ đặt ra một tiền lệ đối với những yêu cầu trong tương lai - từ phía chính phủ Mỹ và những quốc gia khác, như Trung Quốc. Có một vài phán quyết trước đây của Tòa án có thể sử dụng dể hướng dẫn, và Apple không muốn mở đường cho những yêu cầu tương tự đối với họ và những công ty công nghệ khác.
Apple đã củng cố việc mã hóa trên các điện thoại của công ty vào năm 2014 sau khi có những vi phạm về quyền riêng tư kỹ thuật số. Chính phủ đã than phiền rằng những biện pháp an ninh cao cấp hơn nữa làm cho những cuộc điều tra về tội phạm và an ninh quốc gia, như vụ nổ súng tại California trở nên khó khăn hơn.
Bước kế tiếp là gì?
Có nhiều phần chắc nhất Apple sẽ kháng cáo phán quyết của Tòa án trong những ngày tới. Cuộc chiến về pháp lý này dự kiến sẽ kéo dài rất lâu.
Your browser doesn’t support HTML5