Argentina vỡ nợ lần thứ nhì trong 13 năm

Ông Axel Kicillof, Bộ trưởng Kinh tế của Argentina, trả lời họp báo tại New York, ngày 30/7/2014.

Các nhà thương lượng của Argentina tối qua không đạt được thỏa thuận với các công ty đầu tư New York để tránh vỡ nợ. Các quỹ đầu tư yêu cầu Argentina phải thanh toán toàn bộ 1,5 tỷ đô la trái phiếu của Argentina mà họ mua với giá giảm lúc quốc gia Nam Mỹ này vỡ nợ lần trước vào năm 2001.

Năm 2005 và 2010, hơn 90% các nhà đầu tư nắm giữ các khoản nợ hồi năm 2001 của Argentina đã đồng ý xóa 70% số tiền nợ, nhưng cũng có một số nhà đầu tư không chịu như vậy, dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Tổng thống Argentina, Cristina Kirchner, gọi các chủ nợ đầu tư này là tham lam.

Một trong những công ty đầu tư dẫn đầu bởi tỷ phú New York, Paul Singer, quy lỗi cho Argentina về vụ vỡ nợ và nói rằng nước này đã không chịu cân nhắc nghiêm túc các giải pháp do nhà điều giải trung gian đưa ra.

Sau khi các cuộc thương lượng bất thành, Bộ trưởng trưởng Kinh tế Argentina, Axel Kicillof, tuyên bố nước ông sẽ không cúi đầu trước áp lực giải quyết tranh cãi.

Chưa rõ vụ vỡ nợ lần này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Argentina vốn đang suy thoái, với tỷ lệ lạm phát nằm trong số cao nhất thế giới.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s của Mỹ hạ mức tín dụng ngoại tệ ngắn và dài hạn của Argentina vào hạng “vỡ nợ một phần” hôm qua. Tình trạng này có nghĩa là Argentina hiện chi trả vài chủ nợ và có thể chi trả vài phần đối với khoản nợ bị mất khả năng thanh toán.

Standard & Poor’s nói có thể dỡ bỏ mức xếp hạng này một khi Argentina thanh toán các khoản nợ trái phiếu.

Argentina chuyển tiền sang một ngân hàng New York để trả các khoản nợ theo hoạch định nhưng một thẩm phán liên bang không cho phép nước này chỉ chi trả cho các nhà nắm trái phiếu đồng ý xóa bớt tiền nợ.

Các giới chức Argentina nói điều này cũng có nghĩa là họ chỉ vỡ nợ một phần mà thôi.