Nhìn lại cuộc chiến chống bệnh AIDS

  • Vidhushi Sinha

Trong năm 2009 có khoảng 2 triệu 600 ngàn người đã bị lây nhiễm HIV và 1 triệu 800 ngàn người chết vì AIDS

30 năm trước đây, vào ngày 5 tháng 6 năm 1981, các chuyên gia y tế đã báo cáo các ca đầu tiên của một chứng bệnh lây nhiễm mới gây chết người. Căn bệnh về hệ thống miễn nhiễm đã mau chóng mang một cái tên là AIDS và virut gây bệnh HIV chẳng bao lâu đã trở thành một cơn đại dịch, giết hại hơn 2 triệu người mỗi năm. Nhưng công cuộc khảo cứu y khoa đã xoay chuyển tình thế. Ngày nay, virut này không còn là một bản án tử hình chắc chắn nữa, và tuy nó vẫn còn cướp đi mạng sống của hơn 1 triệu người mỗi năm, một thế hệ dược phẩm mới đã giúp hơn 30 triệu người ngày nay sống với bệnh AIDS. Thông tín viên VOA Vidhushi Sinha ghi nhận thêm chi tiết về lịch sử HIV/AIDS và các thách thức còn lại trong việc chấm dứt cơn dịch toàn cầu này.

Kathy Bennett đã sống với tình trạng nhiễm HIV đã 21 năm. Triển vọng của bà rất đen tối vào năm 1990, khi được chẩn đoán lần đầu là mắc phải Hội chứng Liệt kháng và bác sĩ của bà bắt đầu điều trị cho bà với những dược phẩm tỏ ra quá độc hại. Bác sĩ đã ngừng dùng thuốc và bảo bà về nhà.

Bà Bennett nói: “Tôi nằm trong giường 4 tháng để chờ chết bởi vì ông ấy nói ‘Tôi không thể trị được gì.”

Nhưng sau khi bà bắt đầu điều trị bằng một loại dược phẩm mới, thì cuộc đời bà Bennett đã thay đổi, và nay bà mạnh khỏe và trở thành một nhà tham vấn điều trị cho các bệnh nhân AIDS.

Bà Bennett nói: “Nay khi tôi đã biết cách xử lý nó, tôi không nhìn vào virut này như một bản án tử hình nữa. Tôi đang sống một cuộc sống bình thường. Tôi trông đợi sẽ còn sống rất lâu nữa.”

Mặc dù đã có cách điều trị bằng loại thuốc chống virut, trong năm 2009 có khoảng 2 triệu 600 ngàn người đã bị lây nhiễm HIV và 1 triệu 800 ngàn người chết vì AIDS.

Nhưng 30 năm trước, cộng đồng y khoa rất bi quan. Bác sĩ Anthony Fauci, lúc đó là một bác sĩ tìm cách điều trị các bệnh nhân mắc chứng bệnh mới này, còn nhớ rõ những ngày đó. Hiện ông là giám đốc Viện Quốc gia các Bệnh Lây nhiễm.

Bác sĩ Fauci nói: “Chúng ta đã không có khái niệm căn bệnh lây nhiễm này là gì và rồi tiếp theo đó là tình trạng nhiều người, rất nhiều người bắt đầu bị đau nặng và chết. Thực là một thời kỳ đen tối đáng lo ngại mà ta còn thậm chí không biết được nguyên do căn bệnh.”

Dần dà, các chuyên gia y tế đã hiểu rõ hơn về sự lây nhiễm. Rõ ràng là một hệ thống miễn nhiễm bị suy yếu đã gây ra căn bệnh. Và cũng dường như là bệnh được lây truyền qua đường tính dục.

Bác sĩ Robert Gallo là người cùng phát hiện ra virut liệt kháng nơi người, còn được gọi tắt là HIV.

Bác sĩ Gallo nói: “Nhưng sự kiện không phải là tức thời, giống như một thứ euraka, không phải giống như ta có thể nói là “Ồ, bây giờ tôi thấy đó là nguyên do của bệnh AIDS.” Tôi đã tìm cách mô tả nó cho ai đó trước đây. Nó giống như lột một củ hành - ta biết được ta đang từng bước đi tới cái lõi của nó, mà đây chính là nguyên do.”

Nhưng vẫn chưa có dược phẩm hay thuốc chủng ngừa nào để chống lại virut và nhiều chuyên gia tỏ ra bi quan. Thế rồi một bước khai thông xảy đến vào năm 1987, với loại dược phẩm đầu tiên được chấp thuận là AZT.

Bác sĩ Gallo nói: “Virut có thể loại bớt. Ta có thể đo được nó và thấy nó giảm xuống. Mặc dù dược phẩm này độc hại, các dấu hiệu và triệu chứng có liên hệ với bệnh AID đã biến mất. Thật là kỳ diệu.”

Hy vọng mờ nhạt khi HIV trở thành kháng thuốc AZT. Nhưng sau đó, trong thập niên 1990, các dược phẩm phối hợp hữu hiệu đã được phát triển, và đã trở thàng vũ khí mạnh nhất trong nỗ lực chống cự với HIV. Sau đây là lời bác sĩ Anthony Fauci, thuộc Viện Y tế Quốc gia.

Bác sĩ Fauci nói tiếp: “Cái ‘cocktail, tên chúng tôi đặt cho loại dược phẩm này, đã thay đổi đáng kể đời sống của những người bị nhiễm HIV bằng cách đem lại cho họ cơ hội sống một cuộc sống chủ yếu là bình thường với những cách trị liệu tốt.”

Nhưng các bệnh nhân AIDS cho biết họ tiếp tục phải chống lại với thành kiến xã hội gắn liền với căn bệnh này, như lời bà Kathy Bennett sau đây.

Bà Bennett nói: “Có rất nhiều thành kiến hồi đó, và ngày nay cũng vẫn còn nhiều thành kiến.”

Ngoài việc điều trị, một thách thức lớn khác là kiểm tra sự lây lan của HIV. Nguy cơ truyền bệnh vẫn còn cao trong giới dưới 30 tuổi. Và tại Quỹ Nhi khoa Elizabeth Glaser, trọng tâm chú ý hướng vào việc bảo vệ các trẻ sơ sinh và các em nhỏ khỏi bị lây nhiễm. Bác sĩ R.J. Simonds, phó chủ tịch của quỹ này, nói đã đạt được tiến bộ, nhất là tại các nước đang phát triển.

Bác sĩ Simonds cho biết: “Các bà mẹ được xác định là nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai có thể uống một loại thuốc có thể ngăn đứa con khỏi bị nhiễm HIV.”

Nhưng một báo cáo y tế của Liên Hiệp Quốc nói rằng còn lâu mới thắng được cuộc chiến chống bệnh AIDS, và không thể chịu đựng nổi các tổn phí.

Tuần tới tại Liên Hiệp Quốc, 30 vị nguyên thủ quốc gia sẽ họp để duyệt lại tiến bộ đáng kể đã thực hiện được trong công cuộc phòng chống AIDS và vạch ra đường hướng tương lai cho việc điều trị căn bệnh này.