Cuộc họp cấp cao mới nhất của tổ chức kinh tế chính trị chủ yếu ở đông nam châu Á đang tiến hành tại thủ đô Malaysia trong khung cảnh mà các giới chức mô tả là an ninh được tăng cường gấp đôi sau những vụ tấn công gây chết người ở Paris. Trong khi khủng bố và tranh chấp lãnh thổ sẽ là các đề tài trong nghị trình, thương mại khu vực chắc sẽ là một đề tài chính khác được đưa ra thảo luận. Từ Kuala Lumpur, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật do.
Hội nghị thượng đỉnh tuần này là cuộc họp chót trước khi khai trương Cộng đồng Kinh tế ASEAN, còn gọi tắt là AEC vào ngày 31 tháng 12.
Nhưng đối với cộng đồng kinh doanh thì những kỳ vọng đặt vào cuộc họp ASEAN có phần hạn hẹp, bất kể sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo đầy thế lực trong và ngoài khu vực.
Ông Anthony Nelson là giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN.
Ông Nelson nói: “Hội nghị thượng đỉnh tháng 11 bao gồm cuộc họp thượng đỉnh Đông Á, tập trung chủ yếu vào các vấn đề an ninh và chính trị. Do đó đề tài ấy sẽ chiếm một phần lớn trong những gì đang xảy diễn quanh hội nghị. Rất nhiều sự kiện có liên quan đến công cuộc kinh doanh thường có xu hướng diễn ra quanh cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế ASEAN vào tháng 8.”
AEC, sẽ có tầm mức tương đương với nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới, nhắm mục tiêu thành lập một thị trường duy nhất mang tính cạnh tranh cao và dựa vào sản xuất. Ban tổ chức hy vọng cộng đồng sẽ cải tiến sự lưu thông tự do của vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có kỹ năng trong các nước ASEAN, đem lại cho toàn vùng sự thịnh vượng và tính cạnh tranh nhiều hơn.
Nhưng khi cộng đồng này ra đời vào năm tới, các chuyên gia phân tích cho rằng bước đầu sẽ không có mấy thay đổi bởi vì còn nhiều việc phải làm.
Ông Nelson cho biết: “ASEAN Một cửa sổ, là một dự án hải quan, vẫn còn là một công tác đang được xúc tiến. Nhưng bắt đầu từ năm tới họ sẽ khởi sự các cuộc thử nghiệm giới hạn với 5 trong số 10 nước ASEAN. Và đã có những thỏa thuận chung để công nhận bằng cấp của các chuyên gia có kỹ năng. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm về mặt thực thi trên thực tế các thỏa thuận đó.”
Một số người chỉ trích cho rằng AEC sẽ đem lại lợi ích quá đáng cho các công ty lớn, chứ không phải cho đa số dân chúng trong khu vực.
Hội nghị Xã hội Dân sự ASEAN và Diễn đàn Nhân dân ASEAN trong một thông cáo chung hồi đầu năm nay đã bày tỏ mối quan ngại rằng sự hòa nhập kinh tế khu vực sẽ có nghĩa là tăng trưởng kinh tế bất bình đẳng và không bền vững đưa tới tình trạng “nghèo khó tệ hại hơn và bất bình đẳng về tài sản.”
Ông Jerald Joseph là đồng chủ tịch Diễn đàn Nhân dân ASEAN năm nay.
Ông Joseph nói: “Công nhân di trú vượt biên giới không được hưởng cùng mức độ bảo vệ hay lợi ích trong toàn bộ cuộc thương nghị. Vì thế sẽ có đôi chút đáng tiếc, một cơ hội bị bỏ lỡ, nếu điều đó không được phản ánh trong văn kiện sắp tới.”
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 bao gồm các đối tác đối thoại của tổ chức, nổi bật nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ.