ASEAN có nguy cơ tụt hậu, lại trở thành ‘Câu lạc bộ các nhà độc tài’?

TT Joko Widodo của Indonesia và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin tại cuộc họp báo chung ở Điện Merdeka, Jakarta, ngày 5/2/2021, hối thúc ASEAN hành động sau cuộc đảo chính ở Myanmar (Foto: Courtesy/Biro Pers)

Việc quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính, giành lại quyền lực từ tay một chính phủ do dân bầu lên, bắt giữ các nhà lãnh đạo cao nhất nước, kể cả Cố vấn An ninh Quốc gia Aung San Suu Kyi, dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ, đã làm chấn động các nước tây phương, từ Âu sang Mỹ. Nhưng ngay trong khu vực, ngoại trừ 1 vài nước có đa số dân theo Hồi giáo, phần lớn các nước còn lại trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dường như chỉ có thái độ “chờ xem”, theo báo The Australian của Úc.

Phản ứng bất nhất trong khối ASEAN

Singapore, Indonesia và Malaysia bày tỏ quan ngại và mong muốn giải quyết vấn đề bằng một giải pháp hòa bình. Philippines, Campuchia và Thái Lan coi đây là một “vấn đề nội bộ”. Phản ứng của Bangkok cũng dễ hiểu, bởi vì đương kim Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, đã lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính do ông cầm đầu.

Brunei, đương kim Chủ tịch ASEAN, kêu gọi “đối thoại, hòa giải để tình hình ổn định trở lại”.

Hai nước còn lại là hai nước cộng sản, Lào vẫn giữ im lặng, riêng Việt Nam phản ứng ‘chung chung’ qua phát biểu của người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng:

“Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.

Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao không nói rõ liệu Việt Nam có lên án cuộc đảo chính quân sự hay không.

Với những quan điểm khác biệt như vừa nêu, ASEAN khó có thể đưa ra một tiếng nói chung có đủ trọng lực để ảnh hưởng tới những diễn biến tại Myanmar, cũng là một thành viên ASEAN.

Indonesia và Malaysia, hai nước có đa số dân theo Hồi giáo, từng chỉ trích Myanmar về chiến dịch đàn áp, và vụ thảm sát người Hồi giáo Rohingya, kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ASEAN để bàn về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, giữa lúc các cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự tiếp tục leo thang và cảnh sát tăng cường đàn áp, bắt bớ, dùng hơi cay và điều xe tăng ra các đường phố của thủ đô Naypyidaw để trấn dẹp biểu tình. Bạo động có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào.

Sau một cuộc họp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Malaysia Myhyidin Yassin nói: “Đây là một bước thụt lùi trong tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ ở Myanmar”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đáp: “Điều quan trọng là tất cả chúng ta phải tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của ASEAN, đặc biệt là các nguyên tắc về dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và quản trị tốt, một chính phủ hợp hiến”.

Báo The Australian của Úc dẫn lời Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy, ông Ben Bland, nói rằng lập trường của hai nhà lãnh đạo này, tuy quả quyết hơn các nước đồng hội, nhưng về phần lớn, phản ánh “các quan tâm về tác động của vụ đảo chính đối với sự ổn định của khu vực, hơn là mong muốn cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền”.

...Tôi đã lớn lên dưới chế độ của tập đoàn quân phiệt trong nhiều năm, tôi không muốn trở lại giai đoạn đen tối đó một lần nữa."
Một nhà báo Myanmar nói với The Diplomat

Tờ báo đặt câu hỏi: liệu những đòi hỏi của Malaysia và Indonesia, yêu cầu ASEAN có lập trường cứng rắn hơn với tập đoàn quân sự Myanmar có đủ để ngăn ASEAN rơi vào sự im lặng đồng lõa của thời khối này còn là một “Câu lạc bộ các nhà Độc tài”?

Đảo chính Myanmar có thể gây bất ổn cho ASEAN

Úc ngỏ ý muốn hợp tác với ASEAN về vấn đề Myanmar, nhưng lo ngại ASEAN sẽ vẫn bất lực nếu khối này tiếp tục viện nguyên tắc "Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau", một nguyên tắc bị lạm dụng bởi một số nước để tránh bị chỉ trích vì những hành động đàn áp trong nước họ.

Tập đoàn quân phiệt Myanmar đã viện nguyên tắc “không can thiệp” một cách có lợi cho họ từ khi gia nhập khối ASEAN vào năm 1997, chưa đầy 10 năm sau khi họ thảm sát hàng ngàn người biểu tình đấu tranh cho dân chủ, tình hình cũng không khác mấy so với Philippines dưới thời Tổng thống Marcos, hay Indonesia dưới thời Tổng thống Suharto, thời các nước Á Châu còn là “câu lạc bộ của các nhà độc tài”, theo nhà báo Úc.

Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí Eurasia Review, hai nhà nghiên cứu người Campuchia, Visal Chourn và Bunna Vann, thuộc Viện Hợp tác và Hòa bình, nói rằng các nhà hoạt động vì hòa bình và dân chủ không thể làm ngơ cuộc đảo chính ở Myanmar, nếu họ thực sự quan tâm tới hòa bình và ổn định khu vực.

Hai nhà nghiên cứu này nói rằng với chủ trương của ASEAN, không can thiệp vào những vấn đề chính trị của các nước thành viên, cuộc đảo chính ở Myanmar sẽ có nhiều tác động tới khối về mặt chính trị và ngoại giao.

Về mặt chính trị, theo hai nhà nghiên cứu, diễn biến tại Myanmar có thể “làm suy yếu Hiến chương ASEAN”, với các nguyên tắc chủ lực về dân chủ, pháp quyền và quản trị tốt, và duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN.

Nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng mạnh và ASEAN không chủ động, không có hành động cụ thể mà làm ngơ cuộc đảo chính, thì ASEAN và cộng đồng quốc tế có nguy cơ khuyến khích các chính quyền có xu hướng độc tài trong khối theo chân Myanmar”.

Các nước thành viên ASEAN có hệ thống chính trị rất khác nhau, nếu các nhà lãnh đạo có khuynh hướng ngả theo độc tài, không sẵn sàng chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, thì sẽ còn xảy ra đảo chính, đưa đến bất ổn cho toàn khu vực.

Tư liệu: Cố vấn An ninh Quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi tại Thượng đỉnh ASEAN-Nhật bản ở Bangkok ngày 4/11/2019, nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35. Source: Lillian SUWANRUMPHA (AFP)


Cuộc đảo chính ở Myanmar cũng làm gián đoạn các hoạt động ngoại giao trong nội bộ cũng như với các đối tác bên ngoài. Xét Hoa Kỳ, Anh, Úc, Liên hiệp Châu Âu và một số nước khác đã lên án và đang cân nhắc áp đặt các biện pháp chế tài đối với Myanmar, ASEAN sẽ gặp khó khăn khi ngồi xuống bàn hội nghị tại các cuộc họp thượng đỉnh quan trọng, như Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á, và Thượng đỉnh Á-Âu…

Vai trò nào cho ASEAN?

Hai nhà nghiên cứu nói trong quá khứ, ASEAN đã đóng vai trò trung gian để giải quyết vấn đề liên quan tới Myanmar, như quan sát bầu cử, ASEAN lần này nên chủ động tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, bằng cách tăng sức ép của tập thể, làm tất cả những gì có thể làm để xoay chiều tình hình, ngăn bạo động quân sự ở Myanmar, khôi phục lại nền dân chủ.

Khi Miến Điện gia nhập ASEAN vào năm 1997, khối này áp dụng chính sách có tính xây dựng, mời gọi sự tham gia của tập đoàn quân sự nắm quyền và thuyết phục họ nới tay với khát vọng dân chủ của người dân, và tương nhượng với bà Aung San Suu Kyi. Phải đến 13 năm sau, Myanmar mới tổ chức bầu cử đa đảng, dẫn tới một chính phủ chia sẻ quyền hành, và 18 năm sau, quân đội mới nhường quyền cho đảng Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Trước đó, việc Myanmar tiếp tục giam cầm bà Suu Kyi, là một vấn đề gây bối rối cho ASEAN. Năm 2001, Thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ là ông Mahathir Mohamad, nói việc Myanmar giam cầm/quản thúc bà Suu Kyi trong hơn 15 năm, đã làm tổn hại uy tín của cả ASEAN, chứ không riêng Myanmar, lúc bấy giờ gọi là Miến Điện.

Hai nhà nghiên cứu Campuchia nói thật là đáng tiếc nếu ASEAN để cho cuộc đảo chính lần này phá hoại tiến trình dân chủ và sự ổn định trong khu vực, chỉ vì đặt quá nặng nguyên tắc đồng thuận, một trong các nguyên tắc chủ lực của khối, nhưng đôi khi khiến cho ASEAN trở nên tê liệt, không đáp ứng được với tình thế.

Một bài báo trên tờ South China Morning Post (SCMP) cũng đồng ý với nhận định của hai nhà nghiên cứu này.

Biên tập viên Maria Siow của SCMP viết: “Cuộc đảo chính ở Myanmar là một dấu hiệu rõ rệt rằng ASEAN không thể tiếp tục tuân theo nguyên tắc “không can thiệp” mà cùng lúc duy trì uy tín của mình, nếu Myanmar tiếp tục là một cái gai bên hông tổ chức khu vực 54 tuổi này”.

Indonesia có thể giúp giải quyết xung đột

Bà Eva Kusuma Sundari, thành viên Hạ viện Indonesia, từng là Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), nói quân đội Myanmar có thể siết chặt gọng kềm đối với chính quyền dân cử Myanmar bởi vì dù trên nguyên tắc đã nhượng quyền cho Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), nhưng trên thực tế, quân đội vẫn nắm quyền hạn lớn, ít nhất là 25% ghế trong quốc hội, đồng thời nắm các bộ quan trọng nhất.

Theo bà Sundari, Indonesia có thể dẫn đầu nỗ lực của ASEAN giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar vì Indonesia có thể “lên tiếng bênh vực dân chủ trong khu vực, và có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới người Rohingya. Bà hối thúc Jakarta áp đặt lệnh cấm vận đối với các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của quân đội có can dự vào vụ đảo chính và bạo động tại Myanmar.

Bà nói “Làm được như vậy sẽ giúp dân chủ hóa Myanmar”. Nhưng sự thật thì mọi sự không đơn giản. Vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều, nếu quân đảo chính ở Myanmar bất chấp cộng đồng quốc tế và cả ASEAN, vì tin rằng họ sẽ được Trung Quốc và Nga chống lưng.

Vụ đảo chính, nhìn từ Yangon

Dù còn nhiều thiếu sót, nền dân chủ mới ló dạng ở Myanmar dưới quyền bà Aung San Suu Kyi và Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã nâng cao kỳ vọng dân chủ nơi người dân Myanmar gồm tỷ lệ cao thuộc thành phần trẻ, quen thuộc với công nghệ và internet. Cuộc đảo chính là một đòn nặng giáng xuống khát vọng dân chủ của họ.

Một nhà báo trẻ ở địa phương yêu cầu giấu danh tính vì sợ bị trả thù, nói với tờ The Diplomat:

“Trong tư cách một công dân Myanmar, tôi đã lớn lên dưới chế độ của tập đoàn quân phiệt trong nhiều năm, tôi không muốn trở lại giai đoạn đen tối đó một lần nữa. Chúng tôi không thể quay lại giai đoạn đó vì tương lai của các thế hệ mai sau.”

Một nhà báo người Ireland đã làm việc tại Myanmar 8 năm, lấy tên Kelly O’Connor, nói:

“Tôi cảm thấy sốc mạnh, vô cùng thất vọng và thấy mình bất lực trong tư cách là một người nước ngoài, bởi vì tôi đã chứng kiến những tiến bộ lớn trong 5 năm qua, khi đất nước này mở cửa ra với thế giới.”