Lãnh đạo chính phủ các nước Đông Nam Á hôm 11/11 đã đưa ra ‘cảnh báo’ cho Myanmar là cần phải có tiến triển có thể đo lường được về kế hoạch hòa bình nếu không họ sẽ có nguy cơ bị cấm tham gia các cuộc họp của khối, trong lúc hỗn loạn chính trị và xã hội leo thang ở nước này.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết sau khi thòa thuận hòa bình năm điểm đã được nhất trí vào năm ngoái ‘đạt được ít tiến triển’, các nhà lãnh đạo khối đã kết luận cần thiết phải có ‘các chỉ số cụ thể, thiết thực và có thể đo lường được với mốc thời gian cụ thể’.
Họ nói thêm rằng ASEAN sẽ xét lại tư cách đại diện của Myanmar ở tất cả các cuộc gặp các cấp, sau khi đã cấm các nhà lãnh đạo quân sự của nước này tham gia các cuộc gặp thượng đỉnh kể từ năm ngoái. Chiếc ghế của Myanmar để trống tại hội nghị thượng đỉnh hôm 11/11 ở Phnom Penh.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, vốn hồi tuần trước nói rằng chính quyền quân sự là bên duy nhất khiến tiến trình hòa bình đi vào ngõ cụt, và rằng tuyên bố hôm 11/11 đã gửi ‘thông điệp mạnh mẽ hay thậm chí là cảnh báo cho tập đoàn quân sự’.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự đã không phản hồi Reuters. Trước đây, họ đổ lỗi thiếu tiến triển là do đại dịch và sự cản trở từ các phong trào kháng chiến vũ trang.
Hỗn loạn chính trị, xã hội và kinh tế đã bao trùm Myanmar kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ do dân bầu do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào năm ngoái và phát động cuộc đàn áp chết chóc vào những người bất đồng chính kiến – hành động kéo lùi nhiều năm cải cách dân chủ của đất nước.
ASEAN, vốn lâu nay không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên, đã loại trừ các biện pháp trừng phạt kiểu phương Tây đối với Myanmar hoặc trục xuất nước này khỏi nhóm 10 thành viên, ngay cả khi họ lên án các hành động ngày càng bạo lực của chính quyền quân sự như hành quyết các nhà hoạt động dân chủ và không kích khiến ít nhất 50 người thiệt mạng. Một số nhà hoạt động cho biết quyết định của ASEAN hôm 11/11 là không đi đủ xa.
“Việc ASEAN vẫn chưa cấm chính quyền quân sự tham gia vào toàn bộ hệ thống ASEAN thể hiện sự tiếp tục thiếu lãnh đạo về vấn đề này và ngầm cho phép tập đoàn quân tiếp tục tội ác của mình,” ông Patrick Phongsathorn ở tố chức nhân quyền Fortify Rights cho biết.
Sau cuộc hội đàm kín, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng thảo luận về những căng thẳng khác trong khu vực, bao gồm bán đảo Triều Tiên và Đài Loan, với các lãnh đạo toàn cầu bao gồm Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong các cuộc gặp riêng biệt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ có các cuộc gặp với khối vào ngày 12/11. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng sẽ tham dự một số cuộc họp.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nước chủ nhà ASEAN, đã phát biểu tại lễ khai mạc hôm 11/11 với lời kêu gọi cảnh giác và khôn ngoan trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị.
“Chúng ta hiện đang trong thời điểm bất trắc nhất; Cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực phụ thuộc vào trí tuệ và tầm nhìn xa của chúng ta,” ông nói.