Các quốc gia Đông Nam Á sẽ không bỏ mặc tình hình Biển Đông tương đối lắng dịu như hiện nay, Reuters đưa tin hôm 13/11, trích một bản dự thảo tuyên bố chung.
Bản tuyên bố này sẽ được công bố sau cuộc gặp giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, tại thủ đô của Philippines, Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết.
Một bản dự thảo, mà Reuters có được, viết: "Trong khi tình hình hiện nay đang trở nên lắng dịu hơn, chúng tôi không thể bỏ mặc với những tiến bộ hiện tại."
"Điều quan trọng là chúng tôi hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và tự do trên không theo luật pháp quốc tế đối với khu vực Biển Đông. Mối quan tâm chung của chúng tôi là để tránh tình trạng sai lầm có thể dẫn tới tình trạng leo thang căng thẳng."
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết toàn bộ khu vực Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Đài Loan và bốn nước ASEAN gồm Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền khu vực này.
Các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và bảy quốc gia khác đang cùng Hiệp hội ASEAN họp hội nghị thượng đỉnh hàng năm.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 12/11 nói rằng ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho những nước đang tranh chấp Biển Đông.
Khi được hỏi về đề xuất này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết rằng Trung Quốc ủng hộ việc giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán với các nước trực tiếp tham gia và duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực.
Ông Cảnh Sảng nói tình hình Biển Đông nói chung ổn định và đi đúng hướng với sự nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN.
Hôm 12/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gợi ý rằng mặc dù có những khác biệt, các nhà lãnh đạo không nên thảo luận vấn đề Biển Đông.
Ông Duterte phát biểu tại một cuộc họp về thương mại:"Chúng ta phải là bạn. Những người nóng vội khác muốn chúng tôi đối đầu với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới về nhiều vấn đề. Vấn đề Biển Đông nên được để yên như vậy. Không ai muốn chiến tranh. Nó sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu bạo lực."
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, phát biểu tại Manila trong một hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia thành viên ASEAN, cho biết Bắc Kinh "cam kết làm việc với ASEAN để trở thành những nước láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt và luôn bên cạnh nhau trong mọi hoàn cảnh."
Tại lễ khai mạc chính thức hội nghị vào ngày 13/11, ông Duterte không hề đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Ông Duterte tiến gần với Trung Quốc hơn kể từ khi ông nhậm chức vào năm ngoái và Việt Nam đã nổi lên là đối thủ chính của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh hải ở khu vực, theo Reuters. Động thái của Trung Quốc nhằm gây áp lực cho Việt Nam ngừng khoan dầu trong một khu vực tranh chấp vào tháng 7 đã gây nên sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Hà Nội vá Bắc Kinh.
Nhưng vào hôm 12/11, truyền hình quốc gia của Việt Nam cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rằng ông muốn làm việc với các quốc gia Đông Nam Á về một quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý giải quyết đúng đắn các vấn đề hàng hải và phấn đấu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.