Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho hay trong tuần này, ASEAN sẽ tiến hành thêm một bước hướng đến việc trở thành một cộng đồng hòa nhập nói lên cùng một tiếng nói về các vấn đề an ninh.
Ông Surin nói: “Đây là một đặc điểm của một cộng đồng có khả năng đề xuất các lập trường chung về các vấn đề khác nhau mà cộng đồng quốc tế phải đối phó và chắc chắn là một cách cấp thiết đối với chúng ta, bảo đảm rằng khu vực được hòa bình, ổn định và an ninh.”
ASEAN đang mở một loạt các cuộc họp cấp cao ở Bali, Indonesia trong tuần này, kể cả một Diễn đàn Khu vực ASEAN tập trung vào các vấn đề an ninh. Ngoài các vị bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia thành viên ASEAN, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và đại diện của Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và EU cùng các nước khác cũng sẽ tham dự.
Ông Surin nói giải quyết vụ tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và các nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, về việc cùng nhận chủ quyền nhiều trữ lượng lớn dầu khí trong vùng biển Ðông, sẽ là một ưu tiên cao đối với ASEAN.
Ông Surin nói tiếp: “Một lập trường thống nhất của ASEAN là tất cả chúng ta đều có ý nguyện chung là nhìn thấy khu vực kể cả vùng biển Ðông được xử lý một cách hòa bình, và chúng ta có thể cùng hợp tác giải quyết các bất đồng, và ASEAN và Trung Quốc có thể gửi tín hiệu tích cực đó tới ủy ban quốc tế bởi vì tất cả các nước đều quan tâm, tất cả đều lo lắng về tình hình ở đó.”
Ông Surin nói vai trò của ASEAN trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho một tiến trình giải quyết không nên xung đột với yêu cầu của Trung Quốc muốn vấn đề được giải quyết ở cấp song phương.
Giải quyết các bất đồng giữa các nước thành viên và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền sẽ cũng được giải quyết, theo lời ông Surin. Trước đó trong năm, chủ tịch ASEAN và ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã đóng một vai trò nổi bật trong việc tìm cách điều giải một kết thúc cho một cuộc xung đột biên giới giữa Thái Lan và Kampuchea. Rút cuộc ông Natalegawa đã không đưa hai bên đến chỗ giải quyết vụ tranh chấp nhưng ông Surin cho rằng việc bà Yingluck Shinawatra thắng một cách quyết định chức thủ tướng Thái Lan có thể đem lại sức sống mới cho tiến trình hòa bình.
Tại cuộc họp kỳ trước của ASEAN hồi tháng 5, các tổ chức nhân quyền than phiền về quyết định của ASEAN để cho Miến Điện được lên đứng đầu tổ chức vào năm 2014, bất kể những hạn chế của Miến Điện đối với các đảng đối lập, việc giam giữ những người hoạt động chính trị và các hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do căn bản. Và các giới chức ASEAN đã tỏ ra miễn cưỡng không muốn chỉ trích giới hữu trách Malaysia về việc mới đây đã dùng hơi cay mắt và vòi rồng để giải tán hàng ngàn người biểu tình ôn hòa.
Ông Surin nói ASEAN sẽ tiếp tục dựa vào đường lối cam kết tích cực thay vì thực thi trừng phạt để khích lệ các nước thành viên đi theo con đường cải cách dân chủ.
Ông nói: “Những gì đang xảy ra tại Malaysia chắc chắn nằm trong xu hướng dân chúng ngày càng tham gia vào tiến trình chính trị và tôi nghĩ đây là điều được nhiều người trông đợi. Nhưng mỗi nước phải tự mình xử lý các thử thách một cách khác nhau, và chúng tôi hy vọng cách đó sẽ ôn hòa, xây dựng và có hiệu quả tốt.
Ông Surin cũng nói rằng ASEAN đang nối lại các cuộc đàm phán với 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân để phê chuẩn một hiệp ước năm 1995 biến Đông nam châu Á thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân. Nếu được phê chuẩn, hiệp ước có thể cấm các chiến hạm hạt nhân cập vào các cảng ở Đông nam Châu Á. Ông Surin nói Trung Quốc đã tỏ ra sẵn sàng ký hiệp ước và các giới chức ASEAN sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ, Nga và các cường quốc hạt nhân khác.
Các vị ngoại trưởng và các giới chức khác trong Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á họp trong tuần này ở Bali, nơi họ dự trù sẽ tập trung vào vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN về quyền khai thác các trữ lượng dầu khí lớn trong vùng biển Ðông. Thông tín viên VOA Brian Padden đã nói chuyện với Tổng thư ký ASEAN về ước vọng của tổ chức muốn trở thành một lực lượng khu vực để giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế và duy trì hòa bình và an ninh trong vùng.