ASEAN tiếp tục thúc đẩy cho thỏa hiệp về biển Ðông

Các giới chức trong Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á ASEAN họp tại tại Campuchia

Các giới chức trong Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á, tức ASEAN, họp trong tuần này tại Campuchia đang thúc đẩy một giải pháp nhằm giải quyết các vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Ðông, khu vực có 6 nước tuyên bố chủ quyền.

Năm ngoái, các vị bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã thông qua một tập hợp các hướng dẫn mà họ hy vọng sẽ dẫn đến một quy tắc ứng xử. Nhưng vì không đạt được một thỏa thuận có tính cách ràng buộc nên các vụ tranh chấp vẫn tiếp diễn.

Tháng trước, Việt Nam đã phản đối quyết định của Trung Quốc mời thầu dầu khí ngoài khơi Biển Ðông, nơi có nhiều vùng đánh cá, và có trữ lượng dầu và khí đốt lớn.

Hà Nội nói các khu vực vừa kể hoàn toàn nằm trong đặc khu kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam đã thông qua một đạo luật xác định chủ quyền trong khu vực.

Trung Quốc cực lực chỉ trích đạo luật là bất hợp pháp.

Ðài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia cũng nhận chủ quyền khu vực này.

Vào lúc khai mạc hội nghị thường niên của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hôm nay, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh đến việc cần một thỏa hiệp.

Ông Hun Sen nói rằng ASEAN cần nhấn mạnh đến việc thực hiện tuyên bố ứng xử trong đó có kết luận cuối cùng của bộ luật ứng xử tại Biển Ðông. Ngoài ra, cũng cần bảo đảm việc chính thức ra mắt viện hòa bình và hòa giải của ASEAN cũng như kết luận của tuyên ngôn nhân quyền trong hội nghị thượng đỉnh thứ 21 sắp tới của ASEAN để cổ xúy cho hòa bình và hòa giải cũng như bảo vệ nhân quyền trong khu vực.

ASEAN và Trung Quốc đã ký bản Tuyên ngôn Ứng xử năm 2002 đề nghị tàu bè được tự do đi lại trong vùng Biển Ðông và giải quyết những bất đồng một cách ôn hòa và tôn trọng các hiệp ước quốc tế, trong đó có công ước về luật biển quốc tế của LHQ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ tham gia các cuộc đàm phán của ASEAN trong chuyến công du Á châu 2 tuần lễ. Bà nói với các phóng viên báo chí hôm qua tại Tokyo rằng mọi quốc gia đều có lợi ích trong việc được tự do hàng hải và không bị cản trở về công cuộc thương mại hợp pháp trong vùng Biển Ðông, vì vậy Hoa Kỳ tin là các nước trong khu vực châu Á Thái bình dương nên hợp tác và dùng ngoại giao để giải quyết các mối bất đồng.

Liên hiệp Âu Châu và 161 nước đã phê chuẩn hiệp định của LHQ có hiệu lực năm 1994. Hiệp định này chi phối cách thức các quốc gia có thể sử dụng các đại dương trên thế giới và các nguồn tài nguyên trong đó.

Hoa Kỳ là nước công nghiệp hóa duy nhất không ký bản hiệp định này.

http://www.youtube.com/embed/PV8iqAlYMFQ
http://www.youtube.com/embed/Qs2Jg5IC4YQ