Các chỉ tệ của châu Á đã tăng giá so với đồng đôla từ hồi đầu năm nay.
Ðồng yen của Nhật Bản, đồng ringgit của Malaysia, đồng baht của Thái Lan, đồng rupiah của Indonesia và đồng đôla Singapore, cùng với các chỉ tệ khác, đã tăng từ 3% đến 8% so với đồng đôla.
Hầu hết các nền kinh tế Á châu đã tăng trưởng mạnh trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2010. Mặt khác, các nền kinh tế phát triển lớn khác, kể cả Hoa Kỳ, vẫn còn đang chật vật để phục hồi.
Đặc biệt tại Đông nam châu Á, tiền đầu tư đang đổ vào và sản lượng gia tăng.
Nhưng các kinh tế gia và các công nghiệp cảnh báo rằng chỉ tệ mạnh hơn đang bắt đầu gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu.
Các nền kinh tế của châu Á được thúc đẩy bởi xuất khẩu lâu nay vẫn dựa vào chỉ tệ thấp để đẩy mạnh tăng trưởng. Nay các nhà sản xuất nông và công nghiệp nhìn thấy lợi thế này biến mất, các chỉ tệ mạnh hơn khiến cho hàng hoá của họ đắt hơn ở nước ngoài.
Và sự kiện đó gây khó khăn thêm cho công cuộc làm ăn, bởi vì các thị trường chính, tức các nền kinh tế phát triển, vẫn còn yếu.
Bà Shamika Sirimane là một kinh tế gia về mậu dịch làm việc cho Liên hiệp quốc ở Bangkok.
Bà Shamika: “Sự phục hồi toàn cầu rất mong manh vào lúc này và đúng thế, các thị trường Tây phương đang mở ra nhưng không nhanh ở mức mong đợi. Vì thế đối với các nước trong khu vực này sự cạnh tranh rất gay gắt. Và nếu hối suất gây trở ngại cho các nước này thì sự kiện này sẽ gây ra những vấn đề lớn cho giới xuất khẩu.”
Tại Thái Lan, ngân hàng trung ương cho hay luồng vốn và đầu tư đổ vào đã khiến đồng baht tăng giá hơn 6% so với đồng đôla Mỹ. Hàng xuất khẩu mạnh vào đầu năm đang bắt đầu chậm lại, với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ phía các đối thủ chính khác như Việt Nam.
Ông Vichai Sirprasert là chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà mua bán gạo của Thái Lan.
Ông Vichai: “Nói chung bởi vì Thái Lan xuất khẩu rất nhiều nên khi chỉ tệ mạnh thì tất cả các khu vực sẽ bị thiệt hại, tất cả các khu vực xuất khẩu, kể cả gạo. Tôi nghĩ muốn có lợi cho chúng ta thì phải giữ cho chỉ tệ ổn định, đừng yếu hơn, cũng đừng mạnh hơn, mà phải cố gắng sao cho ổn định. Đó sẽ là chính sách tốt nhất. Nhưng nay ta lại đang leo lên thành một trong những chỉ tệ mạnh nhất.”
Như mọi nhà kinh doanh trong khu vực, ông Vichai than phiền rằng một số quốc gia Á châu kiểm soát và ghìm lại để chỉ tệ khỏi tăng giá.
Chẳng hạn, ông nói việc Hà Nội hạ giá chỉ tệ của họ trong năm ngoái đã giúp Việt Nam chiếm một phần lớn hơn trong thị trường gạo toàn cầu. Việt Nam không để cho chỉ tệ của họ được mua bán tự do trên các thị trường hối đoái như trường hợp của đồng baht.
Các nhà kinh tế và sản xuất trên khắp thế giới cũng than phiền từ nhiều năm nay rằng Trung Quốc giữ giá chỉ tệ của họ thấp một cách giả tạo. Hồi tháng 6, Bắc Kinh nói họ sẽ để cho đòng nguyên tăng giá so với đồng đôla và các chỉ tệ khác. Tuy nhiên, giá trị đồng Nguyên vẫn không thay đổi là bao.
Các kinh tế gia cho rằng các công nghiệp xuất khẩu ở châu Á sẽ phải đối mặt với mức lời thấp hơn trong những tháng sắp tới, và sự kiện này gây ra những quan ngại về nạn thất nghiệp và tăng trưởng chậm lại trong khắp khu vực.
Nhiều người bắt đầu lo sợ rằng tình trạng các chỉ tệ ở châu Á tăng giá so với đồng đôla Mỹ sẽ gây thiệt hại cho hàng xuất khẩu trong vùng. Các kinh tế gia cho rằng các công ty sẽ phải đối mặt với mức lời thấp hơn trong một thị trường toàn cầu có nhiều cạnh tranh. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.