Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nói bà tin tưởng chính phủ của bà có thể tránh lập lại tai họa của cơn lụt năm ngoái bằng cách tiêu 11,5 tỉ đô la để phát triển một hệ thống quản lý nguồn nước mới. Bà tiên đoán nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, được thúc đẩy một phần do việc chi tiêu của chính phủ về hạ tầng cơ sở quản lý nguồn nước.
Trận lụt tai hại nhất của Thái Lan trong vòng nhiều thập niên qua đã làm 700 người thiệt mạng và thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan 45 tỉ đô la, tăng trưởng kinh tế trong năm 2011 chỉ còn 1,5%.
Nhiều cộng đồng tại các thành phố bị ngập và gần 14 triệu dân bị ảnh hưởng tại hơn một chục tỉnh. Philippines, Kampuchia và Việt Nam cũng bị thiệt hại vì lụt trong mùa mưa.
Đại diện đặc biệt của cơ quan Liên Hiệp Quốc về giảm thiểu những Rủi ro do Thiên tai gây nên, bà Margareta Wahlstrom, nói thiệt hại tăng cao do lũ lụt gây nên là một thách thức chính tại châu Á:
“Thách thức lớn nhất đối với nhiều quốc gia là làm thế nào đối phó với những thiệt hại về kinh tế? Có thể nào thay đổi được hạ tầng cơ sở kinh tế của một nước? Có thể nào di dời những khu vực công nghiệp ra khỏi các bờ biển để khỏi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt? Đây là những vấn đề chính yếu cần phải giải quyết ở cấp lãnh đạo chính trị cao nhất để bảo vệ những thành quả mà quốc gia đạt được.”
Một phúc trình mới đây của Liên Hiệp Quốc cho biết thiên tai, chủ yếu là động đất và lũ lụt, làm thiệt hại một mức kỷ lục là 366 tỉ đô la và 29.700 người thiệt mạng trong năm ngoái.
Giám đốc một tổ chức phi chính phủ giúp giảm thiểu thiên tai, ông Marcus Oxley, nói phát triển kinh tế đã tăng thêm thiệt hại do thiên tai gây ra:
“Sự thiệt hại về mặt tài sản gia tăng theo cấp số nhân. Con số tử vong do mưa lũ và bão gây ra giảm sút. Tuy nhiên sự thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về sinh mạng, thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hạ tầng cơ sở vật chất lại gia tăng.”
Kể từ năm 1998, Trung Quốc đã gia tăng chi tiêu cho hệ thống quản lý nguồn nước để giảm ảnh hưởng của lũ lụt. Tuy nhiên vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng và xúc tiến các kế hoạch đô thị hoá nên có thêm nhiều cộng đồng dễ bị ảnh hưởng bởi những tai họa này.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng 85.000 con đập, 270.000 kilômét đê và 170 khu vực giữ nước, 31.000 cửa xả lũ để có thể đối phó tốt hơn với nguy cơ lũ lụt.
Thư ký chung của Cơ quan lo về Quản lý Thiên tai của Ấn Độ, ông Amit Jan, nói các chính phủ đã tăng trách nhiệm phát triển hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, vì châu Á đóng một vai trò đầu máy thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Ông Jah nói: “Châu Á là động cơ của tăng trưởng. Hiện nay mức tăng trưởng của thế giới và một số các hoạt động có liên hệ đến tăng trưởng, như tiêu thụ gia tăng, sử dụng đất đai, xây dựng hạ tầng cơ sở đang diễn ra tại Ấn Độ cũng như trên toàn châu Á. Tôi có thể nói tại Ấn Độ chúng tôi chấp nhận toàn thể ý kiến là làm cho hạ tầng cơ sở của chúng tôi chống chỏi được tai hoạ, làm cho chúng tôi đáp ứng được tốt hơn mọi tai họa xảy ra.”
Ông nói thêm chính phủ Ấn Độ đã đưa việc giảm thiểu nguy cơ của tai họa vào tất cả các ban ngành của chính phủ có liên hệ tới tăng trưởng, Ấn Độ cũng hợp tác với khu vực tư và xã hội dân sự.
Thiệt hại ngày càng tăng do các trận lụt tại châu Á gây ra buộc các chính phủ gia tăng chi tiêu trong các kế hoạch quản lý nguồn nước nhằm ngăn ngừa những tai họa trong tương lai. Thái Lan đang nỗ lực ngăn ngừa những tai họa do trận lụt năm qua gây nên.