Qatar gởi đi thông điệp gì từ Asian Cup 2011?

Một bàn thua của Qatar trong trận ra quân gặp Uzbekistan -- trận thứ nhất của Bảng A, vòng chung kết AFC Asian Cup 2011 trên sân Khalifa Stadium, Doha, Qatar, ngày 7 tháng 1, 2011.

Asian Cup 2011 đang được Qatar dùng để quảng bá với thế giới khả năng đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế của đất nước Ả Rập nhỏ bé này trong nỗ lực chuẩn bị cho hành trình đăng cai World Cup 2022, tuy nhiên giới chuyên môn vẫn không tin tưởng bóng đá Qatar có thể vươn lên tầm mức hàng đầu châu lục chứ chưa nói đến tầm mức thế giới.

Cúp vô địch các quốc gia châu Á, tức Asian Cup của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đang diễn ra tại Qatar với sự tham dự của 16 đội tuyển quốc gia mạnh nhất của châu lục.

Trên lý thuyết AFC Asian Cup mỗi 4 năm diễn ra một lần là cúp bóng đá danh giá nhất của châu Á, thế nhưng trong những kỳ Asian Cup gần đây, các nền bóng đá mạnh không còn chú trọng đến chiếc cúp này bằng mục tiêu đoạt vé dự vòng chung kết World Cup.

Nhà bình luận thể thao Quang Dũng ở Hà Nội nói rằng các đội bóng mạnh của châu lục hầu như đã từng đoạt được chiếc cúp này, và nay họ đặt mục tiêu vươn ra tầm thế giới.

BLV Quang Dũng: "Theo tôi thì hầu hết các đội tuyển lớn của châu Á hiện không coi trọng Asian Cup lắm. Với những đội tuyển lớn như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, hoặc là một số nước Tây Á, thì mục tiêu lớn nhất của họ ở cấp đội tuyển quốc gia bây giờ là giành quyền tham dự các kỳ World Cup chứ không phải là thi đấu ở các kỳ Asian Cup. Tất cả những quốc gia đó đều đã nhiều lần vô địch Asian Cup, và đối với họ sân chơi này bây giờ không còn hấp dẫn nữa. Cái mà họ muốn vươn tới bây giờ là tầm thế giới, chứ không phải là một sân chơi châu lục nữa."

Tuy nhiên một cường quốc thể thao thế giới hiện nay trong khu vực là Trung Quốc lại chưa một lần nào đoạt được chiếc cúp vô địch châu lục này. Sau lần xuất hiện tại World Cup 2002, thứ hạng của Trung Quốc đã giảm xuống trên các bảng xếp hạng bóng đá thế giới, cụ thể là họ không giành được vé dự World Cup 2004 và 2010. Trong thời gian gần đây, bóng đá Trung Quốc dường như đang cải thiện đáng kể hình ảnh của họ; điều này phản ảnh qua việc bóng đá Trung Quốc thăng hạng từ thứ 93 lên thứ 87 trên bảng xếp hạng của FIFA trong vòng 12 tháng qua.

Theo nhà bình luận thể thao Quang Dũng, thì Asian Cup Qatar 2011 này rất quan trọng đối với kế hoạch dài hạn của bóng đá Trung Quốc.

BLV Quang Dũng: "Đối với bóng đá Trung Quốc thì Asian Cup này lại có một tầm quan trọng tương đối lớn. Như chúng ta biết, trong một thập kỷ qua, đỉnh cao nhất của họ là năm 2002 khi họ giành được quyền tham dự World Cup ở Nhật Bản-Hàn Quốc, nhưng sau đó bóng đá Trung Quốc đã đi xuống, những tuyển thủ từng thi đấu cho châu Âu bây giờ đều vắng bóng. Tham dự Asian Cup ở Qatar, đội tuyển Trung Quốc hiện chỉ có duy nhất một cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu, đó là Hao Junmin, đang khoác áo câu lạc bộ Schalke 04 của Đức. 22 cầu thủ còn lại đều là những cầu thủ trẻ, thi đấu cho các giải quốc nội.

Thực ra đây cũng là một chiến lược dài hạn của bóng đá Trung Quốc, chứ không phải họ thiếu tài năng, là vì sau khi thế hệ cầu thủ cũ đi qua thì họ tập trung hoàn toàn cho giới trẻ. Đội tuyển Trung Quốc tham dự giải lần này có độ tuổi trung bình là 24, trẻ nhất trong lịch sử đội tuyển bóng đá quốc gia của họ. Họ đặt mục tiêu là lấy những giải đấu như thế này để cọ xát, để hướng đến mục tiêu cao nhất của họ, đó là giành quyền tham dự World Cup 2014 tại Brazil. Cho nên tất cả các giải đấu từ bây giờ cho đến khi bước vào vòng loại cho World Cup 2014 họ đều đặt mục tiêu rất cao, họ đều muốn cọ xát một cách hết mình.

Hiện tại giới chuyên môn đã bắt đầu đánh giá cao đội bóng trẻ của Trung Quốc. Trong năm 2010, có hai sự kiện mà người ta phải nhớ đến bóng đá Trung Quốc. Đầu tiên là việc họ đoạt chức vô địch giải các quốc gia Đông Á, nơi có những đội bóng rất mạnh của châu lục, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Trung Quốc đã vô địch và trước đó họ đã đánh bại Hàn Quốc với tỉ số 3-0 -- chúng ta đều biết Hàn Quốc mạnh như thế nào. Sự kiện thứ hai khiến chúng ta phải nhớ là trước thềm World Cup 2010, họ có một trận giao hữu với đội tuyển Pháp. Mặc dù chỉ là trận giao hữu, Trung Quốc đã thắng đội tuyển Pháp 1-0 -- Chúng ta đều biết đội tuyển Pháp là một trong những đội mạnh nhất thế giới, vậy mà đội tuyển trẻ của Trung Quốc thắng được với tỉ số 1-0. Đó là điều mà giới chuyên môn ghi nhận về đội tuyển trẻ của Trung Quốc -- một đội có tiềm năng, và họ sẽ là một ứng cử viên lớn trong vòng từ ba đến bốn năm nữa.


Bóng đá Trung Quốc lấy lại đà tiến bộ như ngày hôm nay một phần là nhờ công của huấn luyện viên Gao Hongbo, người đã dẫn dắt đội tuyển trẻ này gần hai năm qua.

BLV Quang Dũng: Huấn luyện viên Gao Hongbo của Trung Quốc là một huấn luyện viên trong nước, nên người ta không biết rõ về ông. Bản thân ông cũng không phải một nhân vật quá nổi bật trong giới bóng đá Trung Quốc. Tuy nhiên triết lý của ông hợp với chiến lược hiện tại của Trung Quốc. Ông là người kín tiếng, và là người dồn hết công sức cho việc phát hiện, đào tạo các cầu thủ trẻ, và nâng họ lên một tầm mới.

Nếu so với những huấn luyện viên trước, nhất là so với ông Milutinovic của năm 2002, thì rõ ràng ông Gao Hongbo không có tiếng bằng, nhưng ông là một người thích hợp cho đội tuyển Trung Quốc hiện tại.


Vẫn theo nhà bình luận Quang Dũng thì những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch châu Á lần này vẫn là các đội bóng mạnh truyền thống của khu vực.

BLV Quang Dũng: Ứng cử viên lớn nhất theo đánh giá của giới chuyên môn và cảm quan của người hâm mộ thì vẫn là hai đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc. Ứng cử viên thứ ba là Australia. Ở World Cup vừa rồi thì cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều thi đấu rất tốt, cả hai đều vào đến vòng hai, và thực sự thì họ vẫn là những đại diện mạnh nhất của châu Á hiện tại.


Với nước chủ nhà Qatar thì Asian Cup có một ý nghĩa hết sức trọng yếu; quốc gia Ả Rập nhỏ bé này phải chứng minh với thế giới khả năng đăng cai một đại hội thể thao cấp quốc tế cùng với trình độ bóng đá của họ trong nỗ lực chuẩn bị đăng cai World Cup 2022.

Theo nhà bình luận Quang Dũng thì nâng cao trình độ bóng đá lên đẳng cấp quốc tế là một thách thức lớn đối với tiểu vương quốc Ả Rập này.

BLV Quang Dũng: "Cách đây hai, ba thập kỷ thì Tây Á là khu vực có nền bóng đá mạnh nhất của châu Á, với những đội tuyển như là Iran, Ả Rập Xê Út, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, phần nào là Qatar. Nhưng từ sau World Cup 2002 đến bây giờ thì bóng đá Đông Á hoàn toàn lấn át bóng đá Tây Á. Các đội tuyển Tây Á hiện tại không còn sức mạnh như ngày xưa và Qatar cũng nằm trong số đó.

Bốn năm trước khi Asian Cup diễn ra tại Việt Nam, Qatar đã thi đấu với Việt Nam và thậm chí phải chật vật lắm mới hòa được Việt Nam với tỉ số 1-1 trên sân Mỹ Đình. Tôi cũng có mặt tại sân trong trận đấu đó, và đã phỏng vấn cầu thủ hiện tại là tiền đạo chủ lực của Qatar là Quintana, một người Uruguay nhập tịch Qatar, bây giờ anh vẫn là hy vọng lớn nhất của Qatar. Huấn luyện viên của Qatar là Bruno Metsu là người từng dẫn dắt đội tuyển Senegal vào năm 2002.

Tôi nghĩ với lực lượng hiện tại thì Qatar không đủ sức để trở thành một thế lực lớn của bóng đá châu Á.

Theo tôi tầm quan trọng của giải đấu này có ý nghĩa nhiều hơn đối với Qatar về mặt chuyên môn. Cuối năm vừa rồi Qatar được FIFA trao cho quyền tổ chức World Cup 2022, một quyết định gây rất nhiều tranh cãi, bị chỉ trích dữ dội, vì Qatar là một đất nước rất nhỏ bé, khí hậu thì khắt nghiệt, không có truyền thống bóng đá nhưng vẫn được trao quyền đăng cai.

Qatar đang tăng cường tổ chức rất nhiều các hoạt động bóng đá. Chúng ta có thể để ý thấy trong vòng nửa năm trở lại đây Qatar xuất hiện rất nhiều trong các lãnh vực liên quan đến bóng đá. Họ tổ chức Asian Cup; Qatar Foundation tài trợ cho Barcelona; và có một tập đoàn của Qatar đang muốn mua Manchester United. Nói chung là họ muốn dùng mọi cách để chứng minh với với thế giới là họ có tiềm lực bóng đá. Giải đấu này là một cách để chứng minh. Theo tôi thì họ có thể chứng minh về mặt tiền bạc, chứ về mặt chuyên môn bóng đá thì rất khó.


Asian Cup 2011 sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ngày 29 tháng này, khi giới hâm mộ sẽ có nhiều dữ liệu hơn để đánh giá liệu các đội mạnh của châu lục có vẫn giữa được ưu thế không; tiến bộ của đội tuyển Trung Quốc có thuyết phục hay không, và liệu chủ nhà Qatar có khả năng tổ chức giải quốc tế và có khả năng đá bóng quốc tế hay không.