Aung San Suu Kyi – Những thăng trầm của cuộc đời

Dân chúng giương ảnh bà Aung San Suu Kyi (phải) và Tổng thống Myanmart Win Myint trong một cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự ở Yangon ngày 6/2/2021. (Photo by YE AUNG THU / AFP)

Bà Aung San Suu Kyi, một thời là người tù chính trị nổi tiếng nhất thế giới, biểu tượng của dân chủ và đấu tranh bất bạo động, trở thành lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bị thế giới đả kích vì không bảo vệ người Hồi giáo Rohingya, một lần nữa lại trở thành một người tù sau cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar.

Đảo chính

Sáng thứ Hai 1/2/2021, người dân Myanmar vừa thức giấc lại rơi ngay vào một cơn ác mộng có thực: Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, và các đồng minh của bà bị bắt giữ, quân đội trở lại nắm quyền, tố cáo bầu cử gian lận, và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, và sau đó thêm một thời gian để gọi là tổ chức ‘một cuộc bầu cử công bằng”.

Dân Myanmar ở Thái Lan mang ảnh của lãnh đạo Aung San Suu Kyi đi biểu tình, họ giơ 3 ngòn tay chào, biểu tượng phản kháng quân đảo chính, trước sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8/2/2021.


Với cuộc đảo chính, cuộc hành trình của bà Aung San Suu Kyi từ một biểu tượng của dân chủ được thế giới ngưỡng mộ, tới lãnh đạo dân cử để rồi bị quốc tế ruồng bỏ vì đã giữ im lặng một cách khó hiểu trước chiến dịch của quân đội đàn áp tàn bạo người Hồi giáo Rohingya, buộc hàng trăm nghìn người phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Ở tuổi 75, bà Suu Kyi lại trở thành một tù nhân chính trị sau khi quân đội Myanmar giành lại quyền lực, chỉ 5 năm sau khi đảng NLD của bà Suu Kyi giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2015, khép lại chế độ cai trị của quân đội kéo dài tới 50 năm.

Dù bị quốc tế quay lưng, bà Suu Kyi vẫn được đại đa số dân trong nước yêu mến, Trong các cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020, đảng NLD của bà còn chiếm được nhiều phiếu hơn cả năm 2015, chiếm tới 83% số phiếu cử tri, nhưng quân đội không chấp nhận kết quả bầu cử, và chiếm quyền trong cuộc đảo chính hôm thứ hai 1/2/2021.

Ái nữ của vị anh hùng dân tộc Miến Điện

Cuộc đảo chính là khúc quanh mới nhất trong cuộc đời đầy thăng trầm của bà Suu Kyi, bắt đầu bằng một tấn thảm kịch khi cha của Suu Kyi, Tướng Aung San, bị ám sát vào năm 1947. Lúc đó Suu Kyi mới 2 tuổi.

Tướng Aung San có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Miến Điện. Ông là người sáng lập quân đội Miến Điện, và là vị anh hùng có công lớn trong nỗ lực đòi độc lập cho đất nước.

Suu Kyi rời Miến điện năm 15 tuổi, khi mẹ bà được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Ấn Độ. Suu Kyi theo học ở New Delhi trong một năm trước khi sang Anh tiếp tục học vấn. Bà tốt nghiệp Đại học Oxford với bằng Chính trị, Triết và Kinh tế.

Tại Oxford, Suu Kyi gặp chồng tương lai là ông Michael Aris, một học giả chuyên về Tây Tạng. Ông bà từng sinh sống ở Bhutan, nơi chồng bà làm gia sư cho gia đình hoàng gia. Bà học ngôn ngữ địa phương và làm việc tại Bộ Ngoại giao trong vai nhân viên nghiên cứu cho Liên Hiệp Quốc. Năm 1969, bà sang New York làm việc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc cho tới năm 1972.

Năm 1974, hai vợ chồng trở về Anh, nơi ông Aris giảng dạy môn Tây Tạng học và Hy Mã Lạp Sơn tại Đại học Oxford.

Ông bà có hai người con trai.

Năm 1988 là bước ngoặt lớn đầu tiên trong cuộc đời làm vợ và làm mẹ của Suu Kyi, khi bà trở về nước chăm sóc mẹ già đang trong tình trạng nguy kịch, và gây kinh ngạc khi tham gia phong trào nổi dậy của dân chúng, chống tập đoàn quân phiệt cai trị Miến Điện lúc bấy giờ.

Tháng 8 năm 1988, bà đọc bài diễn văn đánh dấu bước đầu vào con đường chính trị:

“Là con gái của cha tôi, tôi không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra.”
Aung San Suu Kyi, trong bài diễn văn chính trị đầu tiên năm 1988

Hơn 3000 người đã chết trong chiến dịch đàn áp sau cuộc nổi dậy đó. Cuộc nổi dậy cũng đánh dấu sự ra đời của một biểu tượng. Bằng sự dấn thân của mình, bằng sự can đảm của mình, Suu Kyi trở thành niềm hy vọng của người dân Miến Điện, tin tưởng một ngày nào đó, bà sẽ dẫn dắt đất nước tới dân chủ.

Nói chuyện với các nhà báo năm 1989, khi hai người con của bà mới 15 và 11 tuổi, bà giải thích rằng bà đã chọn ‘đặt gia đình riêng vào thứ tự ưu tiên thứ nhì’.

“Các con tôi, 15 và 11 tuổi, đang ở độ tuổi quyết định. Sự thật là một gia đình nên luôn luôn ở bên nhau,” bà gạt nước mắt, nói tiếp “nhưng mẹ tôi bệnh nặng, và rất quan trọng là tôi phải có mặt ở đây, bên cạnh mẹ.”

Bà được phép lập đảng chính trị mang tên Liên minh vì Dân chủ Miến Điện (NLD), nhưng không lâu sau đó, bà bị quản thúc tại gia. Dù bị quản thúc, đảng của bà giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng tập đoàn quân sự cầm quyền không chấp nhận kết quả bầu cử.

Bị quản thúc trong ngôi biệt thự của gia đình ở Yangon, thỉnh thoảng bà được phép gặp một vài nhà ngoại giao, và hai con trai sang thăm từ Anh.

Chồng bà, Michael Aris, qua đời năm 1999, trước đó chính quyền quân sự Miến Điện không cho phép ông sang thăm vợ lần cuối, trong khi bà từ chối rời Miến Điện vì sợ không được trở về nước.

Biểu tượng dân chủ và đấu tranh bất bạo động

Trong hai thập niên sau đó, Aung SanSuu Kyi bị giam cầm và quản thúc tại gia trong gần 15 năm.

Dù vậy, dân chúng Miến Điện vẫn một lòng trung thành và đặt hết tin tưởng vào bà mà họ coi như niềm hy vọng duy nhất có thể dẫn đất nước tới một tương lai tươi sáng hơn, sau khi thoát khỏi chế độ độc tài.

Chân dung Aung San Suu Kyi trong một cuộc biểu tình trước sứ quán Miến Điện ở Tokyo (Tư liệu-2009)


Trong mắt thế giới lúc đó, bà Suu Kyi là một người tù chính trị bất khuất. Thái độ an nhiên tự tại của người phụ nữ mảnh mai với nét mặt thanh tú, sẵn sàng hy sinh cuộc sống gia đình riêng tư để đấu tranh và dân chủ hóa đất nước, đã khiến bà Suu Kyi trở thành một biểu tượng của dân chủ.

Năm 1990, bà Suu Kyi được Quốc hội Châu Âu trao Giải thưởng Tự do Tư tưởng Sakharov, giải thưởng cao quý nhất cho các nhà hoạt động nhân quyền, năm sau đó, 1991, bà được trao Giải Nobel Hòa bình.

Suốt những năm 1990, bà liên tục được các nước vinh danh, Hoa Kỳ trao Giải thưởng Tự do năm 2000, bà trở thành Công dân danh dự của Paris năm 2004, bà nhận Giải Olof Palme cho nhân quyền năm 2005, công dân danh dự Canada năm 2007, Giải quốc tế Catalonia năm 2008…

Ngày 13/11/2010, gần như cả thế giới reo mừng khi bà Suu Kyi rốt cuộc được phóng thích.

Dân chúng Miến Điện òa vỡ trong niềm hân hoan vô tận: dân chủ đã ló dạng trên xứ sở mà trong nửa thế kỳ qua đã oằn mình dưới gọng kềm của tập đoàn quân phiệt. Càng mừng hơn khi bà Suu Kyi trở thành cố vấn quốc gia, ‘lãnh đạo trên thực tế’ của Myanmar vào năm 2016.

Thế giới đặt rất nhiều kỳ vọng vào Suu Kyi, dù bà không thể trở thành Tổng thống vì quân đội Myanmar đã viết lại hiến pháp, và trong thỏa thuận chia quyền, quân đội nắm các bộ quan trọng nhất, và thêm vào đó, chiếm tới 25% số ghế đại biểu quốc hội, đặt ra những chướng ngại vật lớn cho bà Suu Kyi và Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ do bà lãnh đạo.

Từ Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình tới bị thế giới ruồng bỏ

Thế giới đã xây tượng đài để tôn vinh bà Suu Kyi từ khi bà còn bị quản thúc tại gia trong căn biệt thự rêu phong của gia đình bên bờ hồ Inya. Mà không ngưỡng mộ sao được khi chứng kiến người phụ nữ mảnh mai, bị đàn áp và tù tội, quản thúc tại gia trong 15 năm, mà vẫn không khuất phục trước bạo quyền?

Sử gia chuyên về Đông Nam Á David Camroux, giảng dạy tại trường Sciences Po của Pháp, nhận định về sức hút của bà Suu Kyi với France 24:

“Aung San Suu Kyi được tôn vinh trong 15 năm bà bị quản thúc, bà được coi như một ngôi sao sáng. Bà là một phụ nữ đẹp, bà đấu tranh chống lại một tập đoàn quân phiệt, không sao tưởng tượng được một nhân vật nào tuyệt hảo hơn để đại diện cho dân chủ.”

Trong năm 2012, bà được trao tặng Bắc Đẩu Bội tinh (Légion d'honneur), huân chương cao quý nhất của chính phủ Pháp. Cùng năm, bà nhận Giải thưởng Elie Wiesel của Viện Bảo tàng Holocaust Memorial Museum ở Washington DC.

Nhiều người đã mang bà ra so sánh với những cây cổ thụ của phong trào bất bạo động như Gandhi, Martin Luther King và Nelson Mandela.

Đi tới đâu, bà Suu Kyi được trải thảm đỏ tới đó, bà được mời phát biểu trước quốc hội nhiều nước, kể cả tại Hoa Kỳ, và được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế và các trường đại học khắp nơi.

Năm 2016, Đại học Harvard trao Giải nhân quyền cao trong năm cho bà. Lúc đó, Giám đốc Sáng hội S. Harvard Allen Counter ca tụng “cuộc tranh đấu can trường của bà cho dân chủ, nhân quyền và hòa bình tại nước bà, là nguồn cảm hứng cho thế giới.”

Một năm sau, năm 2017, hình ảnh của bà Suu Kyi trong mắt thế giới xấu đi hẳn, vì bà im lặng trước tình cảnh thương tâm của người Hồi giáo Rohingya, bị quân đội Myanmar đàn áp tàn bạo, khiến hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà cửa chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Thất vọng vì đã đặt kỳ vọng quá cao ở bà Suu Kyi, thế giới đã ngoảnh mặt với thần tượng của mình, không chấp nhận không những sự im lặng của bà, mà còn việc bà ra điều trần trước Liên Hiệp Quốc, giảm nhẹ tội ác của quân đội, mà quốc tế tố cáo là “diệt chủng” người Rohingya.

Họ không chấp nhận dù rằng bà về phần lớn đã bị quân đội Myanmar trói tay.

Lần lượt những giải thưởng cao quý từng trân trọng trao tặng cho vị nữ anh thư của Miến Điện, bị thu hồi, và thế giới đạp đổ tượng đài do chính họ xây để tôn vinh bà.

Ảnh chụp từ video, đám đông biểu tình tại Yangon, Myanmar, Thứ Bảy 6/2/2021. (AP)

Tương lai nào cho Myanmar?

Từ khi Tướng Min Aung Hlaing lên nắm quyền sau vụ đảo chính sáng sớm 1/2, bà Aung San Suu Kyi chưa xuất hiện trở lại. Luật sư của bà cho biết ông không được phép gặp bà Suu Kyi.

Một tuần sau cuộc đảo chính, các cuộc biểu tình liên tục leo thang tại Myanmar, và có lo ngại nguy cơ bạo động xảy ra đang gia tăng.

Hàng chục ngàn người biểu tình đổ xuống các đường phố ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, và nhiều thành phố trên khắp nước, đòi quân đội trả tự do cho bà Suu Kyi, và công nhận kết quả bầu cử.

Cuộc biểu tình ở Chùa Sule là cuộc biểu tình lớn nhất từ sau các cuộc biểu tình do các nhà sư dẫn đầu vào năm 2007 chống lại tập đoàn quân sự, trong “Cuộc Cách mạng Saffron.”

Mối lo ngại về nguy cơ quân đội sẽ ra tay trấn dẹp biểu tình đang tăng cao tại một xứ sở từng trải qua các cuộc đàn áp bạo lực, bất khoan dung với mọi ý kiến bất đồng.

Các nước phương Tây, và cả Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, kêu gọi quân đội Myanmar hãy trả tự do cho bà Suu Kyi và những người bị bắt giữ, trong đó có cựu Tổng thống Myanmar Win Myint. Hoa Kỳ, Úc và Anh đều lên án vụ đảo chính. Hoa Kỳ và một số nước đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mà nếu được áp dụng, có thể tác động tới kinh tế Myanmar, một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Nhưng liệu các biện pháp cấm vận có tạo ra đủ sức ép để lật ngược vụ đảo chính? Đây vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, nếu quốc tế tăng sức ép, Myanmar có thể quay sang Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất và cũng là nước cung cấp vũ khí lớn nhất của Myanmar.