Australia cân nhắc đưa tàu tới Biển Đông

Tàu hộ vệ lớp Anzac của Australia HMAS Arunta. Theo kế hoạch, Hai tàu Arunta và HMAS Stuart sẽ lên đường tới cảng Trạm Giang để tham gia tập trận chung với tàu chiến Trung Quốc nhưng cuộc diễn tập đã bị hoãn.

Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Úc đang cân nhắc khả năng điều tàu hải quân vào vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây ở Biển Đông, trong trường hợp Australia quyết định theo chân Hoa Kỳ để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Báo Wall St. Journal hôm nay, (28/10) dẫn lời một giới chức trong quân đội Úc quen thuộc với các nhà làm chính sách, nói rằng Australia đang cân nhắc những sự lựa chọn của mình. Giới chức này phát biểu không lâu sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ được máy bay hộ tống, đi ngang qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý –cách bãi đá Subi, một trong 7 bãi đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo mới đây.

Vẫn theo WSJ, một giới chức khác đã tham gia công tác soạn thảo cẩm nang quân sự về Biển Đông cho Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne, xác nhận rằng các kế hoạch cho các hoạt động của tàu bè và máy bay trinh sát của hải quân Úc đã được soạn sẵn, mặc dù giới chức này không cho biết là liệu Canberra có ý định thực hiện ngay kế hoạch hay không.

Giới chức này cho biết quân đội Úc đã xem xét những sự lựa chọn của mình, kể cả kế hoạch cho tàu chạy ngang, hoặc máy bay bay ngang, các đảo nhân tạo trong Biển Đông trong nhiều tháng rồi, giữa lúc tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn.

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hôm qua bác bỏ rằng hành động đó, nếu được thực hiện, sẽ thách thức quyết tâm của Trung Quốc. Văn phòng của bà không trả lời yêu cầu bình luận của báo WSJ hôm nay, về ý định của Australia và liệu Hoa Kỳ có trực tiếp yêu cầu Australia điều tàu hoặc máy bay vào khu vực nhạy cảm trong Biển Đông hay không.

Theo WSJ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời yêu cầu gửi bằng fax của báo này yêu cầu bình luận về tin này.

Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chính sách Australia, một think-tank được chính phủ Úc hậu thuẫn, nói rằng ông tiên liệu đa số các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng sẽ thực hiện các chuyến đi để khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển và trên không trong Biển Đông.

Ông Jennings nói điều thiết yếu là các đồng minh của Mỹ phải hành động bởi vì không thể ‘để mặc cho Hoa Kỳ phải đơn độc xử lý một vấn đề đang gây nhiều lo lắng cho Philippines và Việt Nam’.

Theo tin của Sydney Morning Herald, Australia sẽ vẫn tiến hành các cuộc diễn tập hải quân chung với Trung Quốc, bất chấp tình hình Biển Đông đang nóng lên sau động thái mới nhất của Mỹ.

Theo kế hoạch đã định, hai tàu hộ vệ lớp Anzac của Australia là HMAS Arunta và HMAS Stuart sẽ lên đường tới cảng Trạm Giang, cảng nhà của Hạm đội Nam Hải, để tham gia tập trận chung với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông vào tuần tới. Nhưng theo trang mạng tin tức News.com.au, cuộc diễn tập này đã được hoãn lại.

Trước đó, trang mạng tin tức news.com.au tường thuật rằng Australia loan báo hoãn lại các cuộc diễn tập hải quân chung với Trung Quốc, sau khi chiến hạm Mỹ USS Lassen tiến gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp trong Biển Đông.

Trong một thông báo phổ biến hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Úc nói Australia, tại thời điểm này, không tham gia hoạt động của Mỹ, nhưng ‘điều quan trọng là phải thừa nhận tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do bay ngang các vùng biển quốc tế, kể cả Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế. Australia mạnh mẽ hậu thuẫn các quyền đó.

Bà Payne nói thêm rằng Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hoà bình và ổn định, việc tôn trọng luật pháp quốc tế, lưu thông tự do của các thương thuyền đi ngang qua Biển Đông.” Được biết 60% hàng xuất khẩu của Australia đi ngang qua Biển Đông. Và càng phức tạp hơn nữa, khi Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Australia.

Hãng tin AP hôm qua tường thuật rằng nhà lãnh đạo Indonesia kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc tranh chấp Biển Đông hãy tự chế. Phát biểu tại Washington hôm thứ Ba, vài giờ sau khi chiến hạm Mỹ USS Lassen tiến gần một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp trong Biển Đông, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi Trung Quốc và ASEAN hãy khởi sự các cuộc đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử trển biển để quản lý những căng thẳng tại đây.

Nguồn: Hong Kong Free Press, AP, WSJ, Sydney Morning Herald

Your browser doesn’t support HTML5

Mỹ nói có quyền bay, lưu thông tàu ở bất cứ nơi nào luật cho phép