Hệ thống đang được thiết đặt tại khu vực Pilbara của tiểu bang Tây Australia sẽ theo dõi các trận động đất quanh vùng Ấn Độ Dương. Đặc biệt, hệ thống này theo dõi các dấu hiệu của những vết rạn dưới mặt đất dọc theo bán đảo Indonesia về phía bắc.
Các nhà khoa học nói đây là giàn thiết bị địa chấn đầu tiên được thiết kế để dự đoán cả thời điểm lẫn địa điểm xảy ra sóng thần. Thông tin được truyền tức thời, ngay lúc sóng thần đang diễn ra, đến một trung tâm cảnh báo sóng thần ở Melbourne, và Viện Khoa Học Địa lý của chính phủ Australia ở Canberra.
Dàn thiết bị địa chấn này là một hệ thống các máy ghi địa chấn được liên kết với nhau để đo lường và thu thập sức mạnh cũng như thời gian động đất diễn ra. Các máy ghi địa chấn được sắp xếp theo mô thức hình học để tăng độ nhạy cảm với những gì xảy ra dưới lòng đất.
13 lỗ khoan đã được khoan trên một khu vực có diện tích 26 km vuông. Thiết bị giám sát sau đó được hạ xuống dưới lòng đất. Hệ thống này vận hành bằng pin mặt trời, và các bộ pin phụ trội, trong trường hợp cần thiết.
Giáo sư Phil Cummins thuộc Viện nghiên cứu Geoscience Australia cho biết đây là một hệ thống có một không hai.
Giáo sư Cummins nói: "Một mạng địa chấn khác với một trạm địa chấn chỉ có một thiết bị cảm biến duy nhất, mạng địa chấn không chỉ thấy sóng thần ập đến, mà còn có khả năng theo dõi hướng đi và năng lực của sóng. Như vậy khi năng lực được ghi trong thiết bị cảm biến, nó có thể theo dõi nơi phát xuất năng lượng và hướng đi của nó, dữ kiện này có thể giúp chúng ta vạch ra diễn tiến của sóng từ một số trận động đất lớn có thể diễn ra ở khu vực phía bắc nước Úc, và ở những nơi khác nữa."
Sóng thần là một đợt sóng khổng lồ bung ra do các trận địa chấn sâu dưới lòng biển, hoặc do phun trào núi lửa gây ra. Đầu năm nay, nhiều khu vực của Nhật Bản đã bị tràn ngập dưới một trận sóng thần, gây ra những thiệt hại thảm khốc về nhân mạng và tài sản, kể cả nhiều lò phản ứng hạt nhân.
Năm 2004, một trận sóng thần đã giết chết hơn 230.000 người tại 14 quốc gia. Các khu vực duyên hải bị tràn ngập dưới những ngọn sóng cao đến 30 mét. Rất nhiều nạn nhân trận sóng thần này là cư dân của tỉnh Aceh của Indonesia.
Sau trận thiên tai này, Hệ thống cảnh báo sóng thần tại Ấn Độ Dương được thành lập, và hệ thống mới của Australia, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay, sẽ bổ sung cho hệ thống cảnh báo sóng thần tại Ấn Độ Dương.
Hệ thống này được thiết kế để cung cấp các thông tin chính xác tương tự như thông tin do Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đặt ở Hawaii, cung cấp cho các nước ven Thái Bình Dương từ thập niên 1960 tới nay.
Trung bình mỗi ngày có một trận động đất xảy ra ở Úc, phần lớn các cơn địa chấn này quá nhỏ để có thể nhận biết, nếu không có thiết bị đo đạc. Mặc dù nước Úc nằm giữa hai mảng kiến tạo Ấn-Úc, Australia không phải là một nước nơi các trận động đất mạnh gây nhiều thiệt hại xảy ra, như trường hợp của nhiều nước láng giềng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Các nhà khoa học Australia đang kiểm lại những chi tiết cuối cùng trong một hệ thống cảnh báo sóng thần tối tân ở một khu vực hẻo lánh vùng sa mạc phía bắc Perth. Các nhà khảo cứu nói rằng bộ cảm biến trong hệ thống là loạt thiết bị đầu tiên có khả năng dự đoán nơi chốn và thời gian sóng thần có thể đập vào. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.