Bà Clinton: Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với Miến Điện

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington sẽ tiến hành các bước dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu từ Miến Điện để đáp lại các cải cách đang được chính phủ do phe quân nhân hậu thuẫn tiếp tục thực hiện tại quốc gia Đông Nam Á này.

Tại một cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, bà Clinton nói với Tổng thống Miến Điện Thein Sein rằng Mỹ sẽ ‘bắt đầu quá trình’ nới lỏng các hạn chế đối với các mặt hàng của Miến Điện nhập khẩu vào Mỹ.

Động thái vừa kể, sẽ được thực hiện với sự hợp tác của quốc hội, cho thấy việc dỡ bỏ biện pháp chế tài thương mại lớn cuối cùng của Mỹ đối với Miến Điện khi quốc gia này đang hồi phục sau nhiều thập kỷ bị cô lập cả về kinh tế lẫn chính trị.

Quyết định được đưa ra tiếp sau các quyết định gần đây của Mỹ, khôi phục các mối quan hệ ngoại giao và dỡ bỏ các biện pháp chế tài đối với đầu tư của Mỹ ở Miến Điện.

Tổng thống Thein Sein, người đã giám sát một loạt các cải cách kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, cho biết ông ‘rất cảm kích’, và rằng người dân Miến Điện ‘rất hài lòng’ trước các bước đi của Mỹ.

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi tuần trước đã bày tỏ sự ủng hộ của bà đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận nhập khẩu, và cho rằng việc nới lỏng thêm nữa các biện pháp chế tài sẽ giúp người dân Miến Điện. Bà Clinton hôm qua cho hay động thái trên được tiến hành một phần là vì có cả yêu cầu từ chính phủ lẫn phe đối lập.

Ông Bo Hla Tint, nhà phân tích về vấn đề Miến Điện và là cựu ngoại trưởng của chính phủ Miến Điện lưu vong đặt trụ sở ở Washington, nói với đài VOA rằng ông hy vọng động thái này thời gian tới sẽ giúp cải thiện đời sống của những người dân nghèo khó của Miến Điện.

Ông Bo nói: “Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất không chỉ đối với Miến Điện, mà còn đối với các nước khác ở khu vực châu Á. Vì thế, bước đi đó sẽ rất hữu ích.”

Ông Bo Hla Tint cho rằng Miến Điện có lẽ là chưa sẵn sàng bắt đầu xây dựng các nhà máy sản xuất quần áo và các mặt hàng dệt may mà có thể được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Nhưng ông nói rằng động thái này quan trọng vì nó có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo Miến Điện tiếp tục thực hiện các cải cách dân chủ.

Kể từ khi lên nắm quyền tháng ba năm ngoái, chính phủ của ông Thein Sein, một cựu tướng lĩnh, đã bắt đầu thả các tù nhân chính trị, nới lỏng kiểm duyệt và mở các cuộc đối thoại với phe đối lập dân chủ và các nhóm dân tộc thiểu số vũ trang.

Nhưng Washington vẫn tiếp tục hối thúc Miến Điện thực thi các bước đi tiếp theo, trong đó có việc phóng thích tất cả các tù nhân chính trị còn lại, đề xuất các thỏa thuận hòa bình với các nhóm dân tộc thiểu số và chấm dứt mối quan hệ bị mà nước này bị nghi là đang có với quân đội Bắc Triều Tiên.

Bà Jennifer Quigley thuộc tổ chức Vận động cho Miến Điện có trụ sở ở Washington nói với đài VOA rằng bà thất vọng vì việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu, nhưng bà thừa nhận rằng nó sẽ có một số tác động tích cực.

Bà Quigley nói: “Sẽ có công ăn việc làm cho một số người dân tại khu vực đô thị mà trước đây không có. Nhưng mối quan tâm lớn hơn của chúng tôi là việc đòn bẩy cuối cùng trong việc thương thảo với chính quyền quân nhân Miến Điện giờ không còn nữa. Và các pháp trừng phạt được áp đặt vì các lý do nhân quyền và chính trị, nên bước đi đó không để lại bất kỳ cơ hội nào để gây áp lực thúc đẩy các vấn đề lớn vẫn còn tồn tại ở nước này.”

Một số nhà quan sát đã suy đoán rằng Washington một phần muốn nối lại bang giao với Miến Điện trong khuôn khổ sách lược hướng về châu Á, mà nhiều người coi là nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

http://www.youtube-nocookie.com/embed/6o_k5B8ucLk