Ba Lan hôm 30/3 công bố các bước để chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm, trong khi Đức đưa ra cảnh báo về mức khí đốt tự nhiên và kêu gọi mọi người tiết kiệm. Đây là những dấu hiệu mới cho thấy cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm leo thang căng thẳng về việc đảm bảo cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Ba Lan, quốc gia tiếp nhận hàng triệu người Ukraine tị nạn, đã dẫn đầu Liên minh châu Âu trong việc nhanh chóng cắt bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga. Khối 27 quốc gia từ chối áp chế tài về năng lượng vì phụ thuộc vào Moscow về nhiên liệu cần thiết cho ô tô, điện, hệ thống sưởi và công nghiệp, nhưng gần đây họ cũng đã công bố các đề án về việc chính họ sẽ dứt ra khỏi các nguồn cung cấp đó.
“Chúng tôi đang trình bày kế hoạch táo bạo nhất ở châu Âu để từ bỏ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết trong một cuộc họp báo.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Ba Lan cho biết họ cấm nhập khẩu than của Nga, dự kiến áp dụng vào tháng 5. Thủ tướng Morawiecki cho biết Ba Lan sẽ thực hiện các biện pháp để trở nên “độc lập” với nguồn cung cấp của Nga và cũng đang kêu gọi các nước khác của Liên minh châu Âu “từ bỏ”.
Trong khi một số người dân châu Âu đang kêu gọi tẩy chay ngay lập tức tất cả dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, thì EU có kế hoạch giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn trước năm 2030.
Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU và là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt tự nhiên của Nga, đã ký kết các thỏa thuận với một số nhà cung cấp LNG, được vận chuyển đến các nước châu Âu láng giềng và sau đó được bơm vào Đức. Các quan chức cho biết họ muốn chấm dứt việc sử dụng dầu và than đá của Nga trong năm nay và khí tự nhiên từ nước này vào giữa năm 2024.
Tuy nhiên, nó vẫn không ngăn được nỗi sợ hãi về những tháng ngày sắp tới. Đức hôm 30/3 đưa ra cảnh báo sớm về nguồn cung cấp khí đốt và kêu gọi các công ty và hộ gia đình tiết kiệm trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể cắt giao hàng khí đốt trừ khi được thanh toán bằng đồng rúp.
Các quốc gia phương Tây đã bác bỏ yêu cầu đó, cho rằng nó sẽ làm suy yếu các lệnh trừng phạt vì chiến tranh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 30/3 cho biết rằng việc chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp khi mua khí đốt của Nga sẽ là một “quá trình kéo dài”. Ông Peskov lưu ý rằng luôn có khoảng cách thời gian giữa việc cung cấp nguồn khí đốt và các giao dịch thanh toán và rằng chính phủ của ông sẽ sớm công bố chi tiết về kế hoạch mới.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, nói với các phóng viên ở Berlin rằng những quy định đó dự kiến được đưa ra vào ngày 31/3. Ông nói thêm rằng Đức đã chuẩn bị cho việc ngừng đột ngột nguồn cung cấp khí đốt của Nga nhưng cũng cảnh báo về "những tác động đáng kể" và kêu gọi người tiêu dùng giúp ngăn chặn sự thiếu hụt bằng cách giảm việc sử dụng của họ.