Bà Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ phải đền bù số tiền mà bà đã chiếm đoạt cũng như gây thiệt hại cho ngân hàng SCB và nhiều khả năng bà sẽ không nhận mức án tử hình nếu bà khắc phục được phần lớn, một luật sư từ trong nước nói với VOA.
Bà Lan, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát, hôm 19/3 đã bị bên công tố đề nghị mức án tử hình – mức án tổng hợp cho ba tội danh là ‘Đưa hối lộ’, ‘Tham ô tài sản’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của ngân hàng’.
Bà Lan và 86 bị cáo khác, trong đó người thân của bà và các lãnh đạo SCB qua các thời kỳ, đang hầu tòa kể từ ngày 5/3 trong đại án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát rút ruột ngân hàng SCB.
Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan giữ quyền công tố, cho rằng do bà Lan ‘phạm tội với thủ đoạn tinh vi’, ‘gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn’ nhưng lại ‘không nhận tội’ và ‘không ăn năn hối cải’ nên ‘cần phải bị loại vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội’, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ về phiên tòa hôm 19/3.
Sẽ không tử hình?
Trao đổi về VOA từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng nếu bà Lan có thể khắc phục được gần hết số tiền thiệt hại thì ‘có thể bà sẽ không bị tử hình’.
Ông nhắc lại đại án Minh Phụng-EPCO vào những năm 90 của thế kỷ trước với bị cáo Tăng Minh Phụng đã bị kết án và thi hành án tử hình về tội lừa đảo – bản án tử hình mà ông Hải cho là ‘sau này người ta cảm thấy không cần thiết’ vì tài sản bị thu giữ của ông Phụng có thể khắc phục hết thiệt hại.
“Họ có thể cân nhắc để tránh có vụ Minh Phụng thứ hai [tức là không tuyên án tử đối với bà Lan],” ông phân tích.
Theo diễn giải của luật sư này bà Lan có thể bị tuyên án chung thân hoặc 30 năm tù và ‘sau chừng 10 năm thi hành án với hậu quả được khắc phục gần hết thì bà Lan có thể được giảm án xuống còn 15 năm chẳng hạn’.
“Tôi tin chắc là họ sẽ không làm đến mức tử hình vì họ cũng nêu rất nhều công trạng và thành tích của bà,” ông chỉ ra.
Trong phần nghị án, đại diện Viện kiểm sát cũng nêu ra những tình tiết giảm nhẹ của bà Lan như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, tích cực từ thiện, có đóng góp trong chống dịch COVID-19…, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Chiếm đoạt và gây thiệt hại
Tuy nhiên, hậu quả mà bà Trương Mỹ Lan gây ra cho ngân hàng SCB theo cáo trạng là số tiền đặc biệt lớn.
Theo đó, tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà trong khoảng thời gian từ năm 2012, năm SCB ra đời trên cơ sở được bà Lan sáp nhập ba ngân hàng yếu kém, đến năm 2022, thời điểm bà Lan bị bắt, đã vay của SCB 1.066.000 tỷ đồng, trong đó một phần đã được hoàn trả cho ngân hàng.
Cùng một hành vi rút ruột ngân hàng nhưng bà Lan lại bị truy tố hai tội danh khác nhau cho hai thời kỳ khác nhau: tội ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của ngân hàng’ trong giai đoạn trước năm 2018 và tội ‘Tham ô tài sản’ cho hành vi từ năm 2018 trở về sau. Theo giải thích của luật sư Trần Vũ Hải thì đến năm 2018 pháp luật Việt Nam mới có tội danh tham ô trong lĩnh vực tư nhân.
Số dư nợ mà bà không thể trả được trong giai đoạn từ 2012 đến 2017 là trên 132 ngàn tỷ tính cả gốc lẫn lãi. Số tiền này sau khi trừ đi tài sản đảm bảo tại ngân hàng thì còn gần 65 ngàn tỷ.
Còn về tội tham ô của bà Lan trong giai đoạn từ 2018 đến 2022, số dư nợ không thể trả của nhóm bà Lan là 545 ngàn tỷ - cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, tội tham ô chỉ tính trên số tiền gốc trong số này, tức là 415 ngàn tỷ. Sau khi trừ 111 ngàn tỷ giá trị tài sản đảm bảo, bà Lan bị xác định đã chiếm đoạt gần 304 ngàn tỷ đồng của ngân hàng.
Nhưng số tiền này nếu cộng luôn cả lãi thì thiệt hại bà Lan gây ra trong giai đoạn này là 433 ngàn tỷ. Tính tổng cộng cả hai giai đoạn, gộp cả gốc lẫn lãi, thì bà Lan gây thiệt hại 498 ngàn tỷ đồng, tức tương đương gần 20 tỷ đô la Mỹ.
Theo luật sư Trần Vũ Hải thì nếu là vụ án dân sự thì bà Lan phải khắc phục hết số tiền chiếm đoạt và thiệt hại, nhưng trong vụ án hình sự thì ‘chỉ cần khắc phục số tiền chiếm đoạt thôi’.
“Hay là tòa có thể nói là khắc phục số tiền chiếm đoạt trước, số tiền thiệt hại sau vì số tiền thiệt hại phải tính toán rất tỉ mỉ,” ông nói.
Định giá thấp?
Hiện giờ nhiều tài sản của bà Lan và gia đình bà đã bị cơ quan tố tụng kê biên để làm cơ sở đền bù cho ngân hàng SCB, trong đó có nhiều bất động sản đã được bà đưa vào thế chấp ở ngân hàng này.
Luật sư Hải cho rằng tài sản mà bà Lan nhờ người khác đứng tên giùm nếu chứng minh được là tài sản của bà Lan thì Nhà nước cũng sẽ thu hồi để phục vụ cho vụ án.
Riêng đối với bất động sản không đủ giấy tờ pháp lý mà các công ty định giá không công nhận giá trị, luật sư Hải đề xuất ‘nhà nước sẽ tìm mọi cách tạo điều kiện cấp đủ giấy tờ’, còn trong trường hợp ‘thiếu khoản tiền gì đó Nhà nước sẽ tính nợ để sau này người mua lại bất động sản đó sẽ trả’.
Bà Lan sở hữu nhiều bất động sản đắc địa ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có tòa nhà Capital Place ở số 29, đường Liễu Giai, Hà Nội mà con gái bà hiện đang rao bán với giá 1 tỷ đô la, báo chí trong nước đưa tin.
Luật sư Trần Vũ Hải bày tỏ quan ngại tài sản của bà Lan được cơ quan tố tụng định giá thấp hơn so với giá trị thực.
“Nếu định giá không sát thực tế thì hoàn toàn có thể xảy ra những vấn đề thiếu minh bạch trong tương lai,” ông bày tỏ.
Ông dẫn lại vụ án EPCO-Minh Phụng mà khi đó ông cho rằng tài sản của hai công ty EPCO và Minh Phụng bị định giá thấp, nếu không số tiền nhà nước thu hồi được ‘có thể gấp mấy lần thiệt hại’.
“Quá trình thi hành án (thanh lý tài sản) xảy ra tham nhũng nên tài sản bị bán lại cho người khác với giá rất thấp khiến người mua hưởng được chênh lệnh (trong khi Nhà nước bị thiệt hại),” ông cho biết.
“Nói nôm na là nếu bán hết tài sản của bà ấy mà thu được trên 304 ngàn tỷ thì chưa chắc là bà đã gây thất thoát.”
Bản thân bà Lan khi phát biểu trước tòa hôm 13/3 cũng phản đối kết quả thẩm định giá trị tài sản đảm bảo do bên thứ ba được SCB thuê. Bà Lan cho rằng 726 trong 1.166 tài sản đảm bảo của bà được Công ty Hoàng Quân định giá 253.000 tỉ đồng, tức khoảng 10 tỷ đô la Mỹ, là ‘quá thấp’ và kiến nghị định giá lại toàn bộ. Bà dẫn chứng dự án Mũi đèn đỏ ở khu Thủ Thiêm mà bà đã bỏ ra hơn 100.000 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng được Hoàng Quân định giá chỉ có 17.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, luật sư Hải chỉ ra một ‘khoản rất thú vị’ là số tiền cọc mấy trăm tỉ đồng mà hai công ty con của tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp cho Nhà nước khi tham gia đấu giá mua hai khu đất ở Thủ Thiêm hồi năm 2022 nhưng sau đó bỏ cọc.
“Không biết nhà nước có cho bà Lan thu hồi lại số tiền hay không? Nếu như bà Lan bị xem là đã bỏ của chạy lấy người thì số tiền đó theo quy định sung vào ngân sách nhà nước,” ông phân tích.
Tuy nhiên, ông cho rằng cũng cần phải xác định số tiền đó lấy từ đâu: từ tiền của SCB hay tiền huy động qua trái phiếu. Nếu là tiền của SCB thì thu hồi lại đền cho SCB, còn nếu là tiền từ trái phiếu thì để dành lại cho vụ án về trái phiếu sẽ xét xử sau.
Trái phiếu thì sao?
Ngoài cáo trạng rút ruột ngân hàng SCB, bà Lan còn bị cáo buộc ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ khi thông qua ngân hàng SCB chiêu dụ người dân mua trái phiếu rác để chiếm đoạt gần 30.000 tỷ đồng của 40.000 người dân trên khắp cả nước.
Mặc dù vụ trái phiếu bị khởi tố trước vụ SCB nhưng lại bị đưa ra xử sau, và hiện có quan ngại sau khi xử vụ SCB đến vụ trái phiếu bà Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ không còn tiền để trả cho người bị hại, theo tìm hiểu của VOA.
Ông Hải cho rằng do Ngân hàng Nhà nước đang ‘ôm SCB’ nên ‘có lẽ Nhà nước muốn thu hồi hết tài sản cho SCB để tránh đổ vỡ ngân hàng, gây tác động dây chuyền’.
“Có thể các cơ quan tố tụng làm theo chỉ đạo là cái nào hoàn thành trước thì xử trước còn cái nào chưa xong thì tiếp tục làm,” ông phân tích và cho rằng vụ trái phiếu còn liên quan đến nhiều công ty con của Vạn Thịnh Phát với số nạn nhân thiệt hại lớn, thống kê nhiều hơn nên ‘phức tạp hơn’.
Ông cho rằng trong vụ án trái phiếu, nếu SCB bị xác định là một bên lừa đảo dân mua trái phiếu thì ‘họ cũng phải chịu trách nhiệm’.
Ông đề xuất các nạn nhân trái phiếu nên liên kết với nhau để thực hiện quyền của chủ nợ trái phiếu đàm phán với Nhà nước về việc bồi thường của bà Lan.