Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng để mở rộng các nguồn năng lượng xanh và xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại Hà Nội hôm 21/7 trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam, Reuters cho biết.
‘Friendshoring’
“Chúng tôi không tìm cách xây dựng mọi thứ ở Mỹ. Thay vào đó, chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi kinh tế dài hạn đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng,” bà Yellen được Tuổi Trẻ dẫn lời nói. “Điều này có nghĩa là làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế của Mỹ với nhiều quốc gia mà Mỹ có thể tin cậy, trong đó có Việt Nam.”
Bà cho biết việc này nằm trong chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường sức chống chịu cho nền kinh tế Mỹ trước những cú sốc trong thời gian qua như dịch bệnh, địa chính trị khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Bà Yellen nói trước Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN rằng thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng gần 25% một năm trong hai thập kỷ qua và đạt mức kỷ lục vào năm ngoái.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy đà này đang chậm lại,” bà Yellen nói và lưu ý đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam cũng đang tăng tốc.
Chuyến thăm của bà Yellen là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm nâng cấp quan hệ với Việt Nam vào lúc nước này nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc bằng cách mở rộng sản xuất trong nước và thúc đẩy thương mại với các đối tác đáng tin cậy. Nhưng các nhà phân tích nhận định rằng nỗ lực của Mỹ gặp phải một sự chống đối nhất định ở Hà Nội do lo ngại Trung Quốc có thể coi động thái này là thù địch.
Bà Yellen lưu ý rằng Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và dẫn ra các khoản đầu tư lớn của các công ty Mỹ tại Việt Nam.
Điển hình như công ty Amkor, có trụ sở tại bang Arizona, sẽ mở nhà máy lắp ráp, thử nghiệm chất bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh, còn hãng Intel có cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất thế giới đặt tại Khu công nghệ cao Sài Gòn thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Một công ty Mỹ khác là Onsemi cũng đang sản xuất chip được sử dụng trong ô tô ở tỉnh Đồng Nai.
Bài diễn văn của bà Yellen không đả động gì đến Trung Quốc. Bà nhấn mạnh nỗ lực của Washington đưa chuỗi cung ứng đến những nước thân thiện (friendshoring) không chỉ dành cho ‘một nhóm các nước’, mà mang tính mở và cho phép các nền kinh tế tiên tiến, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển cùng tham gia.
Bà cho biết Washington đang tìm cách tăng cường quan hệ với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, bao gồm thông qua cam kết của G7 huy động 600 tỷ đô la đầu tư cho cơ sở hạ tầng, mà các chuyên gia coi là nhằm để đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Mỹ cũng đang nỗ lực giúp các nước, trong đó có Việt Nam, đối phó khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, bà Yellen nói và chỉ ra sự hỗ trợ của Mỹ cho chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam vốn đang tìm cách huy động 15 tỷ đô la trong các quỹ công và quỹ tư để giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Bây giờ, điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác để tạo thời cơ cho những nỗ lực này ở Việt Nam, đánh giá cơ hội dự án với các ngân hàng phát triển đa phương và đưa ra Kế hoạch huy động nguồn lực để xây dựng lộ trình thực hiện,” bà Yellen nói.