‘Bắt Bắc Hà’ không chỉ là tin đồn…

Hình minh họa. REUTERS.

Mà còn có cơ sở.

Hơn cả thế, là “cơ sở thực tiễn” - nói theo ngôn từ rất ưa thích của giới chóp bu Việt Nam.

“Cơ sở thực tiễn” ấy không phải xuất phát từ vài ba nhà đầu tư nhỏ lẻ hay “tay to” muốn trục lợi trong thị trường chứng khoán xanh đỏ mỗi ngày, mà từ… nhà báo Huy Đức.


“Cây bút tín hiệu”


Ngày 9/8/2017, Huy Đức “ngẫu hứng” đăng một status trên facebook của ông với tựa đề vỏn vẹn “Bắc Hà”. Tuy chẳng viết gì về chuyện ông Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - bị công an bắt hoặc có thể bị bắt, Huy Đức chỉ mô tả kèm hình ảnh “Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (phải cùng) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ "dưới Ba Dũng" và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.” Cùng ngày, chỉ số chứng khoán Việt Nam lao dốc đến hơn 2%.

Huy Đức không chỉ là tác giả của “Bên thắng cuộc” vào thời gian năm 2013, mà từ cuối năm 2015 đến nay còn nổi tiếng ở một khía cạnh khác: nhà báo này được một số dư luận xem là “tín hiệu” cho những cuộc kỷ luật hoặc bắt bớ trong nội bộ.

Vào tháng 10/2015 - gần 3 tháng trước khi diễn ra đại hội 12, cây viết Huy Đức đã tung lên mạng xã hội bài “Em vợ thủ tướng & siêu lừa Dương Thanh Cường”, mổ xẻ chi tiết về vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm - em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - mà Huy Đức xem là “mắt xích” quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỷ đồng). Sau đó, người ta chứng kiến Thủ tướng Dũng phải làm bản giải trình 12 điểm cho Bộ Chính trị, rồi “rớt đài” đau đớn tại Đại hội 12. Từ sau đại hội 12 đến nay, không biết tướng Liêm ở đâu. Thậm chí có luồng thông tin cho rằng ông Liêm đã hoàn toàn “mất tích”.

Vào tháng 9/2016 và ngay trước Hội nghị trung ương 4, Huy Đức lại có bài ‘THANH hay THĂNG’ trên blog Ba Sàm. Đây là một bài báo rất đáng chú ý, xét về tính tín hiệu chính trị cho cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng CSVN. Đây lần đầu tiên Huy Đức đề cập trực tiếp với chiều sâu về nhân vật Đinh La Thăng - khi đó là Ủy viên bộ chính trị và Bí thư thành ủy TP.HCM. Huy Đức kết luận trong bài ‘THANH hay THĂNG’: “Thanh – Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là “tan hoang”. Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ “xảy ra ở PVC” mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng”.

Có thể hình dung, bài viết trên đã hướng Cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an sang một “quy trình” mới: PVN (Tập đoàn Dầu khí quốc gia).

Nhưng có vẻ vào tháng 9/2016, Huy Đức đã bị “việt vị”. Hội nghị trung ương 4 trôi qua buồn tẻ và chẳng hề xuất hiện hồ sơ nào của Vũ Đức Thuận, còn vị thế của Đinh La Thăng vẫn nguyên vẹn.

Phải đến tháng 5/2017, tại Hội nghị trung ương 5, Huy Đức mới toại nguyện khi Đinh La Thăng bị “đá” khỏi Bộ chính trị và chức vụ bí thư thành ủy TP.HCM, cùng lúc nhân vật này bị “nhốt quyền lực vào lồng” - theo cách nói sính dùng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - tại Ban Kinh tế trung ương cùng với Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước và cũng là người được xem là trợ thủ đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là thủ tướng.

Đầu tháng 8/2017, Huy Đức lại là nguồn tin đầu tiên phát tín hiệu “bắt Trầm Bê”. Trầm Bê là một đại gia ngân hàng, người được xem là “tay hòm chìa khóa” của nhóm Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Văn Bình.

Còn lúc này là Trần Bắc Hà…


Trục “Nguyễn Văn Bình - Trần Bắc Hà”?


Trần Bắc Hà cũng được xem là một đại gia ngân hàng. Nhưng hơn cả thế, ông Hà được cho rằng có mối quan hệ rất “đặc biệt” với Nguyễn Văn Bình thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Nói cách khác, có thể ví trục Nguyễn Văn Bình - Trần Bắc Hà với trục Nguyễn Tấn Dũng - Trầm Bê.

Một sự trùng hợp đáng điên đảo đối với ông Trần Bắc Hà là vào tháng Tám này - thời điểm có “tin đồn” ông Hà bị bắt, lại “ứng” với tháng Tám năm 2012 khi một đại gia ngân hàng là Bầu Kiên bị bắt thật, khiến thị trường chứng khoán lao dốc không phanh trong suốt mấy phiên.

Vào buổi sáng ngày 9/8/2017, mặc dù một quan chức (giấu tên) của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã giải thích với báo chí rằng không có chuyện bắt ông Trần Bắc Hà, nhưng cái cách mà chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục lao dốc đến hết ngày hôm đó đã cho thấy “tin đồn” diễn biến theo cách không có lửa sao có khói.

Trước khi bị bắt vào năm 2012, Bầu Kiên cũng vài lần bị “tin đồn”, và cũng có quan chức đứng ra thanh minh “không có chuyện bắt ông Nguyễn Đức Kiên”.

Ngay trước khi Trầm Bê bị bắt vào đầu tháng 8/2017, cũng có tin ngoài lề cho biết “Trầm Bê đã thoát”.

Điểm tương trùng với sự kiện bắt Bầu Kiên năm 2012 là vào ngày 9/8/2017 khi chỉ số chứng khoán lao dốc, đã không có hiện tượng những nhà đầu tư nào đó cố ý tung tin đồn để trục lợi bằng hành vi “gom hàng giá thấp”.

Chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đang phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Một trong những nhân vật được dư luận cho rằng nằm trong “vây cánh Nguyễn Tấn Dũng” mà sẽ bị ông Trọng “tỉa từng người một” là đương kim ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình.


“Nguy cơ mất chế độ, mất Đảng chứ không phải chuyện đùa


Ba ngày trước khi xuất hiện “tin đồn” ông Trần Bắc Hà bị công an bắt, vào chiều ngày 6/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một cuộc tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ. Tại đây, khi nói về vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lần đầu tiên ông Trọng tán thán “Dư luận bức xúc lắm, nguy cơ mất chế độ, mất Đảng chứ không phải chuyện đùa”.

Vào những năm 2011 - 2012, Tổng bí thư Trọng mới chỉ lo ngại về “sự tồn vong của chế độ”, liên quan đến tham nhũng.

Giờ đây, “cây bút tín hiệu” Huy Đức có lẽ đang báo trước một “điềm”, nếu không phải xấu thì cũng chẳng tốt lành gì, dành cho ông Trần Bắc Hà, dù ông đã lui về hưu trí từ năm ngoái.