Bắc Triều Tiên sáng sớm thứ Hai 06/03 đã phóng bốn phi đạn đạn đạo. Ba trong số đó bay 1.000 kilômét trước khi rơi xuống biển cách đất liền của Nhật Bản khoảng 350 kilômét.
Các phi đạn Bắc Hàn vừa phóng hình như không phải phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm xa, gọi tắt là ICBM.
Ông Roh Jae-chun, sĩ quan công vụ của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Triều Tiên, cho biết:
"Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đang phân tích kỹ các thông tin. Có rất ít khả năng đó là phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm xa, nhưng mọi thông tin cần phải được phân tích và đánh giá chính xác hơn nữa."
Hồi tháng 1, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tỏ ý cho thấy nước ông sắp phóng thử phi đạn đạn đạo tầm xa. Trước khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã đáp lại lãnh tụ Kim trên Twitter rằng “điều đó sẽ không xảy ra,” hàm ý rằng Washington sẽ không để cho Bình Nhưỡng phát triển phi đạn đạn đạo tầm xa có khả năng phóng đến lục địa Hoa Kỳ.
Your browser doesn’t support HTML5
Tăng tốc thử nghiệm phi đạn
Trong vòng một năm qua, Bắc Hàn đã tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo. Bình Nhưỡng đã phóng thử 25 phi đạn và hai lần thử nghiệm hạt nhân.
Quân đội Hàn Quốc cho hay các phi đạn hôm thứ Hai được phóng đi từ khu vực Tongchang-ri gần biên giới Trung Quốc. Hồi tháng 2 năm 2016 tại cơ sở vệ tinh Tongchang-ri ngay trong khu vực này, Bắc Hàn đã sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm xa để phóng một vệ tinh vào không gian.
Các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ trước đây nói rằng họ tin là Bắc Triều Tiên có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa tầm xa KN-08, mặc dù Bình Nhưỡng chưa thể hiện khả năng đó.
Quân đội Hoa Kỳ hôm Chủ nhật cho hay họ phát hiện và theo dõi điều mà theo phân tích của họ là một vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên, nhưng cũng nói thêm rằng vụ phóng đó không đe dọa đến Bắc Mỹ.
Các phi đạn được phóng hôm thứ Hai bay xa gấp đôi phi đạn đạn đạo tầm trung Musudan mà Bắc Triều Tiên phóng thử hồi tháng trước. Các giới chức Nhật Bản cho biết không có báo cáo thiệt hại nào xảy ra cho tàu bè hay máy bay trong khu vực các phi đạn của Bắc Hàn rơi xuống biển.
Phi đạn Musudan theo ước đoán có tầm bay xa tối đa là 3.000 kilômét, có nghĩa là phi đạn đó có thể phóng đến các mục tiêu trên đất liền của Nhật Bản cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. Các thành phố lớn của Mỹ ở gần Bắc Hàn nhất là Anchorage cách xa 5.600 kilômét, Honolulu cách xa 7.000 kilômét và Seattle cách xa 7.900 kilômét.
Phản ứng của Mỹ và các đồng minh
Trung tá Martin O’Donnell, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ nói các lực lượng của Mỹ “tiếp tục cảnh giác cao trước những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên và cam kết toàn diện hợp tác với hai đồng minh Nam Triều Tiên và Nhật Bản trong việc duy trì ổn định.”
Quyền phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên và yêu cầu các nước “tận dụng các kênh liên lạc và mọi ảnh hưởng có được để nói rõ với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rằng hành động khiêu khích thêm nữa không được chấp nhận.”
"Chúng tôi cũng kêu gọi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên kiềm chế các hành động gây hấn và những phát biểu hung hãn đe dọa đến hòa bình và ổn định của thế giới, và hãy chọn cách đáp ứng nghĩa vụ quốc tế của họ và trở lại đàm phán nghiêm túc. Cam kết bảo vệ cho các đồng minh của chúng tôi, trong đó có Nam Triều Tiên và Nhật Bản, trước những đe dọa được kiên quyết giữ vững. Chúng tôi luôn sẵn sàng và sẽ tiếp tục có thêm những bước tăng cường, để tự vệ và bảo vệ cho các đồng minh, và chúng tôi chuẩn bị vận dụng mọi khả năng của chúng tôi để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng này."
Sau khi họp với Hội đồng An ninh Quốc gia, Thủ tướng Hàn Quốc kiêm Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn lên án vụ thử nghiệm phi đạn.
Quyền Tổng thống Hwang nói:
"Chính phủ Nam Triều Tiên mạnh mẽ lên án việc Bắc Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo bất chấp những cảnh cáo liên tục của Nam Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Đó là một hành động thách thức cộng đồng quốc tế và là hành động khiêu kích trắng trợn."
THAAD
Quyền tổng thống Hàn Quốc cũng nói rằng hành động không kiềm chế của Bắc Hàn thử nghiệm phi đạn đạn đạo cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ, vốn đang gây nhiều tranh cãi, để làm lá chắn phòng vệ cho Nam Triều Tiên. Ông nói:
"Chúng tôi cần phải thiết đặt hệ thống phòng thủ này để chống lại mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên, và cần tích cực đặt ra các biện pháp hữu hiệu để tăng cường khả năng của Mỹ ngăn chặn các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên."
Dự định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đã bị Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối vì sợ rằng hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ sẽ làm căng thẳng leo thang không cần thiết, và cũng sợ rằng hệ thống ra đa cực mạnh của THAAD có thể đề ra một mối đe dọa đối với Trung Quốc.
Tin cho hay Trung Quốc gia tăng các biện pháp trả đũa đối với Nam Triều Tiên bằng việc không chính thức giới hạn nhập khẩu và hoạt động du lịch của Hàn Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên án vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Ông Abe nói rằng các phi đạn của Bắc Triều Tiên phóng hôm thứ Hai rơi xuống biển cách bán đảo Oga thuộc tỉnh Akita của Nhật Bản chỉ có 300 đến 350 kilômét cho thấy mối nguy hiểm đang tăng cao đối với Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói: “Vụ phóng phi đạn này rõ ràng cho thấy Bắc Triều Tiên đề ra một mối đe dọa với mức độ mới, cao hơn.”
Nhật Bản dự định tăng cường khả năng phòng thủ phi đạn đạn đạo và đang tính đến việc mua hệ thống phòng thủ THAAD hoặc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn Aegis trên mặt đất. Hệ thống Aegis hiện được triển khai trên tàu chiến trong Biển Nhật Bản.
Thao dượt quân sự chung
Một hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên vào thời điểm này không phải là hoàn toàn bất ngờ. Bình Nhưỡng trước đây từng đe dọa sẽ có “biện pháp trả đũa mạnh mẽ” sau khi Mỹ và Hàn Quốc thao dượt quân sự chung hàng năm hồi tuần trước nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng phòng vệ chống mối đe dọa tấn công của Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đang xem xét một loạt phương án quân sự để chống lại mối đe dọa phi đạn của Bình Nhưỡng. Tờ New York Times loan tin rằng các phương án đang được thảo luận, trong đó có phương án tấn công các địa điểm phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên bằng tên lửa và phương án vũ trang hạt nhân cho Nam Triều Tiên.