Trump đánh thêm thuế vì Trung Quốc câu giờ?

Ông Trump (trái) và ông Tập bên lề thượng đỉnh Osaka, Nhật Bản, tháng Sáu, 2019.

Sự bất mãn với tiến độ chậm chạp và thái độ ‘chờ thời’ của Trung Quốc trong đàm phán là lý do chính khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên toàn bộ số hàng hóa còn lại chưa bị đánh thuế của Trung Quốc bất chấp thỏa thuận đình chiến mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đạt được hồi cuối tháng Sáu, các phân tích gia cho biết.

Thái độ trì hoãn này của Trung Quốc, trái ngược với sự nôn nóng muốn có thỏa thuận của ông Trump, khác hẳn với thời điểm cuối năm ngoái khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp với ông Trump tại Argentina với mong muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Chờ tới sau bầu cử?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 đã bất ngờ tuyên bố ông sẽ áp thuế đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tức là trên thực tế đánh thuế toàn bộ mọi sản phẩm mà người Mỹ mua từ Trung Quốc.

Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer kết thúc hai ngày đàm phán tại Thượng Hải nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện. Cả hai bên mô tả các cuộc đàm phán là mang tính xây dựng và cho biết vòng tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng Chín.

Ông Trump đã nói rằng Trung Quốc có thể sẽ không đồng ý ký một thỏa thuận thương mại với Mỹ cho đến sau cuộc bầu cử năm 2020, một phần vì Bắc Kinh muốn chờ xem liệu ông có tái đắc cử hay không.

Tiến độ đàm phán chậm chạp giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này một phần là do Bắc Kinh áp dụng chiến thuật mới khi họ ngày càng cho rằng chờ đợi có thể đem đến có lợi hơn, tờ Wall Street Journal nhận định.

Khi tới Thượng Hải, phái đoàn Mỹ, do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, hy vọng phía Trung Quốc sẽ cam kết mua một số lượng xác định hàng nông sản Mỹ, những người theo dõi cuộc đàm phán nói với Wall Street Journal.

Bắc Kinh, trong khi tỏ ra sẵn sàng đàm phán, cho rằng họ có thể có được những nhượng bộ tốt hơn bằng cách không vội vàng nhượng bộ, theo nhận định các chuyên gia Trung Quốc và những người được thông báo về vòng đàm phán.

Trung Quốc sẽ phục hồi?

Mặc dù cuộc tranh chấp thương mại kéo dài cả năm với thuế quan trừng phạt áp lên hàng trăm tỷ đô la hàng hóa đã làm trầm trọng thêm sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, nhiều nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tin rằng nền kinh tế đang chạm đáy và sẽ phục hồi trở lại, các chuyên gia này cho biết. Trong khi đó, họ nói thêm, tranh chấp kéo dài có khả năng sẽ là vấn đề nhức đầu đối với ông Trump, vì thuế quan này bóp nghẹt người nông dân và người tiêu dùng Mỹ trong thời gian sắp diễn ra bầu cử tổng thống

“Trung Quốc có thể bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi,” ông Mai Tân Dục, nhà nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc được Wall Street Journal dẫn lời cho biết, “Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi,” ông nói, trong khi kinh tế Mỹ có thể sẽ chậm lại. “Tác động của chiến tranh thương mại giai đoạn đầu ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc nhưng giai đoạn sau sẽ ảnh hưởng nền kinh tế Mỹ.”

Tổng thống Trump hôm 30/7 nói rằng kinh tế của Trung Quốc đang rất tệ và lưu ý Bắc Kinh có thể đang trì hoãn các cuộc đàm phán cho đến cuộc bầu cử vào năm tới để xem ông có thua hay không. “Tuy nhiên, vấn đề của việc chờ đợi là nếu tôi thắng, thỏa thuận mà họ nhận được sẽ khó khăn hơn nhiều so với những gì chúng ta đang đàm phán bây giờ,” ông viết trên Twitter.

Nhà Trắng hôm 31/7 cho biết rằng Trung Quốc đã xác nhận cam kết mua số lượng lớn nông sản Mỹ nhưng không nêu chi tiết. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết phía hai bên đang thảo luận nhu cầu Hoa Kỳ ‘tạo ra những điều kiện thuận lợi’ cho việc mua hàng như vậy.

Bắc Kinh có khả năng trì hoãn việc mua thêm hàng nông sản Mỹ trong khi chờ đợi sự nhượng bộ từ phía Mỹ, cũng theo tờ báo tài chính của Mỹ này.

Điều then chốt trong số các nhượng bộ mà Bắc Kinh mong chờ là nới lỏng lệnh cấm tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei tiếp cận công nghệ của Mỹ. Ông Trump trước đây đã nói rằng các công ty Mỹ sẽ được phép tiếp tục bán hàng cho Huawei như một phần trong thỏa thuận của ông với ông Tập.

Kể từ khi các cuộc đàm phán thất bại vào tháng 5, các quan chức Trung Quốc đã nói rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại cuối cùng nào với Mỹ cũng phải hợp lý về lượng hàng hóa mà Trung Quốc có thể mua và phải dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Sự kiên nhẫn nhiều hơn của Trung Quốc lần này trái ngược với thái độ của Bắc Kinh vào cuối năm ngoái, khi sự suy thoái nhanh chóng trong nền kinh tế khiến ông Tập và các quan chức hàng đầu của ông lo lắng và đẩy họ mau chóng đến bàn đàm phán.

Trong những tháng gần đây, các kinh tế gia và các phân tích gia, theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc, đã đi khắp các tỉnh và xem xét dữ liệu để đánh giá liệu nền kinh tế trong nước có thể chịu được tác động kéo dài của thuế quan Mỹ hay không. Một vấn đề đang được xem xét là tác động tiềm năng của việc các công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Các quan chức nói công khai rằng họ có đủ các công cụ chính sách để giữ cho tăng trưởng ổn định và đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm nay. Tại một cuộc họp quan trọng về chính sách kinh tế hôm 30/8, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản nói rằng các nhà chức trách sẽ tăng cường các biện pháp để giải quyết những thách thức mới trong nền kinh tế.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng kêu gọi các tổ chức tài chính cung cấp gói tín dụng dài hạn cho các nhà sản xuất để giúp ổn định đầu tư. Một thước đo hoạt động trong khu vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng trong tháng 7, mặc dù nó vẫn nằm trong khu vực đi xuống trong phần lớn của năm.

Một số nhà kinh tế tin rằng tình trạng suy thoái của Trung Quốc sẽ xấu đi trong những tháng tới, vì nhu cầu trong nước, đặc biệt là từ các công ty tư nhân, vẫn còn yếu. Những người khác hy vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường chi tiêu và thực hiện các biện pháp khác để hỗ trợ tăng trưởng và việc làm trước lễ kỷ niệm 70 ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bất chấp sự tăng trưởng trong tháng 7, nhà kinh tế Larry Hu tại Tập đoàn Macquarie cho biết kinh tế Trung Quốc vẫn đang ở giữa một chu kỳ suy thoái. “Điều tồi tệ nhất chưa xảy ra,” ông nói với Wall Street Journal.

Việc làm là ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo, với các nhà máy sa thải công nhân để đối phó với kinh tế suy giảm trong nước, nhu cầu toàn cầu giảm và tác động thuế quan. Theo ước tính của công ty chứng khoán China International Capital Corp, khoảng 5 triệu công nhân Trung Quốc đã mất việc làm từ tháng 7 năm trước. Con số đó có trước khi Mỹ tăng thuế 10 lên 25% đối với 200 đô la tỷ trong hàng hóa Trung Quốc.

Tác động đến Mỹ

Ngay sau khi ông Trump tuyên bố áp thêm thuế, Chủ tịch Ủy ban Doanh nghiệp nhỏ của Hạ viện Nydia M. Velázquez thuộc Đảng Dân chủ đã lên án động thái này.

“Cuộc chiến thương mại đang diễn ra đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, buộc nhiều người phải trả một khoản thuế không cần thiết đè trên lưng họ do chính quyền này áp đặt,” bà Velázquez nói trong một thông cáo.

“Ngay bây giờ, vì không thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Tổng thống Trump muốn gia hạn thuế quan đối với gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Một Hành động như vậy làm tăng đáng kể sự bất định trên Phố Wall, đồng thời gây thêm tổn thương cho các doanh nghiệp nhỏ và nông dân Mỹ,” thông cáo viết.

Một số nhà kinh tế và các nhân vật chính trị Hoa Kỳ đã nói rằng cuộc chiến thương mại của Trump đang trở thành một lực cản nghiêm trọng hơn đối với tăng trưởng, theo Washington Post. Đầu tư kinh doanh trong quý hai đã giảm 0,6%, mức tồi tệ nhất trong hơn ba năm và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome H. Powell được Washington Post dẫn lời nói hôm 31/7 rằng sự bất định về chính sách thương mại là nhân tố góp phần làm tăng trưởng toàn cầu yếu đi.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông Gary Cohn, cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói rằng ‘mọi người đều thua trong một cuộc chiến thương mại’. Sự không chắc chắn về thuế quan ngăn các doanh nghiệp đầu tư, trong khi thuế nhập khẩu làm tăng chi phí nhập khẩu các sản phẩm trọng yếu từ Trung Quốc và vô hiệu hóa các lợi ích có được từ gói cắt giảm thuế của ông Trump.

“Khi anh xây dựng thiết bị nhà máy, anh mua thép, anh mua nhôm, anh mua các sản phẩm nhập khẩu và sau đó chúng tôi áp thuế, vì vậy ưu đãi thuế một tay chúng tôi trao cho bạn chúng tôi lại lấy đi bằng tay kia,” ông Cohn nói.

Với thuế quan được áp đặt bởi cả hai bên ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở cả hai nước, sẽ có lúc nào đó hai bên sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, các nhà điều hành doanh nghiệp cho biết. “Hai nước không có lợi ích khi để cho quan hệ đối đầu này kéo dài quá lâu,” ông Eric Zheng, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải, nhận định với Washington Post.

‘Ảnh hưởng người Mỹ không nhiều’

Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California nhận định rằng ‘Bắc Kinh muốn gây thêm khó khăn cho ông Trump để ông ấy thất cử vào năm tới’.

Khi được hỏi tại sao lúc này Bắc Kinh lại không muốn sớm có thỏa thuận trong khi chiến tranh thương mại gây tổn thương nền kinh tế của họ, ông Nghĩa nhận định rằng có khả năng ông Tập ‘đang chịu sức ép từ trong nội bộ’ tại hội nghị Bắc Đới Hà, cuộc họp không chính thức của các lãnh đạo tại chức và kỳ cựu của Trung Quốc hiện đang diễn ra ở một khu nghỉ mát bên bờ biển tỉnh Hà Bắc.

“Nếu ông Tập tỏ vẻ dịu giọng (trước Mỹ) thì ông ấy sẽ bị mất mặt trước các thành phần thủ cựu, cực đoan trong Đảng,” ông nói.

Ông cho rằng Trung Quốc phải tìm cách chịu đựng trong giai đoạn chiến tranh thương mại kéo dài. “Họ phải tìm cách làm sao sinh hoạt kinh tế của họ không lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ,” ông nói.

Ông nói thêm rằng do đặc thù về hệ thống kinh tế-chính trị nên phía Trung Quốc có bị thiệt hại như thế nào thì bên ngoài không biết trong khi ở Mỹ các doanh nghiệp đều ngay lập tức biết được họ sẽ thiệt hại bao nhiêu với mức thuế 10% này, do đó thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống ngay lập tức.

Về tác động đối với người tiêu dùng Mỹ khi đợt đánh thuế 10% này đánh vào tất cả những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của người Mỹ như Iphone, đồ chơi, thiết bị gia dụng… ông Nghĩa cho rằng ‘có ảnh hưởng nhưng không nhiều’.

Ông giải thích rằng mặc dù hàng Trung Quốc sẽ mắc hơn nhưng các nhà nhập khẩu của Mỹ ‘sẽ san sẻ thiệt hại’ bằng cách chịu ít lời hơn để trang trải cho phần thuế quan, do đó chỉ để cho người tiêu dùng Mỹ gánh chịu phần nhỏ. Mặc dù lợi nhuận của họ sẽ giảm nhưng mục đích của họ là giữ cho thị phần không bị ảnh hưởng quá nước.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ có thể tìm hàng hóa thay thế tương tự từ các quốc gia khác không bị đánh thuế, ông cho biết.

Về kinh tế Mỹ, ông cho rằng nhìn chung không ‘bị tác động đến tăng trưởng nhiều’ do ‘có động lực riêng từ gói cắt giảm thuế năm 2017 vốn bơm thêm tiền cho người tiêu thụ’.

“Giới tiêu thụ Mỹ đến nay vẫn tin tưởng, vẫn tiêu xài nhiều hơn,” ông cho biết.